Theo phản ánh của người dân ngụ thôn 2 (xã Đắk Cấm, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum), ông Phạm Thanh Hà, Uỷ viên ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum, Trưởng ban Quản lý khu Kinh tế tỉnh Kon Tum xây dựng “biệt phủ” hoành tráng trên đất nông nghiệp nhưng chính quyền địa phương không nhắc nhở, xử lý.
Trong khi đó, những người dân nghèo tại địa phương chỉ xây dựng những căn nhà cấp bốn nhỏ lại bị cơ quan chức năng lập biên bản cưỡng chế.
“Chúng tôi chỉ mới manh nha đổ đất, vật liệu xây nhà đã bị chính quyền xã đến lập biên bản cấm không được phép xây dựng. Nhiều hộ gia đình mới lên phần móng đã bị chính quyền phát hiện và cưỡng chế… Trong khi đó, nhà ông Hà to đùng lại không ai dám đụng chạm", một người dân bức xúc.
Cổng vào biệt phủ của Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Kon Tum
Bà Võ Thị Lý, Chủ tịch UBND xã Đắk Cấm xác nhận: “Thời gian qua, xã đã xử lý, cưỡng chế nhiều hộ gia đình về việc vi phạm xây dựng nhà ở, công trình trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, trường hợp nhà của ông Hà đã xây dựng cách đây rất lâu trước lúc tôi được bổ nhiệm về công tác tại đây”.
Theo ghi nhận của PV, cổng vào “biệt phủ” rộng lớn được xây dựng bằng gạch, bên trên lợp ngói đỏ, các cánh cửa sắt với nhiều họa tiết tinh xảo, công phu. "Biệt phủ" được bao quanh bằng hàng rào gạch và dây thép gai dài hàng ngàn mét.
Biệt phủ nhìn từ xa
Vào bên trong, khu "biệt phủ" được chia thành nhiều khu với các công trình khác nhau như nhà sàn gỗ, nhà thờ tự, hồ sen, nhà cho công nhân… Bên cạnh đó, có nhiều cây cảnh, cây xanh lớn nhiều người ôm không xuể được trồng theo hàng. Ấn tượng nhất trong khuôn viên là căn nhà rộng lợp ngói đỏ, có nhiều cột bằng gỗ lớn được xây vừa cổ điển, vừa hiện đại nổi bên trên mặt hồ sen.
Trao đổi PV, ông Hà xác nhận ông là chủ nhân của khu biệt thự. Các hạng mục công trình này được gia đình ông xây dựng từ năm 2003 với diện tích 2.000m2, trong phần đất rộng 25,1ha của gia đình.
Ông Hà cho biết, khu nhà của ông bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 2003. Tuy nhiên, không phải xây dựng tổng thể mà ông tiến hành làm các hạng mục, mỗi năm làm một công trình mới có được cảnh quan ưng ý như ngày nay.
Một góc biệt phủ
Thế nhưng, mãi đến ngày 19/8/2010, ông Phạm Thanh Hà (thời điểm này là Chủ tịch UBND TP.Kon Tum) mới làm đơn đề nghị chuyển mục đích sử dụng 1.000m2 đất nông nghiệp của khu biệt phủ sang đất ở nông thôn.
Sau đó, đến ngày 28/8/2010, ông Phan Văn Thế (thời điểm này là Phó Chủ tịch UBND TP.Kon Tum), Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum lại ra quyết định đồng ý cho ông Hà chuyển 1.000m2 này sang sử dụng vào mục đích “đất ở tại đô thị”.
Như vậy, thời điểm ông Hà xây dựng “biệt phủ”, diện tích đất nông nghiêp này chưa được chuyển đổi, mà là xây trước rồi “hợp thức hóa” thủ tục sau. Phải chăng ở đây có một sự "ưu ái" khác biệt cho riêng cá nhân ông Hà bởi trong toàn bộ hàng chục hộ dân ngụ tại đây đã hàng chục lần làm đơn đề nghị chuyển đổi đất nông nghiệp để có thể xây nhà một cách hợp pháp nhưng không được chấp thuận. Riêng, trường hợp "đặc biệt" của ông Hà lại được chấp thuận khiến cho bà con cảm thấy bức xúc.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hà lý giải: "Do tôi có làm đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên được đồng thuận. Người dân không làm đơn, hoặc có làm nhưng không được phê duyệt thì cái này UBND TP.Kon Tum cần phải xem xét lại".
Trong khi đó, bà Võ Thị Lý, Chủ tịch UBND xã Đắk Cấm trả lời: "Tại sao người dân làm đơn xin chuyển đổi mà không được? Tôi xin thông tin rõ là ở khu vực này hiện tại chưa có cơ quan có thẩm quyền nào cho phép chuyển đổi. Hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con UBND xã đã nhiều lần có kiến nghị gửi lên cấp trên cho chuyển đổi đất tại khu vực này sang đất ở nhưng vẫn chưa được chấp thuận”.
Ngay sau đó, PV tìm đến phòng Tài nguyên - Môi trường TP.Kon Tum để ghi nhận thêm thông tin. Tuy nhiên, cán bộ phòng Tài nguyên - Môi trường cho biết các hồ sơ đất đai liên quan đến phần đất của ông Hà đã thất lạc, sau khi tìm được hồ sơ gốc sẽ thông tin cụ thể sau.
Nguồn tin: Theo Người đưa tin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn