Trao đổi với PV Dân Việt, Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng, đến thời điểm này khi cơ quan điều tra trả lời rằng không xác định được bị can là hoàn toàn không hợp lý. Trong khi thông tin về bị can, gia đình bị hại đã cung cấp rất đầy đủ như tên họ, địa chỉ, và thường có mặt ở địa phương. Cơ quan điều tra cũng không tiến hành các biện pháp ngăn chặn, để ông V. đi khỏi địa phương một thời gian là tắc trách. Trong trường hợp này hoàn toàn có thể cấm đối tượng tình nghi rời khỏi nơi cư trú. Việc ông V. có phủ nhận những cáo buộc thì cơ quan điều tra có thể sử dụng những chứng cứ, lời khai khác kèm theo.
Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng, cơ quan điều tra đã không thực hiện các biện pháp ngăn chặn để nghi can trốn khỏi nơi cư trú.
“So với những vụ án xâm hại tình dục khác mà chúng tôi đã làm thì vụ án này rõ ràng hơn rất nhiều. Vì vụ án này đã có những giám định ban đầu của cơ sở y tế, những lời khai ban đầu của gia đình, bạn bè, thầy cô giáo và những người hàng xóm... Theo quan điểm của tôi, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể tiếp tục triệu tập cả nghi can và những người liên quan để lấy lời khai thêm. Để nghi can trốn khỏi nơi cư trú là do cơ quan chức năng chưa làm tốt các biện pháp phòng ngừa. Đối với những vụ án dạng này thì chứng cứ chỉ có như vậy, dù kéo dài thời gian cũng không thể thêm được, vì vậy người ta phải lấy chứng cứ bằng các lời khai của những người có liên quan thì sẽ sử dụng được làm bằng chứng”.
Là người đã hỗ trợ gia đình chị D.T.C và cháu H. ngay từ những ngày đầu tiên khi nhận được đơn kêu cứu của gia đình, bà Nguyễn Thu Thúy - Phó giám đốc trung tâm CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên) cho biết: “Ngay khi nhận được thư kêu cứu của gia đình, bên cạnh việc hỗ trợ ổn định tâm lý cho cháu và hướng dẫn gia đình động viên cháu H., chúng tôi đã đi tìm kiếm sự ủng hộ của các luật sư thiện nguyện ATN Law Firm và Luật sư Ngô Anh Tuấn đã tham gia hỗ trợ pháp lý cho họ. Cùng với luật sư, chúng tôi cũng đã giúp gia đình gửi nhiều đơn thư kêu cứu tới các tổ chức, cơ quan chức năng để sớm làm rõ vụ việc”.
Qua vu việc, bà Thúy cũng khuyến cáo: Với những trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục thì sẽ bị gây ra những tổn thương không chỉ trước mắt mà còn ảnh hưởng tới suốt cả cuộc đời của bé nữa. Trước mắt thì bé có thể sợ hãi, e dè không hòa nhập được với cộng đồng, khó khăn trong giao tiếp cũng như học hành. Rất nhiều trẻ rơi vào trầm cảm và có những biểu hiện tiêu cực. Ví dụ trường hợp em bé ở Cà Mau vừa rồi, khi mọi người có biểu hiệu xì xào bàn tán, xa lánh dẫn đến việc em bé tự tử.
“Gia đình đóng một vai trò hết sức quan trọng cùng với các bên liên quan khác như nhà trường, bạn bè, các kênh truyền thông, các cơ quan làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em... để giúp bé H. và các hoàn cảnh tương tự khác trong lúc này” – bà Thúy nói.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Thúy - Phó giám đốc Trung Tâm CSAGA nói chuyện, động viên cháu H.
Theo thông tin mới nhất từ Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh, hiện vụ án đã được phục hồi điều tra theo Quyết định số 14, ngày 21.4: Phục hồi điều tra vụ hiếp dâm ở phường Cao Xanh - Thành phố Hạ Long - Quảng Ninh. Lý do phục hồi điều tra là do nghi can đã trở lại nơi cư trú, có thể triệu tập để lấy lời khai phục vụ công tác điều tra vụ án.
Trong một diễn biến khác, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng có công văn 2871/UBND-TD ngày 26.4, giao Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát lại vụ việc, công khai kết quả rà soát vụ việc báo cáo trong tháng 5.2017.
Trước đó ngày 20.7.2016, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản chuyển đơn của gia đình chị D.T.C đến Công an TP. Hạ Long để giải quyết. Tuy nhiên đến nay UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa nhận được báo cáo kết quả giải quyết vụ việc.
Nguồn tin: Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn