Quyền khởi kiện Nhà nước của doanh nghiệp

Thứ bảy - 26/01/2019 22:32
Ngày 14-1-2019, Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Một nội dung rất quan trọng của hiệp định này là cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nước chủ nhà và nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm điều khoản bắt buộc thực thi bản án. Điều tương tự như vậy, đáng tiếc là vẫn chưa được áp dụng đối với các nhà đầu tư trong nước ở Việt nam.
Quyền khởi kiện Nhà nước của doanh nghiệp

 

 
Hoạt động đầu tư kinh doanh luôn chứa đựng nhiều rủi ro, trong đó bao gồm rủi ro chính sách. Ảnh: THÀNH HOA
 


Hết thời “cái kiến mày kiện củ khoai”?

Hoạt động đầu tư kinh doanh luôn chứa đựng nhiều rủi ro, trong đó bao gồm rủi ro chính sách. Những tổn thất, thiệt hại của nhà đầu tư có thể xuất phát từ việc chính quyền vi phạm các cam kết trước đó, hay doanh nghiệp bị đối xử không công bằng ngay từ giai đoạn đăng ký đầu tư. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, trước đây các hiệp định thương mại hay đầu tư đều có quy định cơ chế giải quyết tranh chấp, nhưng không chi tiết và có tính bắt buộc thi hành cao.

Trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như CPTPP chẳng hạn, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nước chủ nhà, nhất là những nơi hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện được quy định càng chi tiết và tính bắt buộc thi hành cao. Theo đó, nhà đầu tư có thể kiện chính quyền ra trọng tài quốc tế độc lập. Nếu chính quyền nước nhận đầu tư bị thua kiện mà không tuân thủ phán quyết của trọng tài thì chính phủ nơi nhà đầu tư mang quốc tịch có quyền can thiệp vào tranh chấp này.

Để có được một nền kinh tế tự cường thì nguồn lực từ bên ngoài là cần thiết, nhưng không thể quan trọng bằng nguồn lực của chính mình, từ các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Có lẽ nhiều người cũng chưa quên một số bài học đắt giá đối với chính phủ Việt Nam trước đây khi coi nhẹ phán quyết của trọng tài quốc tế hay phán quyết của tòa án nước ngoài. Một khi phán quyết về kinh tế có giá trị pháp lý quốc tế, việc thi hành là không thể tránh khỏi, nếu chính phủ không muốn tài sản của mình ở nước ngoài bị tạm giữ hay tịch biên.

Cơ chế giải quyết tranh chấp như trong CPTPP hay các hiệp định tương tự tạo sức ép rất tốt để chính quyền các cấp phải thay đổi theo hướng chuẩn hóa, minh bạch, nhất quán về mặt chính sách, tránh việc ban hành chính sách tùy tiện. Với xu hướng phân quyền ngày càng nhiều cho các địa phương trong lĩnh vực đầu tư, rủi ro đối với người đứng đầu các cơ quan quản lý và chính quyền các cấp là rất lớn nếu không có sự cẩn trọng trong việc ban hành các chính sách, quy định.

Đối với các nhà đầu tư trong nước, mặc dù Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1-7-2018 nhưng quy định về việc giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp và Nhà nước còn rất mơ hồ. Quan trọng hơn, việc thực thi pháp luật vẫn đang là một vấn nạn của Việt Nam khi chúng ta có rất nhiều luật nhưng thực tế thì việc thực thi rất hạn chế và không hiệu lực. Nhà đầu tư trong nước vẫn chưa có một sự đảm bảo chắc chắn để có thể kiện một chính sách hay quyết định gây thiệt hại cho mình, vì sợ rằng được vạ thì má đã sưng.

Bình đẳng giữa các doanh nghiệp

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp là rất cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng cũng phải đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, giữa các khu vực kinh tế khác nhau, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy vẫn còn có sự phân biệt đối xử ở một số lĩnh vực giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Luật Cạnh tranh (sửa đổi) sẽ có hiệu lực vào ngày 1-7-2019 cũng có quy định cấm các cơ quan nhà nước phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp nhưng liên quan đến giải quyết tranh chấp với Nhà nước, rõ ràng các doanh nghiệp trong nước không được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển khác, cần có các nguồn đầu tư từ nước ngoài để phát triển. Nhưng không vì thế mà có quá nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tạo nên sự bất bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước. Thực ra, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, được đối xử như các doanh nghiệp trong nước đã là một ưu đãi cho họ vì họ đã có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn, việc ưu tiên các doanh nghiệp trong nước ở một mức độ nào đó vẫn được chấp nhận như một sự thỏa thuận ngầm giữa các quốc gia.

Vì vậy trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà hoạch định và ban hành chính sách cần đặt tất cả các loại hình doanh nghiệp, các khu vực kinh tế trong một tổng thể chung. Để có được một nền kinh tế tự cường thì nguồn lực từ bên ngoài là cần thiết, nhưng không thể quan trọng bằng nguồn lực của chính mình, từ các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây