Ngành Y không đơn độc
Ngày 25/10, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thẳng thắn lên tiếng và nói rằng, bà rất bức xúc về tình trạng thầy thuốc bị hành hung diễn ra ngày một nhiều và đây là thực trạng đau lòng, gây tâm trạng bất an cho đội ngũ nhân viên y tế. Bộ trưởng Tiến cho biết, thời gian qua ngành Y tế đã kêu gọi chính quyền địa phương cùng phối hợp áp dụng những biện pháp an ninh cần thiết để bảo đảm an toàn cho các nhân viên y tế. Không những kêu gọi suông mà Bộ Y tế cũng đã kí kết hợp tác với Bộ Công an, tổ chức những hội thảo trực tuyến về bạo lực trong bệnh viện, mời lực lượng chức năng, công an vào cuộc. Bộ trưởng cũng đã ký ban hành rất nhiều công văn, chỉ thị chỉ đạo các bệnh viện tăng cường an ninh BV, kể cả lắp đặt camera…
Người nhà bệnh nhân có thái độ côn đồ với y bác sĩ tại một bệnh viện tuyến cơ sở
Đáng buồn là tình hình không những giảm mà lại tăng. Bộ trưởng hoài nghi “cơ quan có chức năng chưa thực sự vào cuộc, truyền thông chưa thực sự ủng hộ”. Bỡi theo bà Bộ trưởng, nếu thực sự chia sẻ với người thầy thuốc thì ngay lúc này phải phản ứng rất quyết liệt, nhiều vụ đã xảy ra khi gọi được công an thì việc đã xong. “Đến thời điểm này chúng tôi thấy ngành Y tế gần như đơn độc trong cuộc đấu tranh với nạn bạo hành nhân viên y tế”. “Người thầy thuốc vừa khám bệnh, vừa để ý, nhưng bệnh nhân đòi phải được khám ngay, lấy cả điện thoại để ghi âm, để quay, làm sao mà người thầy thuốc đủ bình tĩnh để chữa bệnh được” – Bà Tiến bức xúc bày tỏ.
Thực trạng có đến mức như Bộ trưởng Bộ Y tế nói. Xin thưa ngành Y tế không hề đơn độc, nếu có chỉ là cục bộ và xảy ra ở cơ sở y tế đó có những người thầy thuốc đã không làm tốt vai trò của một “lương y như từ mẫu”, “thầy thuốc như mẹ hiền”. Trước nhiều vụ hành hung y bác sĩ liên tiếp xảy ra gần đây dư luận đã rất bức xúc và phẫn nộ, không thờ ơ vô cảm, bỡi hơn ai hết họ hiểu rằng nếu để ngành Y đơn độc trong cuộc chiến chống bạo lực, thì nạn nhân chính là cộng đồng và lúc nào đó có thể là chính họ. Hình ảnh bác sỹ Chung, Phó Giám đốc Bệnh viện huyện tại Hà Giang đứng ở giữa chợ với tấm hình phóng lớn của hai đứa trẻ sơ sinh người Dao dính liền, quyên góp hơn 40 triệu đồng giúp đỡ gia đình bệnh nhân có đủ tiền chuyển lên tuyến trên chữa trị đã làm lay động hàng triệu con tim, tràn ngập trên mạng với những lời khen ngợi, cổ vũ, động viên, chia sẻ. Chỉ riêng điều này thôi cũng đủ để thấy bác sĩ Chung đã vượt ra khỏi tầm y đức thông thường, đã làm thức dậy tình cảm và lương tri trong mỗi chúng ta.
Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng: “Y đức không chỉ là một tiêu chí nghề nghiệp mà là một giá trị nhân văn trong xã hội. Tuy nhiên, môi trường không lành mạnh, quá nhiều kẽ hở như hiện nay đã làm xói mòn y đức. Điều quan trọng nhất lúc này là chế tài xã hội, chế tài pháp luật. Bên cạnh ngành Y tế quản lý, cần xem trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc. Bên cạnh đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp phép, cơ quan thuế...”.
Cội nguồn làm phát sinh nạn bạo lực trong cơ sở y tế thời gian qua cho thấy là do một số cá nhân nóng nảy, thiếu kiềm chế, có cách hành xử bạo lực, côn đồ; và xuất phát từ sự lỏng lẻo của khâu bảo vệ trong cơ sở y tế. Một nguyên nhân khác hết sức quan trọng đó còn là thái độ thiếu chuẩn mực và sự xuống cấp y đức của cán bộ nhân viên ngành Y. Đó có thể là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cho cơ quan có chức năng chưa thực sự vào cuộc, truyền thông chưa thực sự ủng hộ, khiến cho bà Bộ trưởng hoài nghi.
Nhiều người cảm nhận rằng khi đến bệnh viện, họ như là người đang cầu ơn từ các bác sĩ chứ không phải họ là người chi trả tiền để nhận được dịch vụ y tế tương xứng. Từ những bất đồng nhỏ, lâu rồi tích tụ thành những mâu thuẫn khiến cho mối quan hệ giữa những người làm trong ngành Y với bệnh nhân trở nên “cơm không lành, canh chẳng ngọt”, dễ dẫn đến “động chân, động tay” mỗi khi có những bất đồng. Chỉ cần một sai sót nhỏ, một cử chỉ khiến người nhà bệnh nhân không thấy hài lòng cũng có thể dẫn tới xô xát, hành hung y bác sĩ.
Xây dựng niềm tin để giảm thiểu bạo lực
Toàn xã hội sẽ chung tay với ngành Y để hoàn thiện điều kiện khám chữa bệnh, nâng cao đời sống cán bộ, nhân viên y yế, chăm sóc bệnh nhân, bảo đảm an ninh bệnh viện. Đến thời điểm này hệ thống pháp luật nước ta có thừa chế tài để ngăn chặn vấn nạn bạo hành, đủ sức răn đe những kẻ thiếu kiềm chế. Vấn đề mà cả xã hội kỳ vọng là làm thế nào để có một môi trường an ninh trong ngành Y thật sự bền vững. Hay nói cách khác cần phải tạo môi trường thân thiện, nhân văn trong các cơ sở y tế, bảo đảm các bệnh nhân được đối xử bình đẳng, được tích cực cứu chữa, điều trị không phân biệt gửi gắm, thân quen hay giàu nghèo.
Muốn làm được điều đó, trước hết là phải xây dựng hình ảnh, bảo vệ niềm tin của người dân với ngành Y, vào đội ngũ y bác sĩ, vì đó sẽ là phương pháp tốt nhất để giảm thiểu bạo lực. Kiên quyết xử lý nghiêm những “con sâu làm rầu nồi canh”. Phải loại bỏ bằng được những y bác sĩ có hành vi thiếu tôn trọng, nhũng nhiễu, vòi vĩnh bệnh nhân, vi phạm quy chế chuyên môn, chặn xe cứu thương chở trẻ em hấp hối, bỏ mặc sản phụ đến chết, chậm trễ cấp cứu, vô cảm trước người bệnh… đã và đang xảy ra tại các bệnh viện.
Theo thống kê của Cục Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, tính từ năm 2010 đến nay, cả nước ghi nhận 20 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự bệnh viện. Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở các bệnh viện tuyến tỉnh, chiếm 60%, tiếp đến là bệnh viện tuyến Trung ương chiếm 20%. Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ 70%, điều dưỡng 15%. Có đến 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh (chiếm 60%), còn lại xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh và người nhà người bệnh.
Trường hợp của em Lê Thị Hà Vi nữ sinh Trường THPT Y Jút, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) xảy ra hơn 1 năm trước là tiếng kêu xé lòng, đánh thức lương tâm những người thầy thuốc. Chỉ vì sự tắc trách của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện đoa khoa huyện Cư Kuin mà em vĩnh viễn mất đi một cái chân. Nếu như em được chuyển viện kịp thời, nếu như được các bác sĩ quan tâm chữa trị ngay từ đầu, và còn rất nhiều thứ “nếu như” nữa thì em đã không phải chịu cảnh tàn tật như hiện nay. Quả thật từ những vụ việc như thế, mưa dầm thấm lâu, khiến cho niềm tin của người dân, người bệnh vào các y, bác sĩ bị xói mòn. Đến khi xảy ra tai biến, chết người… thì các kết luận của Hội đồng y khoa đều coi tai nạn đó là bất khả kháng trong y học và người nhà bệnh nhân phải cay đắng chấp nhận. Tất cả đã khiến cho người nhà và bệnh nhân khi vào khám bệnh ở tuyến cơ sở đều cảm thấy bất an, chỉ muốn mau chóng được chuyển viện.
Vụ án VN Pharma đang diễn ra với số tiền lót tay cho bác sĩ 7,5 tỷ đồng để kê khống giá thuốc,
kê đơn thuốc không rõ nguồn gốc…khiến dư luận phẫn nộ, mất niềm tin vào Bộ Y tế
Vụ án tại VN Pharma đang diễn ra và dù có khép lại, những kẻ vi phạm phải trả giá bằng những hình phạt thích đáng, song nỗi đau thì còn mãi. Những người luôn được xem như “từ mẫu” bất chấp lương tâm nhận 7,5 tỷ đồng tiền lót tay để kê khống giá thuốc, làm giả hợp đồng mua bán, kê những đơn thuốc không rõ nguồn gốc để chữa ung thư cho những bệnh nhân đau khổ. Và xa hơn nữa ở tầm vĩ mô là câu hỏi có liên quan đến người đứng đầu ngành Y: Tại sao một bộ hồ sơ giả từ đầu đến cuối lại dễ dàng qua mặt được cả một hệ thống quản lý với nhiều quy trình, thủ tục và trang thiết bị hiện đại ở Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ? Y đức không chỉ là thái độ hay trách nhiệm. Nó còn là bản lĩnh trước cám dỗ, trước những thách thức của nghề. Lời thề Hypocrate luôn là kim chỉ nam cho những người được mệnh danh là “từ mẫu” của nhân dân.
Đôi điều chia sẻ ?
Cách đây 4 năm, vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường xảy ra làm chấn động dư luận cả nước, bỡi hành động mất hết nhân tính của một bác sĩ. Ngay sau sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã đưa ra lời xin lỗi có công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế Hà Nội báo cáo thông tin liên quan đến thẩm mỹ viện làm chết khách hàng và vứt xuống sông Hồng phi tang. Động tác của Bộ Y tế không những không làm hạ nhiệt dư luận mà trái lại. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi đó còn là Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP thẳng thắn: “…Thay vì lời xin lỗi, đã đến lúc người dân mong đợi vào một cam kết và hành động thực sự quyết liệt của Bộ Y tế !”.
Từ đó đến nay, trong rất nhiều nổ lực để nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị của Bộ Y tế, một trong những giải pháp nhận được sự ủng hộ cao từ phía cộng đồng, đó là lần đầu tiên Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch
Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Với câu khẩu hiệu đậm chất slogan
: “Người bệnh đến niềm nở, người bệnh ở tận tình, người bệnh về dặn dò chu đáo”. Cùng với đó, Bộ trưởng Tiến không ngần ngại lăn lộn thực tế, đột xuất kiểm tra bệnh viện, điểm khám chữa bệnh để thấy rõ bất cập kịp thời chấn chỉnh; và hơn 7.000 cán bộ y tế bị xử lý kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo đến buộc rời khỏi ngành…
Sự quyết liệt, hành động của người đứng đầu ngành Y đã từng bước được hiện thực hóa trong hoạt động của đội ngũ y bác sĩ tại tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế. Thủ tục khám bệnh nhanh gọn, nhân viên y tế niềm nở, luôn nở cụ cười, thái độ với người bệnh tận tình hơn là điều được hầu hết bệnh nhân ghi nhận ở nhiều bệnh viện tuyến Trung ương ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Trong con mắt người dân, nhất là người bệnh cũng như dư luận xã hội, hình ảnh người thầy thuốc Việt Nam từng bước được cải thiện ngày càng đẹp hơn, chất lượng phục vụ không ngừng được nâng cao.
Song, đồng hành với sự nỗ lực cải thiện hình ảnh là những mặt trái của ngành Y cứ lần lượt bị phát hiện và phơi bày lấn át, mà “đỉnh điểm” là vụ án VN Pharma và gần đây nhất là câu chuyện xử phạt hành chính và kỷ luật đầy phản cảm đối với bác sĩ Hoàng Công Truyện (chỉ vì góp ý cho Bộ trưởng trên facebook)... Một lần nữa niềm tin của người dân với ngành Y lại bị đổ vỡ và trong mắt họ, hình ảnh của vị Bộ trưởng Y tế đương nhiệm bị méo mó. Những nỗ lực của Bộ Y tế thời gian qua chứng tỏ mới chỉ là phần ngọn, hay nói hình ảnh hơn đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.