Đây là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 126/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.
Nghị quyết 126/NQ-CP (có hiệu lực từ 29/11/2017) đã đề ra các nhóm nhiệm vụ chủ yếu trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Trong đó, có nhiệm vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; nâng cao hiệu quả công tác giám định và thu hồi tài sản tham nhũng.
Dự án BOT tuyến Quốc lộ 51 nối tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN
|
Theo đó, hoàn thiện các quy định về giải quyết tố cáo, thông tin phản ánh về tham nhũng, đặc biệt là tố cáo, phản ánh trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng cơ chế hữu hiệu về bảo vệ người tố cáo, bảo vệ người làm chứng trong tố giác và phát hiện tham nhũng.
Hoàn thiện cơ chế phát hiện hành vi tham nhũng theo hướng phát huy mạnh mẽ các công cụ giám sát, kiểm tra của đảng, kiểm toán nhà nước, thanh tra nhà nước; áp dụng kịp thời các biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Khẩn trương xây dựng và ban hành quy trình giám định chuẩn, hướng dẫn về thời hạn giám định; hướng dẫn về định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí giám định ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, nhất là các lĩnh vực mà các vụ án tham nhũng ngày càng có số lượng trưng cầu giám định tăng lên như: Tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, khoa học công nghệ, công thương, thông tin và truyền thông... Có cơ chế khai thác, sử dụng thiết bị chuyên dụng của cơ quan, tổ chức được trưng cầu và các tổ chức chuyên dụng khác vào hoạt động giám định tư pháp để bảo đảm điều kiện, thời hạn và yêu cầu cao về chất lượng giám định, phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế.
Nghị quyết cũng nêu rõ tăng cường, tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác cán bộ…
Theo Nghị quyết này, Chính phủ cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; xác định rõ ràng trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan. Tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra và kiên quyết xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có sai phạm liên quan đến các dự án lớn thua lỗ, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phát hiện, xử lý tham nhũng. Xử lý kiên quyết, kịp thời đúng pháp luật những hành vi tham nhũng và những người bao che hành vi tham nhũng, ngăn cản việc chống tham nhũng.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV vừa qua, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, vẫn khó phát hiện tham nhũng, tình trạng xét xử các vụ án tham nhũng kéo dài, thu hồi tài sản tham nhũng chậm.
Các đại biểu cho rằng, tài sản tham nhũng không hề nhỏ, tổng kết 10 năm thi hành luật cho thấy thiệt hại hơn 59.700 tỷ đồng và 400ha đất nhưng thu hồi rất thấp, chỉ 7,82% tiền và tài sản, 54,7% về đất. Những năm gần đây thu hồi có tăng nhưng chưa đạt yêu cầu.
Tại phiên chất vấn của kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng cho rằng, việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng còn thấp. Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Bộ Công an tăng cường chỉ đạo hướng dẫn cơ quan tố tụng thúc đẩy quá trình điều tra, tập trung thu hồi tài sản cho nhà nước.
Đặc biệt, nâng cao tiếp nhận tố giác tội phạm, tăng cường phối hợp các cơ quan thanh tra, kiểm toán trong quá trình thanh tra kiểm tra, có giải pháp phong tỏa tài sản đối tượng phạm tội. Tăng cường quản lý, công khai kê khai tài sản của công chức, viên chức tạo điều kiện thuận lợi thu hồi tài sản tham nhũng...