Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Xuân Hoà (Lạng Sơn) về tỷ lệ nợ đọng thuế của Việt Nam so với các nước trên thế giới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tỷ lệ bình quân của 7 nước ASEAN là 7,5%; các nước đang phát triển là 7-8%. Cách tính thuế của Việt Nam với các nước có thể có những phạm vi chưa đồng nhất nên Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát.
Thông tin tới đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đăk Nông), Bộ trưởng Tài chính cho biết, thời gian qua, cơ quan thuế và hải quan đã thực hiện quyết liệt, đúng pháp luật việc chuyển cơ quan điều tra tiến hành xử lý các vi phạm trong lĩnh vực thuế. Năm 2016, cơ quan thuế đã chuyển cơ quan công an 3.261 trường hợp tin báo về tội phạm. Cơ quan công an đã xử lý hình sự 23 vụ, khởi tố 20 bị can có dấu hiệu vi phạm về thuế, trốn thuế và chuyển lại cơ quan thuế xử lý hành chính 324 vụ. Theo đó, cơ quan thuế xử lý 229 vụ, còn 95 vụ không xử lý được do người nộp thuế bỏ khỏi nơi kinh doanh.
Trả lời câu hỏi về thu thuế Uber, Grab khi đang phát triển "vô độ, chiếm lĩnh thị phần lớn nhưng đóng góp thuế thấp" (ĐB Dương Trung Quốc), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết vừa qua các doanh nghiệp này đã tự giác kê khai thuế. Qua thanh tra, cơ quan thuế đã thu truy thu thêm, như với Uber là gần 67 tỷ đồng, Grab hơn 3 tỷ.
Với các loại hình kinh doanh trên mạng, Bộ trưởng Tài chính thừa nhận "đúng là hiện nay kinh doanh trên Facebook, Goolge... đã kê khai, nhưng chưa thu được". Tại một số địa phương đã rà soát được nhiều địa chỉ kinh doanh, buộc yêu cầu đăng ký mã số thuế kinh doanh qua mạng... Về lâu dài ông Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông, các nhà mạng rà soát.
Theo Bộ trưởng Tài chính, quản lý kinh doanh qua mạng, thu thuế qua mạng hiện rất khó. "Về lâu dài yêu cầu các tổ chức, kể cả Facebook, phải có hiện diện thương mại tại Việt Nam. Họ đi theo công nghệ, thì mình cũng phải đi theo", Bộ trưởng nói.
Tổng kết phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các lĩnh vực liên quan tài chính nợ công luôn được dư luận, cử tri quan tâm. Nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng Tài chính không mới, đã được đề cập nhiều và liên quan tới nhiều Bộ, ngành ảnh hưởng tới an toàn ngân sách quốc gia.
"Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, đại biểu đặt câu hỏi thẳng thắn. Hai Bộ trưởng Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư đã trả lời, nhưng một số nội dung trả lời giải pháp chưa mới, nhất là trong quản lý hoá đơn, quản lý thuế chưa mới, nên nhiều đại biểu tranh luận lại", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá.
Bà Ngân cũng cho rằng, Chính phủ đã có nhiều giải pháp đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Công tác quản lý thuế, hải quan, giải quyết nợ đọng được đẩy mạnh, quản lý nợ công cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, thực tế quy mô thu ngân sách giảm, thiếu tính bền vững, thất thu thuế nghiêm trọng, nhiều sai phạm trong lĩnh vực thuế, hải quan... Việc phát hiện và xử lý chuyển giá hiệu quả chưa cao, nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh sát trần cho phép.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hoá trong thuế, hải quan, tiếp tục đẩy mạnh rà soát cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết trong năm 2017 nếu kịp trình Chính phủ Nghị định hoá đơn điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt; cơ cấu lại nợ công theo Nghị quyết Quốc hội..../.
Tác giả bài viết: Huyền Anh
Nguồn tin: infonet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn