Heo rớt giá chỉ là “giọt nước tràn ly” về bài học thị trường

Chủ nhật - 14/05/2017 19:15
(PL News) - Thời điểm này, việc chăn nuôi lợn ở địa phương đang hết sức khó khăn vì đầu ra không ổn định, người nuôi thua lỗ… Qua khảo sát, giá lợn hơi trên thị trường dao động 22.000 - 27.000 đồng/kg trong khi giá thành lên đến 25.800 - 33.700 đồng/kg, người nuôi lỗ từ 6.000 - 12.000 đồng/kg. 
Người nuôi heo ở ĐBSCL đang lâm vào cảnh điêu đứng (ảnh: Tr.L)
Người nuôi heo ở ĐBSCL đang lâm vào cảnh điêu đứng (ảnh: Tr.L)

 

Mới đây, tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị tìm giải pháp cấp bách tiêu thụ thịt heo, hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn. Hiện, chăn nuôi lợn là một thế mạnh kinh tế quan trọng của tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, do đầu ra không thuận lợi, giá heo hơi xuống thấp khiến tổng đàn giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước, tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện còn trên 501.000 con.

Thời điểm này, việc chăn nuôi lợn ở địa phương đang hết sức khó khăn vì đầu ra không ổn định, người nuôi thua lỗ… Qua khảo sát, giá lợn hơi trên thị trường dao động 22.000 - 27.000 đồng/kg trong khi giá thành lên đến 25.800 - 33.700 đồng/kg, người nuôi lỗ từ 6.000 - 12.000 đồng/kg. 

Ông Lê Huỳnh Minh Triết, Phó Giám đốc Hợp tác xã Thức ăn gia súc Bình Minh (Thành phố Mỹ Tho) đề nghị các ngành chức năng xem xét việc kết nối giữa người chăn nuôi, thương lái và hộ kinh doanh thịt heo. Cần mở mạng lưới quầy kinh doanh thịt heo bán lẻ với giá phù hợp vừa kích cầu lại thị trường giúp giải quyết đầu ra cho nghề chăn nuôi heo. Ông Phạm Văn Tiến, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi heo an toàn Hòa Định (Chợ Gạo, Tiền Giang) kiến nghị, các giải pháp khác cũng cần được triển khai như: giảm giá thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ tài chính - tín dụng giúp duy trì và phát triển nghề chăn nuôi heo trong tương lai.

Ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh Tiền Giang cho rằng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa người chăn nuôi - thương lái - cơ sở giết mổ - hệ thống phân phối lẻ nhằm phân chia lại lợi nhuận trong các khâu một cách hợp lý, nhằm tránh tình trạng thương lái ép giá, người nuôi chịu thiệt, trong khi người tiêu dùng vẫn phải mua thịt với giá cao.

Các giải pháp được đưa ra vẫn chỉ mang tính tạm thời, trong khi hướng lâu dài thì bộc lộ quá nhiều bất cập. Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng: Câu chuyện thịt heo rớt giá, tắc đầu ra vốn không mới, nó chỉ là “giọt nước tràn ly” về câu chuyện bài học thị trường của ngành nông nghiệp, mà đến nay vẫn học hoài không thuộc.

Từ nhiều năm qua, hết mặt hàng này đến mặt hàng khác, từ lúa gạo đến con tôm, con cá chủ yếu là các mặt hàng nông sản đều lâm vào cảnh tắc đầu ra. Vấn đề bất cập nhất là chúng ta đợi “đụng chuyện” mới nghĩ ra giải pháp, mà không chủ động trước, chỉ theo đuôi các sự kiện và đi khắc phục hậu quả. Đây là cách làm theo lối “tiểu nông” truyền thống, trong khi cơ chế thị trường đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải nắm bắt quy luật cung cầu.  Việc kêu gọi giải cứu thịt heo là một nỗ lực, một nghĩa cử đáng trân trọng của cộng đồng, nhưng khi chúng ta tập trung vào thịt heo, vậy còn những mặt hàng khác sẽ ra sao, rõ ràng là không ổn và đây cũng không phải là giải pháp căn cơ.

“Ngay bây giờ, ngành chức năng phải có sự sắp xếp lại và chủ động, không chạy theo đuôi các sự việc nữa, chúng ta phải vận hành theo cơ chế thị trường với “quy luật ngàn đời” là mối quan hệ cung cầu, quy luật giá trị. Sự can thiệp của nhà nước là cần thiết nhưng không phải can thiệp hành chính, hoặc bằng những giải pháp “tình cảm” (tất nhiên vẫn có những tác động nhất định). Về lâu dài phải điều tiết từ chính sách, từ quy hoạch, cơ chế cho việc vận hành. Một con heo xuất chuồng phải có quá trình, sao việc đó lại không được tính ngay từ đầu?” - ông Hiệp đặt vấn đề. 

Nguồn tin: LĐO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây