“Chị Vân ở Rạch Giá, người nhỏ xíu, cao chừng 1,5 mét, mỗi ngày ôm vô lăng chiếc xe tải 6 tấn đi tuyến Rạch Giá - Long Xuyên, mỗi ngày 3 chuyến. Chị Vân nói, lái xe mệt nhưng mệt nhất là bốc hàng lên xuống. Có những kiện hàng nặng gần gấp đôi chị, cũng phải kê lưng mà vác. Nhiều lúc, mồ hôi chị ướt hết áo, ướt luôn lưng ghế xe tải, tất cả chỉ vì miếng cơm manh áo cho gia đình.
Rồi một ngày, miền quê thanh bình dựng lên cái “bót” thu tiền. Họ gọi là phí. Chị Vân và toàn dân Kiên Giang chỉ đi hơn 100 mét đường “BOT”, vẫn phải è cổ ra đóng. Chị đi một chuyến bị thu 140.000 đồng, ngày 3 chuyến đi về thu 920.000 đồng. Mỗi tháng chị mất hàng chục triệu đồng (mỗi năm mất đứt giá trị cả chiếc xe). Mồ hôi trên lưng chị bị những kẻ ăn trắng mặt trơn “liếm” cho kỳ hết.
Chính quyền địa phương kêu dời trạm, ông Thứ trưởng Nguyễn Nhật và “các bạn” nói lắp trạm ở đây là đúng quy trình. Chị Vân lái chiếc xe tải “3 chân” (3 trục) từ Rạch Giá đi Long Xuyên, ngang Trạm BOT T2, trạm phí đưa cái quy trình của mấy ông sếp Bộ GTVT ra, ép chị nộp 140.000 đồng.
Nhưng bị chị dạy toàn điều hay lẽ phải, cuối cùng xả trạm. Trong hôm nay 10.1, chị đã lái xe ngang đây 4 lần (2 chuyến hàng). Chị mừng muốn khóc vì đã giành lại được tiền mua sữa cho con - 560.000 đồng, đâu phải số tiền nhỏ! Từ giờ tới tối chị còn đi 2 chuyến nữa”, đó là những gì mà nhà báo Hữu Danh, người có mặt ở Trạm T2 từ tối 9.1, viết trên Facebook.
Chị Vân nói với nhân viên Trạm thu phí T2: “Đi có 150 mét mà chuyến đi, chuyến về đóng 280.000 đồng, đau như bò đá không? Trong khi phí đường bộ xe tui đã đóng mỗi năm 13 triệu đồng. Em mở rộng cái gì trên đoạn đường ngắn này (từ ngã ba Lộ Tẻ đến Trạm T2), chỉ chị coi? Em chỉ mở rộng… trạm thu phí!”.
Đúng quy trình? Thì đồng ý nhà đầu tư tráng nhựa, mở rộng đôi chút khoảng 30km quốc lộ 91. Nhưng sao không đặt trạm bên kia ngã ba Lộ Tẻ để thu đúng những ai đi đoạn đường dài trên quốc lộ 91, mà đặt bên này, thu luôn tuyến huyết mạch từ TP.HCM-phà Vàm Cống-quốc lộ 80 về H.Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), Kiên Giang. Dính dáng gì?
Người dân Sóc Trăng tổ chức múa lân ăn mừng khi xả trạm trưa 10.1 - Ảnh: Hàm Yên
Nếu nói thu đúng, đặt trạm đúng quy trình, thì dân đã không kêu “đau như bò đá”. Cũng như Trạm BOT Sóc Trăng, nếu thu hợp lý, trưa 10.1, người dân đã không tổ chức múa lân ăn mừng xả trạm. Không có quy trình đúng nào mà hại dân cả.
Trừ lúc hỗn loạn ở BOT Cai Lậy mà những người đứng đầu tỉnh Tiền Giang đã “tàng hình" chỉ cho cảnh sát cơ động xuống “răn đe”, thì những ngày qua, có cảm giác chính quyền các tỉnh miền Tây đứng về phía lẽ phải của người dân, khi họ xung đột với các trạm BOT.
Không hề có những cảnh sát đội nón bảo hiểm, cầm khiên, cầm gậy, mang còng, đứng thành hàng răn đe. Chỉ có những CSGT cần mẫn phân luồng, giải quyết chuyện kẹt xe nếu có. Không hề có những “mệnh lệnh” dọa nạt khởi tố những tài xế… Tất nhiên, nếu như các tài xế đừng làm quá, xả trạm vẫn không cho xe chạy, bởi đó là hành vi gây cản trở giao thông.
Trước đó, Chủ tịch tỉnh An Giang đã lên tiếng phản đối Trạm T2 đặt sai vị trí. Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ thì trực tiếp xuống hiện trường, lắng nghe dân và kiên quyết đòi xử lý Trạm BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp khi chần chừ không chịu xả trạm để khỏi kẹt xe. Còn ở BOT Sóc Trăng, đại diện chủ đầu tư phải “than”: “Những ngày qua, tôi có cảm giác chính quyền bỏ rơi nhà đầu tư, để mặc ai muốn làm gì thì làm. Chúng tôi rất đơn độc”.
Không, chính quyền không bỏ rơi ai, họ chỉ đứng về dân, về lẽ phải. Chính họ, người dân của họ, thậm chí con cháu của họ, đã và đang phải è cổ đóng mức phí cao và vô lý cho các ông, nên họ hiểu là phải. Nếu các ông chủ BOT làm đúng, thu đúng, không ai bỏ rơi các ông!
Nói như kiểu dân nhậu miền Tây: “Tổ chức nhậu thế nào mà không cho hay, chừng mình đi ngang qua nó kéo lại, bắt nhậu, dù mình không muốn nhậu, rồi buộc phải hùn 100.000 đồng. Trong khi mồi, rượu thì mình không được chọn, nó mua gì bắt ăn đó. Tiền nó mua bao nhiêu, kê khống lên mình không biết, cứ bắt đóng tiền. Tổ cha nó, nhậu một mình đi”. Hình như, các trạm BOT ở miền Tây, na ná vậy.
Nếu đúng quy trình, sao Bộ GTVT và các chủ đầu tư, khi bàn tính chuyện đầu tư đường, xây trạm thu phí, lại bỏ rơi dân? Giờ trách sao quá đơn độc. Chơi xấu, ai thèm chơi? Quy trình nào cho qua lòng dân?
Thay vì phải làm từ đầu, nhưng giờ, vẫn là lúc còn kịp sửa sai. Trạm nào đặt sai, dời về chỗ đúng. Kiểm toán hết các trạm BOT, công khai mức đầu tư, mức thu, thời gian thu... Những kẻ cố tình bao biện đúng quy trình, giờ xác định sai, phải xử lý! Có vậy, lòng dân mới yên.
Tác giả bài viết: Hồ Hùng
Nguồn tin: Một thế giới
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn