Bí thư tỉnh ủy, đâu phải… chuyện đùa!

Thứ bảy - 07/10/2017 22:32
(Phapluat News) - Làm lãnh đạo nghề gì cũng khó nhưng có lẽ Bí thư Tỉnh ủy là một trong những “nghề” phải nói là rất khó. Lý do, bởi ở cương vị này, người lãnh đạo không chỉ cần có chủ trương, đường lối đúng đắn, sáng tạo mà còn phải là một tấm gương mẫu mực không chỉ tài năng mà còn nhân cách, ít nhất trong miền đất mà mình là người đứng đầu.
Ông Trương Đình Tuyển
Ông Trương Đình Tuyển

 


Chuyện kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh gần đây làm tôi nhớ về Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An một thời – Ông Trương Đình Tuyển!

Trước và sau khi đi Nghệ An làm Bí thư Tỉnh ủy (tháng 2 năm 2000 đến tháng 8 năm 2002) ông Tuyển làm Bộ trưởng Bộ Thương mại. Là Tổng biên tập Báo Thương mại, tôi biết kha khá về tính khí bộc trực của “Người tắm hai lần trên một dòng sông” – Ông Tuyển vẫn hay mượn một câu thơ để nói về mình như vậy khi ví với việc ông hai lần làm Bộ trưởng Bộ này.

Cuối năm 1999, khi có thông tin cấp trên chuẩn bị luân chuyển mình đi Nghệ An, ông Tuyển có vẻ không vui và lộ ra chút lo lắng. Hơn một lần ông nói công khai trước cuộc họp giao ban với các cán bộ chủ chốt của cơ quan Bộ là ông đã gặp, trình bày với Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn An rằng ông chưa từng một lần làm bí thư chi bộ, lại đi công tác xa quê Nghệ An nhiều chục năm rồi. Giờ về làm “ông quan đầu tỉnh” đâu phải chuyện đùa!

Tôi và những người có mặt trong khán phòng đều tin ông Tuyển trải thật lòng! Đó là tính cách của ông, nhưng rồi ông Tuyển vẫn phải đi Nghệ An theo sự phân công của tổ chức.

Chấm phá vài nét chuyện ông Tuyển trăn trở trước khi đi làm Bí thư Nghệ An, tôi muốn nói rằng hơn ai hết, ông “biết mình là ai”. Từ Tổng giám đốc một doanh nghiệp (Petrolimex) rồi lên làm Bộ trưởng bộ kinh tế chuyên ngành mà chưa hề kinh qua công tác Đảng, dù chỉ là bí thư chi bộ! Và rồi đến khi ngồi vào cái ghế người đứng đầu một địa phương vốn gai góc, trước đó từng có chuyện lình xình mất đoàn kết nội bộ… thì ông lại tự biết mình phải như thế nào?

Suốt thời gian 2 năm 6 tháng làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, ông Tuyển sống giản dị, liêm khiết. Khi đó, tỉnh có ý dành lô đất, xây cho ông ngôi nhà nhưng ông đã thẳng thừng từ chối mà sống trong khu nhà của Tỉnh ủy. Ngoài giờ làm việc ở công sở, ông thường đạp xe đi mua cơm hộp hoặc ra chợ mua đồ về tự nấu lấy ăn. Thi thoảng, người dân thành phố Vinh thấy ông ngồi xe ôm đi thăm thú người này người kia.

Tôi đã từng thấy nhiều lần thấy Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đi xe ôm. Có là lần ông điện thoại bảo tôi hẹn để ông gặp và đàm đạo thơ phú với Nhà thơ Hữu Thỉnh, khi đó là Tổng biên tập Báo Văn nghệ. Cuối một buổi chiều, tôi và Nhà thơ Hữu Thỉnh đến trước chờ ở quán ăn trên đường Lê Đại Hành. Một lúc sau thì thấy ông Tuyển ngồi xe ôm đến. Ông lấy từ trong chiếc cặp da ra chai rượu và bảo: “Rượu thuốc chiết từ nhà tớ đấy, để cậu Khiêm đỡ tốn”. Cả tôi và Nhà thơ Hữu Thỉnh tròn xoe mắt nhìn nhau mà không nói được câu gì.

Các cụ thân sinh ông Tuyển có ngôi nhà ở khuất nẻo trong một con phố nhỏ ngoại ô Thành Vinh. Thân mẫu của ông qua đời khi ông đang là Bí thư Nghệ An. Tôi tham gia trong đoàn cán bộ Bộ Thương mại vào Vinh dự lễ viếng. Trước đoàn Bộ Thương mại có đoàn của Văn phòng Chính phủ do Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu.

Đám tang được tổ chức trong ngôi nhà cũ kỹ, tường bao, sân vườn đơn sơ và không lấy gì làm rộng rãi lắm. Dọc đường về Hà Nội, một cán bộ cấp vụ ở Bộ Thương mại ghé tai tôi: “Từng làm Tổng giám đốc xăng dầu rồi nhiều năm làm Bộ trưởng, hiện lại là Bí thư Tỉnh ủy, ông Tuyển chỉ cần “ho” một tiếng là có hàng chục doanh nghiệp giơ tay…”.

Nhưng ông Tuyển đã không màng đến những điều Tham – Sân – Si ấy!

Đó chính là điều lý giải vì sao 30 tháng ở Nghệ An, ông Tuyển “nói có người nghe, đe có người sợ”! Thời gian này, ông “trảm” đến gần cả tá bí thư, chủ tịch huyện… trong đó, có cả Bí thư Huyện ủy Diễn Châu quê ông vốn là chỗ thân quen. Nghiêm khắc, quyết liệt đến như thế nhưng kỳ lạ là những năm tháng đó, nội bộ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An khá là yên ả. Nhiều cán bộ đương chức, các cán bộ lão thành, nhân dân ở một số huyện thị… khi được hỏi họ đều nói lời tâm phục, khẩu phục ông Bí thư Tuyển.

Tháng 8 năm 2002 ông Tuyển trở ra Hà Nội và một lần nữa làm Bộ trưởng Bộ Thương mại cho đến tháng 8 năm 2007 nghỉ hưu. Và không phải không có lý do khi ông được Thủ tướng Chính phủ mời làm cố vấn về đàm phán các hiệp định thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế.

Dù đã 15 năm trôi qua nhưng giờ đây, nhiều người Nghệ An vẫn còn nhắc đến ông Bí thư Tuyển một thời.

Cách đây ít lâu, cậu lái taxi chở tôi dọc đường cứ bô bô: Những ngày này nghe các anh nói về ông Tuyển – Bí thư Nghệ An năm nào thấy nó xa xỉ quá nhỉ? Hỏi, sao cậu nghĩ thế? Trả lời: Thì có ông ở Đà Nẵng mới đây đấy, cũng làm Bí thư Tỉnh ủy như ông Tuyển nhưng chưa đầy hai năm đã tai tiếng…

Mới biết “chiếc áo không làm nên thầy tu”, cùng một vị trí công việc nhưng người thì để lại nhiều ấn tượng tốt khó quên, người lại tự gieo cho mình những điều tiếng để người đời bàn tán.

Càng hiểu, Bỉ thư Tỉnh ủy đâu phải chuyện đùa!

Nguồn tin: Dân Trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây