Mấy ngày qua, lãnh đạo Công ty TNHH thương mại - xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (gọi tắt là Công ty Hoàng Gia Phát, trụ sở TP.HCM) đã đến từng nhà ngư dân là chủ tàu vỏ thép ở Bình Định để năn nỉ, thuyết phục họ sửa chữa cải hoán chiếc máy được cho là không đúng chủng loại đã lắp vào tàu.
Sửa máy cũ, hứa đưa thêm tiền
Ông Nguyễn Chí Công - phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định cho biết sáng 15-6, bà Nguyễn Thị Sinh, vợ ông Lê Hoàng Phong (giám đốc Công ty Hoàng Gia Phát) đã đi cùng 5 chủ tàu vỏ thép đến gặp ông xin được sửa chữa máy tàu để đi biển.
Cả 5 tàu này đều do Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu (thuộc Bộ Công an) đóng.
Ông Công cho biết bà Sinh nói nếu thay toàn bộ 9 máy thủy Mitsubishi mới như trong cam kết thì Công ty Hoàng Gia Phát không đủ khả năng vì đang bị ngân hàng phong tỏa, do vậy xin được sửa chữa, cải hoán máy hiện tại để dân đi biển.
“5 chủ tàu vỏ thép được bà Sinh thuyết phục nên có vẻ xuôi lòng, đề nghị UBND huyện cho Công ty Hoàng Gia Phát sửa chữa máy. Nhưng tôi cương quyết không đồng ý” - ông Công cho hay.
Ông Trương Hoài Khánh, chủ tàu BĐ 99279 TS ở TP Quy Nhơn, cho biết: “Bà Sinh cam đoan công ty sẽ lắp ráp các bộ phận đảm bảo máy hoạt động như máy thủy, sau khi lắp xong sẽ tăng thời gian bảo hành thêm 1 năm nữa.
Bà ấy nói máy hiện nay là 2,5 tỉ đồng, còn máy mới định thay là 2,7 tỉ đồng, sau khi sửa máy cũ xong, trừ tiền mua thiết bị, còn khoảng trên 100 triệu/máy, Công ty Hoàng Gia Phát sẽ gởi vào ngân hàng để giảm bớt nợ cho tôi...”.
Đại diện Hãng Mitsubishi kiểm tra máy tàu vỏ thép của ông Đinh Công Khánh ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) - Ảnh: D.THANH |
“Nam Triệu phải chịu trách nhiệm”
Theo ông Hà Ngọc Tân - phó chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định), ngư dân ký hợp đồng trọn gói đóng con tàu với Công ty Nam Triệu nên công ty này có trách nhiệm.
Công ty Hoàng Gia Phát có đền máy mới cho dân không thành vấn đề, mà bên phải đền vì làm sai hợp đồng là Công ty Nam Triệu.
“Mấy hôm trước tôi có điện thoại cho anh Oanh (đại tá Đặng Ngọc Oanh - tổng giám đốc Công ty Nam Triệu) đề nghị công ty phải ra văn bản cam kết thay máy thủy mới chính hãng Mitsubishi cho dân như trong hợp đồng, vì công ty đã lắp máy không đúng chủng loại, gây thiệt hại cho dân.
Ông ấy cũng đã hứa rồi nhưng đến giờ tôi chưa nhận được văn bản đó của Công ty Nam Triệu” - ông Tân nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Châu - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - thẳng thắn: “Việc Công ty Hoàng Gia Phát tiếp xúc riêng, thuyết phục ngư dân cho sửa chữa, cải hoán máy đã lắp không đúng chủng loại là sai.
Dù Công ty Hoàng Gia Phát có cam kết thay máy mới, nhưng tỉnh không biết công ty này, chỉ biết ngư dân ký hợp đồng đóng tàu với Công ty Nam Triệu nên Nam Triệu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”.
Cũng theo ông Châu, sau khi có kết luận thẩm định độc lập và ý kiến của UBND tỉnh, nếu xác định những chiếc máy đã lắp vào các con tàu vỏ thép của ngư dân mà không đúng chủng loại, dùng máy bộ lắp thay cho máy thủy thì Công ty Nam Triệu phải ngay lập tức thay thế cho dân, không được để trì hoãn, kéo dài, rất ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, chuyện trả nợ ngân hàng của dân.
|
Tác giả bài viết: Duy Thanh
Nguồn tin: TTO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn