Vụ chạy thận ở Hòa Bình: Bộ Y tế đề nghị khôi phục giám định nguyên nhân gây tử vong​

Thứ năm - 13/06/2019 03:15
Có mặt tại TAND tỉnh Hòa Bình theo lời mời của HĐXX để làm rõ nội dung nêu trong Công văn 41 (công văn đóng dấu mật) của Bội Y tế gửi Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan tố tụng Trung ương và tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế đã có những phát biểu bất ngờ.
Vụ chạy thận ở Hòa Bình: Bộ Y tế đề nghị khôi phục giám định nguyên nhân gây tử vong​

"Nửa kín nửa hở" vì công văn “mật”

Trước tiên, cần phải nói rõ Công văn 41 ngày 6/3/2019 của Bộ Y tế có đóng dấu “mật” nên rất khó cho HĐXX và đại diện Bộ Y tế tại phiên tòa để làm sao vừa làm rõ nội dung công văn, vừa đảm bảo tính bí mật theo đúng bản chất của công văn.

Kể cả Công văn ngày 26/3/2019 của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Y tế do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ký yêu cầu Bộ Y tế phối hợp làm rõ cũng được đóng dấu “mật”.

Các công văn đều là công văn mật nên chịu sự điều chỉnh của pháp luật về bảo vệ bí mật. Do vậy, ông Quang lo ngại việc trả lời trước tòa sẽ vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Ông Nguyễn Huy Quang đang trình bày quan điểm tại tòa.

Chủ tọa Nguyễn Văn Vận nêu quan điểm của HĐXX: “Sau khi nhận được Công văn 41, các cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình gồm Tòa án, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát đã trả lời quan điểm của Bộ Y tế và cũng đã báo cáo liên ngành. Trong vấn đề này, chỉ Bộ Công an sẽ trả lời bằng văn bản cho Thủ tướng Chính phủ theo yêu cầu để nói rõ quan điểm của 3 ngành về vấn đề này là như thế nào.

“Chúng tôi đã xin phép Trung ương mời Bộ Y tế lên để trình bày quan điểm, tất nhiên không phải chi tiết lắm, để Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an trả lời căn cứ mà công văn nêu ra”, Chủ tọa Nguyễn Văn Vận nói.

“Còn về văn bản cụ thể, chắc chắn sẽ có văn bản gửi Thủ tướng, nhưng hôm nay chỉ tóm tắt những quan điểm của Bộ Y tế. Tòa án xét xử trên cơ sở kết luận giám định, còn để luận giải về khoa học thì sẽ cần phải có hội thảo khoa học. Cần có sự xem xét cho rõ ràng để tránh oan sai, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an sẽ trả lời khi vụ án xảy ra thu thập chứng cứ như thế nào, kết luận giám định dựa trên cơ sở nào. Đây không phải là hội thảo khoa học, do vậy chúng ta không đi quá chi tiết vì đây là tài liệu mật”.

Chủ tọa cũng trấn an đại diện Bộ Y tế khi khẳng định ngày hôm nay chỉ đại diện hai cơ quan Bộ Y tế và Viện Khoa học hình sự được nói, ngoài ra không có bất cứ ai được phép hỏi và trả lời, không có tranh luận về vấn đề này, sau này HĐXX sẽ có văn bản cụ thể.

Ông Nguyễn Huy Quang có mặt tại tòa từ đầu giờ sáng.

Cần thiết giám định pháp y quốc tế?

Nêu quan điểm của Bộ Y tế về Công văn 41, ông Nguyễn Huy Quang cho biết, trên cơ sở kết luận điều tra, cáo trạng và bản án sơ thẩm; cùng với tài liệu các bản vẽ do Bùi Mạnh Quốc vẽ, Bộ Y tế cho rằng có một số luận điểm căn cứ chưa đảm bảo khoa học, cần làm rõ.

"Thứ nhất, chúng tôi đặt ra câu hỏi có phải nguyên nhân 8 nạn nhân tử vong đều do ngộ độc Florua? Trên thế giới hiện tượng ngộ độc Florua là “vô cùng hiếm gặp”. Có thể thấy, các nạn nhân đều sốc phản vệ. Do đó, kết luận điều tra không phù hợp với diễn biến lâm sàng của nạn nhân.

Trong luận giải của Bộ Y tế, nguồn nước nhiễm bẩn từ vòng tuần hoàn xâm nhập vào hệ thống và gây nguyên nhân tử vong. Do vậy, nguyên nhân tử vong có thể là do nhiễm đa chất", ông Quang phân tích.

Theo ông Quang, một số vấn đề nữa cần phải chứng minh, vì sao trước đó Bùi Mạnh Quốc (người trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO 2) bảo trì hệ thống RO 2 nhưng không gây ra hậu quả? Vì sao những lần trước khi bảo trì hệ thống RO 2, Bùi Mạnh Quốc không làm xét nghiệm AAMI mà bệnh nhân không chết? Vì sao Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình không bảo dưỡng cả hai hệ thống RO 1 và RO 2 trong khi hai hệ thống này thông nhau? Vì sao kết luận điều tra chỉ có HF?

Đại diện Bộ Y tế cũng đặt thêm câu hỏi: Vì sao khi vụ án chưa xét xử xong nà Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Hòa Bình lại cho phép bệnh viện phá bỏ hệ thống RO 2, trong khi đây là vật chứng rất quan trọng của vụ án?

Ông Quang đưa thêm luận điểm và đặt câu hỏi tiếp: Dung tích chứa nước RO 2 là 2.000 lít, thực nghiệm trong môi trường pha loãng, bao nhiêu HF để có thể gây chết người? Cần xác định rõ quy cách lấy mẫu, quy trình lấy mẫu. Cơ quan điều tra có giám định toàn bộ hệ thống RO 1 và RO 2 hay không?

Từ đó, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Y tế cho rằng cần thiết dựng lại hiện trường để thực nghiệm vụ án. Xem xét toàn diện việc điều tra các hư hại để điều tra nguyên nhân gây tử vong. Ông Quang đặt câu hỏi "Có cần thiết trưng cầu giám định pháp y, thậm chí tổ chức giám định pháp y quốc tế?"

Ngay sau đó, đại diện Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đã có những kiến giải cụ thể.

Infonet sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến phiên tòa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây