UB ban Tư pháp của QH sáng nay tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm ATGT đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới.
Số người chết vẫn đáng báo động
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt vẫn còn bất cập, số người chết vẫn đáng báo động.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga |
“Trung bình mỗi ngày có khoảng 23 người ra đường mãi mãi không bao giờ về nhà nữa”, bà Nga nói.
Bà cũng chia sẻ, khi đặt ra yêu cầu tổ chức phiên giải trình này có một số ý kiến cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, nhưng quan điểm của UB Tư pháp là với trách nhiệm của cơ quan dân cử muốn chung tay cùng Chính phủ để tìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng tai nạn giao thông.
"Chúng tôi luôn trăn trở với câu hỏi, với quy định pháp luật như hiện nay, nếu không cần đầu tư ngân sách lớn thì chúng ta có tìm ra giải pháp gì chặn đứng tình hình vi phạm an toàn giao thông hay không?", Chủ nhiệm UB Tư pháp nói.
Đại diện nhóm nghiên cứu của UB Tư pháp, bà Nguyễn Thị Thủy, ủy viên Thường trực của UB này nêu hàng loạt nội dung yêu cầu các cơ quan liên quan giải trình.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đề nghị Bộ GTVT giải trình về một số hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa được triển khai thường xuyên, chưa chọn đúng, trúng vấn đề bất cập trong thực tiễn để thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất nên hiệu quả chưa cao.
“Công tác kiểm tra việc thu phí ở trạm thu phí Dầu Giây chỉ được thực hiện sau khi xảy ra vụ cướp tại trạm này và dư luận hoài nghi về tính chính xác của số tiền thu phí hàng ngày. Nhiều vi phạm chỉ được tiến hành thanh tra sau khi đã xảy ra tai nạn giao thông hoặc báo chí, dư luận phản ánh”, bà Thuỷ dẫn dụ.
Đề nghị Bộ GTVT giải trình bất cập thu phí BOT
Nhóm nghiên cứu cũng nêu hàng loạt bất cập tại một số trạm thu phí BOT và đề nghị Bộ GTVT giải trình.
Cụ thể như một số trạm thu phí BOT có dấu hiệu đặt tại vị trí không hợp lý, gây bức xúc trong dư luận, thậm chí một số nơi người tham gia giao thông đã tụ tập đông người tại các trạm thu phí BOT, sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ để nộp phí, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Trong khi đó, quyết định về việc thu phí điện tử tự động không dừng được ban hành từ năm 2017 đến nay chưa được triển khai theo đúng lộ trình.
Bà Thủy dẫn quyết định 07 của Thủ tướng quy định, đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên: Chậm nhất đến ngày 31/12/2018 nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ các trạm thu phí sử dụng đồng bộ đang vận hành cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện việc thu theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Một vấn đề khác cử tri đang quan tâm cũng được nhóm nghiên cứu của UB Tư pháp đề nghị Bộ Công an giải trình về việc lâu nay dư luận phản ánh tình trạng lái xe đường dài sử dụng ma túy, song công tác tuần tra, kiểm soát chưa tập trung nhiều vào việc kiểm tra tình trạng này.
UB Tư pháp cũng đề nghị Bộ Y tế giải trình về những hạn chế, vướng mắc trong các văn bản pháp luật quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô, quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe.
Giải trình trong công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe
Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị Bộ GTVT giải trình trong công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe (GPLX), thay vì dạy "bài bản” thì dạy "mẹo” với mục tiêu thi đỗ chứ không phải để vận hành xe an toàn sau này; có hiện tượng "bao thi”, "bao đỗ” tại một số cơ sở cấp giấy phép lái xe.
Phiên giải trình cũng tập trung vào tình trạng chậm ứng dụng công nghệ thông tin, chưa gắn đồng bộ hệ thống camera giám sát trong công tác tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông.
Bà Nguyễn Thị Thủy, ủy viên Thường trực của UB Tư pháp |
Bên cạnh đó, vẫn còn một số cán bộ hạn chế về năng lực, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, thậm chí có tình trạng “bảo kê” cho vi phạm.
Bà Thủy dẫn chứng con số từ ngày 16/11/2016 - 15/2 đã xử lý 344 cán bộ chiến sĩ vi phạm quy trình, chế độ công tác.
Hay như vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Thanh tra Sở GTVT Cần Thơ, 7 cán bộ thanh tra thỏa thuận với một số DN, nhà xe để không bắt hoặc bắt nhưng phạt với các lỗi nhẹ khi vi phạm luật giao thông; hàng tháng hoặc mỗi lần vi phạm, các DN và cá nhân giao nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản cho các cán bộ thanh tra giao thông, với số tiền ít nhất là 1 triệu đồng/tháng, nhiều nhất là 28 triệu đồng/tháng.
“Bên cạnh những đóng góp lớn, hy sinh vất vả của lực lượng CSGT, một bộ phận tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, được dư luận phản ánh nhiều năm đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, hình ảnh của lực lượng CSGT. Đề nghị Bộ Công an có giải pháp cụ thể để khắc phục triệt để vấn đề này”, bà Thủy nói.
Tác giả bài viết: Thu Hằng
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn