Đây là nhận định được đưa ra trong hội thảo Nguồn nhân lực và Công nghệ cho Kỷ nguyên số tại Việt Nam do ManpowerGroup phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tổ chức sáng 14/11.
Công nghiệp 4.0 tạo ra cơ hội và thách thức
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ ở châu Mỹ, châu Âu và một phần của châu Á. Các chuyên gia cũng đã dự báo rằng mặt trái của cách mạng công nghiệp 4.0 là có thể phân hóa thị trường lao động, bởi khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp. Với sự chuyển động của cuộc cách mạng này, trong khoảng 15 năm tới thế giới sẽ có diện mạo mới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội, song cũng đặt ra không ít thách thức. (Ảnh minh họa) |
Ở một góc độ khác, ông Simon Matthews, Tổng giám đốc tại Việt Nam của Tập đoàn Tư vấn nhân lực đa quốc gia ManpowerGroup lại cho rằng, bên cạnh những thách thức, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra cả những cơ hội mới cho thế giới nói chung cũng như Việt Nam nói riêng.
Theo ông Simon Matthews, sự sáng tạo, trí tuệ và linh hoạt trong nhận thức là những kỹ năng nêu bật tiềm năng của con người và giúp họ vẫn là lực lượng lao động quan trọng, chứ không bị robot thay thế.
Tự động hóa khó có thể thay thế nhân sự được trang bị kỹ năng cao cấp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tự động hóa cũng không thể thay thế con người trên phương diện đưa ra quyết định và linh hoạt trong nhận thức. Do đó, nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số phải sở hữu những kỹ năng mà máy móc không thể có.
Bên cạnh đó, trong bước chuyển mình mạnh mẽ của nhân loại sang cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ tạo ra nhiều ngành nghề mới. Chuyên gia này cho biết, theo dự tính, sẽ có đến 65% công việc của thế hệ Z (sinh năm 1995-2012) đảm nhiệm vẫn chưa xuất hiện.
Ông Simon Matthews, Tổng giám đốc tại Việt Nam của Tập đoàn Tư vấn nhân lực đa quốc gia ManpowerGroup. |
“Sự thay đổi không chờ đợi chúng ta, tất cả các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhà giáo dục và chính phủ phải nâng cao kỹ năng và đào tạo lại nguồn nhân sự của mình để mọi người đều có thể nhận được lợi ích từ cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0”, ông Simon Matthews nhấn mạnh.
Kỹ năng sẽ trở thành đơn vị tiền tệ mới
Theo khảo sát của ManpowerGroup tại Đông Nam Á, tình trạng thiếu hụt nhân tài 2016/2017, năm 2016 được coi là năm tuyển dụng khó khăn nhất trong 11 năm trở lại đây.
Tại Việt Nam, nhân sự quản lý cấp cao đang thiếu hụt trầm trọng, một phần do tình trạng chảy máu chất xám với con số người Việt Nam làm việc tại nước ngoài năm 2015 tăng thêm 8% so với năm 2014.
Các lĩnh vực thiếu hụt nhiều nhân lực nhất như IT, sản xuất, kỹ sư, bán lẻ. Trong đó, lĩnh vực sản xuất chiếm tỷ lệ cao nhất về nhu cầu tuyển dụng nhân sự, do các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc đầu tư khá nhiều vào Việt Nam trong những năm gần đây.
Tiếp đến, các vị trí kinh doanh, tiếp thị cũng chiếm tỷ lệ cao về nhu cầu tuyển dụng. Các nhà tuyển dụng cho biết, các vị trí kinh doanh tương đối khó tuyển dụng vì yêu cầu nhân viên phải vừa có kỹ năng bán hàng lại vừa cần có kiến thức về kỹ thuật.
Trong khi đó, lượng cử nhân ra trường mỗi năm không phải là nhỏ. Nói về vấn đề này, ông Simon Matthews cho biết, tỷ lệ lao động phổ thông không có chuyên môn kỹ thuật toàn xã hội hiện nay chiếm 81,4% tổng số lao động.
Lực lượng lao động thiếu kỹ năng cần thiết như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, kỹ năng tin học, ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp chưa cao, thiếu ý thức trách nhiệm và chậm thích nghi với môi trường mới, năng lực đổi mới và sáng tạo khoa học và công nghệ của lao động có trình độ cao còn nhiều yếu kém.
Chuyên gia này lo ngại rằng đây là vấn đề đáng báo động về chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Do đó, để biến những thách thức thành cơ hội, “Con người sẽ cần những kỹ năng mới để có thể tìm được cơ hội việc làm, thậm chí đối với những công việc chưa tồn tại. Kỹ năng cũng sẽ trở thành đơn vị tiền tệ mới trong kỷ nguyên nhân tài”, Tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam nhấn mạnh.
Theo thông tin từ World Economic Forum, vào năm 2020, hơn 1/3 kỹ năng cốt lõi mà hầu hết các công việc yêu cầu sẽ bao gồm các kỹ năng mà công việc hiện nay chưa xem trọng.
Còn theo ManpowerGroup, vào năm này, những kỹ năng cần thiết cho nguồn nhân lực để sẵn sàng tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, sáng tạo, quản lý nguồn lực con người, phối hợp với đồng nghiệp, trí tuệ cảm xúc (EI), đánh giá và đưa ra quyết định, định hướng dịch vụ, đàm phán, linh hoạt trong nhận thức.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Đinh Đức Hùng, Kỹ sư trưởng giải pháp SmartCity, Viettel Telecom, nhấn mạnh đến 4 vấn đề mà con người cần chuẩn bị và đối phó trong cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm: Hạ tầng kết nối, làm chủ công nghệ mới, ứng dụng công nghệ thông trong các ngành nghề và nguồn nhân lực.
Trong đó, ông Hùng nhấn mạnh đến vấn đề nguồn nhân lực. Đây là điều đáng lo ngại nhất để Việt Nam chuyển dịch theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam hiện đang có trên 90% triệu dân, trong số đó có nhiều thành phần như công nhân, nông dân, công chức, người làm trong lĩnh vực dịch vụ…
Để chuyển dịch cơ cấu lao động đã là một điều khó, việc nâng cao kỹ năng, khả năng của người lao động lại càng khó khăn hơn nữa. Để có thể thích nghi được điều này, người lao động chỉ còn cách là học và tự học để nâng cao trình độ của chính mình./.
Nguồn tin: Nguyễn Trang/VOV.VN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn