Sẽ có đề án tăng lương cho công chức

Thứ bảy - 06/01/2018 19:20
TP - Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại hội nghị giao lưu đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với cán bộ, công chức (CBCC) trẻ diễn ra ngày 5/1.
Sẽ có đề án tăng lương cho công chức

 

Ảnh minh họa: Ngọc Châu.
Ảnh minh họa: Ngọc Châu.

Quận ở TP HCM muốn giữ 100% tiền phạt để tăng lương cán bộ đô thị

Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2018

Tăng lương cùng hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ 1/2018


Ông Phong nói muốn nghe ý kiến thẳng thắn của các cán bộ trẻ để cải thiện bộ máy hành chính.

Lương thấp, cơ hội thăng tiến thấp

Chị Đào Thị Nga (Ban Quản lý An toàn thực phẩm) nói: Bản thân em ra trường, vào nhà nước làm nhằm ổn định nhưng mức lương của em hiện nay không đủ sống. Mẹ chồng phải nuôi em. Mẹ chồng em cũng làm nhà nước. Kiến nghị UBND TPHCM xem xét để mẹ chồng không phải nuôi em nữa.

Chị Nga cũng cho rằng việc thi tuyển chọn CBCC hiện nay, UBND TPHCM cần đánh giá lại hiệu quả, xem những người được tuyển đã đúng chưa, phát huy hiệu quả đến đâu.

Theo anh Bùi Anh Thuấn (Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị), chính sách trả lương cào bằng của nhà nước như hiện nay không giữ được những người có năng lực, nhất là CBCC trẻ. Đơn cử như vị trí văn thư được hưởng hệ số lương 3,99, cao hơn nhiều so với một trưởng phòng trẻ chỉ được trả mức lương hệ số 3,63.

“Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Thành phố nên áp dụng nguyên tắc trả lương theo năng lực để giữ chân những người giỏi”, anh Thuấn nói.

Anh Nguyễn Chí Minh, Phó Bí thư Quận Đoàn quận 1 nói hiện nay TPHCM có rất nhiều chương trình đào tạo cán bộ trẻ nhưng việc tổng kết, đánh giá hiệu quả hàng năm chưa cụ thể.

“Việc đánh giá hiệu quả công việc của CBCC để đề bạt vị trí cao hơn cũng cần xem lại. Nhiều CBCC trẻ làm việc rất tốt nhưng bình bầu cuối năm danh hiệu chiến sỹ thi đua chủ yếu rơi vào lãnh đạo vì bị khống chế bởi tỷ lệ 15%”, anh Minh nói.

Thi tuyển công bằng

Trả lời một số ý kiến của CBCC trẻ về tình trạng chạy chức, chạy quyền ở TPHCM, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đỗ Văn Đạo nói: Dư luận có nêu chuyện muốn vào công chức phải tốn kém, quen biết. Ở cơ quan nào, địa phương nào tôi không rõ nhưng ở TPHCM thì không có chuyện này.

Ông Đạo còn kể có lần, ông được Chủ tịch UBND TPHCM, khi đó là ông Lê Hoàng Quân mời vào phòng làm việc và đưa một bộ hồ sơ nhờ ông bố trí công việc vì người xin việc gia đình có công với cách mạng, là “con cháu đồng chí của mình”. “Tôi báo cáo anh Hai Quân TPHCM không còn tuyển dụng mà chuyển sang thi tuyển công chức. Anh Hai bảo tôi hướng dẫn làm hồ sơ thi tuyển và năm đó trường hợp này thi rớt công chức”, ông Đạo nhớ lại.  

Ông Đỗ Văn Đạo cho biết cán bộ là bí thư Đoàn TNCS các phường xã là công chức nên bắt buộc phải thi tuyển công chức, không có ngoại lệ. Mọi thí sinh còn trong độ tuổi lao động đều được thi công chức, không bị khống chế tuổi.

“TPHCM đào tạo 500 thạc sỹ, tiến sỹ từ những sinh viên tốt nghiệp loại khá giỏi, hàng năm giao cho thủ trưởng các cơ quan tiếp nhận, có báo cáo hàng năm. Tôi cho rằng không nhất thiết cán bộ trẻ đó phải vào cơ quan nhà nước. Quan trọng là dung lượng và sức chứa của các cơ quan nhà nước”, ông Đạo nói.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho hay làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây, lãnh đạo thành phố xác nhận đồng lương của CBCC hiện nay không đủ sống vì bộ máy quá lớn. Muốn tăng lương, không có cách nào khác là cải cách, tinh giản bộ máy nhưng thời gian qua bộ máy cứ phình ra.

“Ở Việt Nam, làm nhà nước, là cán bộ công chức, người yêu hỏi không dám trả lời thật vì lương quá thấp. Ở Singapore, người ta tự hào khi được làm việc trong bộ máy nhà nước vì lương cao, làm cho nhà nước là những người giỏi. Nhưng cần rạch ròi. Cảng biển của họ lớn gấp 3-4 lần Cảng Cát Lái của mình nhưng chỉ cần 5-6 người điều hành. Gọn như vậy mà họ còn muốn cải cách”, ông Tuyến nói.

Ông Tuyến cho biết, nếu không có gì thay đổi, trong tháng 3, UBND TPHCM sẽ trình HĐND TPHCM Đề án tăng thu nhập cho CBCC. Cơ chế đặc thù cho phép tăng 1,8 lần so với mức bình quân chung thì TPHCM sẽ tăng theo lộ trình, năm đầu tăng 0,6 lần, năm sau 1,2 lần và đến năm 2020 tăng 1,8 lần. Hiện nay, TPHCM đã có nguồn nhưng phải rất tiết kiệm.

“Để có nguồn, phải tự chủ tài chính. Năm 2017, chuyển từ thư mời giấy sang thư mời điện tử, TPHCM tiết kiệm hơn 27 tỷ đồng. Số tiền này sẽ đưa vào chi thường xuyên. TPHCM chọn 5 đơn vị thí điểm khoán xe công (Ban An toàn thực phẩm, quận Bình Thạnh…), khoản tiền tiết kiệm sẽ được đưa vào mức khoán.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, trong năm nay TPHCM sẽ tập trung nguồn lực triển khai Nghị quyết 54 theo phương châm “Quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo”. Tháng 3/2018, UBND TPHCM báo cáo và HĐND TPHCM sẽ họp bất thường xem xét đề án sắp xếp, cải cách bộ máy…

“Năng suất lao động của CBCC thành phố gấp 2,7 lần bình quân cả nước nên phải tính đến mức thù lao thỏa đáng”, ông Phong nói.

Nguồn tin: TPO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây