Sắp tới chủ tịch không được kiêm tổng giám đốc?

Thứ hai - 13/03/2017 06:51
(PL News) - Chủ tịch hội đồng quản trị công ty đại chúng không được kiêm nhiệm chức danh giám đốc (tổng giám đốc). Thành viên hội đồng quản trị công ty đại chúng không được đồng thời là thành viên hội đồng quản trị của năm công ty khác. Điểm thứ nhất có hiệu lực sau ba năm và điểm thứ hai có hiệu lực sau hai năm kể từ thời điểm Nghị định hướng dẫn quản trị công ty đối với công ty đại chúng có hiệu lực.
Sắp tới chủ tịch không được kiêm tổng giám đốc?

 

Đây là một trong những quy định của dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của nghị định về quản trị công ty đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lấy ý kiến góp ý của công dân và các bộ, ngành.

Việc tách bạch quyền lợi, nghĩa vụ của hai chức danh chủ tịch và tổng giám đốc là để tránh hiện tượng mâu thuẫn lợi ích cục bộ. Trong ảnh: Biểu quyết tại một cuộc họp đại hội đồng cổ đông. Ảnh: T.L

Dự thảo thông tư này tạo điểm nhấn đặc biệt sắc nét khi trong phụ lục 1 điều lệ mẫu công ty cổ phần đề cập đến đại hội đồng cổ đông và đại hội cổ đông bất thường. Theo đó, “Hội đồng quản trị phải triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường khi báo cáo tài chính quí, bán niên hoặc năm đã được kiểm toán phản ánh vốn chủ sở hữu bị mất một nửa so với số đầu kỳ; số thành viên hội đồng quản trị bị giảm quá một phần ba so với thành viên quy định... Thời hạn triệu tập họp đại hội đồng cổ đông là 30 ngày. Trong trường hợp ban kiểm soát hay hội đồng quản trị không triệu tập đại hội bất thường theo quy định, nhóm cổ đông có quyền đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh giám sát trình tự, thủ tục triệu tập, tiến hành họp và ra quyết định của đại hội đồng cổ đông”.

Quy định như vậy là để giúp cổ đông, nhà đầu tư có điều kiện giám sát và xử lý ngay những vấn đề phát sinh của doanh nghiệp. Trên thực tế đã có doanh nghiệp chỉ sau một quí, doanh thu “bốc hơi” hàng ngàn tỉ đồng, lợi nhuận từ lãi thành lỗ, vốn chủ sở hữu giảm mạnh, thị giá cổ phiếu đi xuống, song cổ đông nhỏ lẻ chỉ biết chịu trận, không thể triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường để tìm hiểu rõ nguồn cơn lý do, hay yêu cầu ban lãnh đạo giải trình. Thường chỉ các cổ đông lớn mới tập hợp được tỷ lệ cổ phần cần thiết để yêu cầu triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường. Tuy nhiên cổ đông lớn nhiều khi là thành viên hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc và họ lờ đi việc tiến hành triệu tập họp nhằm bảo vệ lợi ích cá nhân của chính họ hoặc thậm chí che giấu nguyên nhân dẫn đến hậu quả thua lỗ, mất vốn của doanh nghiệp.

Quy định chủ tịch hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm chức danh tổng giám đốc là một điểm mới đã được nhiều nhà đầu tư tổ chức, nhất là khối ngoại, kiến nghị nhiều lần và lần này được chính thức đưa vào dự thảo thông tư. Việc tách bạch quyền lợi, nghĩa vụ của hai chức danh là để tránh hiện tượng mâu thuẫn lợi ích cục bộ. Không ít trường hợp khi nắm giữ cả hai chức danh, các vị chủ tịch kiêm tổng giám đốc đã dồn lợi ích cho các công ty sân sau vốn là nơi họ có cổ phần chi phối thông qua việc ký kết các hợp đồng mua bán, phân phối sản phẩm, nguyên vật liệu hay chuyển nhượng các tài sản, dự án không theo giá thị trường, gây thiệt hại cho công ty đại chúng.

Dẫu thế cũng cần phải thấy rằng việc chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc hiện còn khá phổ biến, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ. Cho thời hạn ba năm để doanh nghiệp có đủ thời gian tách bạch các chức danh là cần thiết, nhưng như thế liệu quá trình nâng cao quản trị công ty có trở nên quá chậm? Việc gọi vốn của doanh nghiệp giờ đây phụ thuộc tương đối vào quản trị doanh nghiệp. Những đơn vị quản trị chuyên nghiệp, minh bạch thường được giới đầu tư tin tưởng hơn và khả năng phát hành cổ phiếu gọi vốn thành công cũng cao hơn. Không nhà đầu tư nào yên tâm bỏ vốn vào doanh nghiệp nếu họ nhận thấy quản trị công ty có vấn đề. Các tổ chức bỏ vốn vào nhiều doanh nghiệp khác nhau, họ không có đủ nhân sự để tham gia kiểm soát tất cả mọi công ty dù trực tiếp hay gián tiếp. Câu chuyện bỏ vốn vào những doanh nghiệp như tập đoàn Đại Dương (OGC), Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt - Nhật (JVC), Gỗ Trường Thành (TTF)... vẫn còn chưa nguội và đến nay một số tổ chức vẫn đang cắt lỗ, trích lập dự phòng rủi ro cho khoản vốn đã lỡ rót vào đó.

Một điểm khác cần lưu ý là thành viên hội đồng quản trị không được đồng thời tham gia hội đồng quản trị của năm công ty khác. Vì sao lại là năm (công ty)? Nếu tham gia đến giới hạn bốn công ty thì được sao? Các công ty đại chúng đã không dưới một lần phàn nàn họ rất khó khăn trong tìm kiếm thành viên độc lập tham gia hội đồng quản trị. Những người có hiểu biết chuyên môn về ngành nghề của doanh nghiệp, có thể đóng góp ý kiến trên bình diện kinh doanh nói chung và có mối quan hệ giúp công ty tìm kiếm khách hàng, vận động chính sách tương đối hiếm. Bởi thế, một số chuyên gia kinh tế, quan chức nghỉ hưu được mời tham gia hội đồng quản trị nhiều công ty. Con số dưới năm có sự chiếu cố đến tình trạng thực tế hiện nay nhưng như vậy có lẽ là khá rộng.

Quy định trên, theo giới luật sư, còn nhằm ngăn chặn hiện tượng công ty con, sân sau ra đời như nấm sau mưa mà một số tập đoàn tư nhân đang thực hiện. Những vụ án kinh tế gần đây chỉ ra một số tập đoàn, ông chủ tư nhân sở hữu hàng chục công ty. Ngoài thuê người đứng tên, họ cũng tham gia vào hội đồng quản trị những công ty này. Việc kiến tạo cái gọi là một danh sách công ty sân sau chắc chắn làm quản trị doanh nghiệp trở nên rối bời và các giao dịch nội bộ giữa chúng có thể làm cổ đông, nhà đầu tư sa vào mạng nhện không biết đâu mà lần.

Dự thảo có một số quy định chưa rõ ràng. Thí dụ “thành viên hội đồng quản trị được trực tiếp hoặc gián tiếp hưởng lợi từ một hợp đồng hoặc giao dịch đã được ký kết với công ty và biết bản thân có lợi ích trong đó, có trách nhiệm công khai lợi ích này tại cuộc họp đầu tiên của hội đồng quản trị”. Nếu vị thành viên kia có lợi ích riêng như thế, thì nên ngăn chặn bởi việc đo lường tác động của lợi ích cá nhân lên thiệt hại của doanh nghiệp, nếu có, sẽ khó khăn và không rõ ràng. Điều này mâu thuẫn với chính một quy định khác trong dự thảo là thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban tổng giám đốc có trách nhiệm trung thực và tránh các xung đột về quyền lợi. Họ cũng có trách nhiệm cẩn trọng vì lợi ích của công ty.

Nguồn tin: ANTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây