Nhà nước tiếp tục nắm giữ cảng biển quan trọng

Thứ năm - 02/03/2017 20:05
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giữ cổ phần chi phối tại các cảng biển quan trọng, có vị trí chiến lược.
Nhà nước tiếp tục nắm giữ cảng biển quan trọng


Thủ tướng Chính phủ ngày 27/02 vừa có Quyết định số 276 Phê duyệt Chiến lược, Kế hoạch đầu tư phát triển và Kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016-2020 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Theo đó, mục tiêu chiến lược phát triển của Vinalines là xây dựng Tổng công ty mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu, sử dụng hợp lý các nguồn lực; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, liên kết cao hơn về tài chính, công nghệ và thị trường; xây dựng đội ngũ lãnh đạo Tổng công ty chuyên nghiệp, có năng lực quản trị kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp theo lộ trình quy định nhằm thu hút các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để đông đảo người lao động tham gia quản lý, đầu tư phát triển Tổng công ty.

Vinalines đặt mục tiêu sản xuất kinh doanh trong 5 năm (2016 - 2020) là tổ chức quản lý khai thác và đầu tư phát triển các ngành nghề kinh doanh chủ yếu, gồm: Vận tải biển, cảng biển vàdịch vụ hàng hải; đem lại hiệu quả, lợi nhuận cao; bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; thu hẹp quy mô các lĩnh vực kinh doanh không hiệu quả; điều chỉnh phù hợp tỷ lệ vốn góp của Tổng công ty tại các doanh nghiệp thành viên, đa dạng hóa sở hữu.

Tổng công ty sẽ tập trung phát triển và khai thác hiệu quả các cảng biển do Tổng công ty hiện nắm giữ nằm ở những vị trí chiến lược và đóng vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế vùng tại ba khu vực Bắc, Trung, Nam và giữ vai trò huyết mạch trong tổng thể mạng lưới giao thông vận tải quốc gia.

Để làm được điều này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Vinalines đồng thời thực hiện kết hợp nhiều giải pháp, trong đó đáng chú ý phải duy trì tỷ lệ chi phối tại các doanh nghiệp cảng biển tại khu vực Hải Phòng, Đà Năng, TP. Hồ Chí Minh; tiến hành thoái vốn về tỷ lệ không chi phối hoặc thoái vốn toàn bộ tại các doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Báo cáo Công bố thông tin hoạt động của Vinalines giai đoạn 2012-2015, Vinalines đã thoái hết vốn khỏi Công ty CP Cảng Quảng Ninh (chuyển nhượng phần lớn vốn cho Tập đoàn T&T) và Công ty CP Cảng Quy Nhơn (bán vốn cho Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành).

Ngoài ra, tổng công ty này cũng đã rút bớt vốn khỏi một loạt các cảng biển quan trọng như CTCP Cảng Sài Gòn (còn 65,45%); CTCP Cảng Hải Phòng (92,56%); CTCP Cảng Đà Nẵng(75%); CTCP Cảng Cam Ranh (80.90%); CTCP Cảng Nghệ Tĩnh (51%); CTCP Cảng Nha Trang (61,42%); CTCP Cảng Năm Căn (49,35%); CTCP Cảng Cần Thơ (99,05%); CTCP Cảng Khuyến Lương (49%).

Trước đó, trong Quyết định 276 Phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 2/2013, tất cả các cảng biển thuộc biên chế Vinalines đều thuộc diện Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Trong đó các Công ty Cảng Sài Gòn, Cảng Hải Phòng, Cảng Đà Nẵng, Cảng Quy Nhơn, Cảng Quảng Ninh tỷ lệ nắm giữ của Vinalines lên tới 75%.

6 tháng đầu năm 2016, Vinalines đạt tổng doanh thu 7.952 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Tuy nhiên giá vốn bán hàng và chi phí tài chính vẫn ở mức cao khiến đơn vị này lỗ ròng 521 tỷ đồng, so với mức lỗ 425 tỷ đồng 2 quý đầu năm 2015, đẩy lỗ lũy kế lên mức 4.032 tỷ đồng, bằng 2/3 vốn điều lệ (5.757 tỷ đồng).

Tính tới cuối tháng 6/2016, tổng tài sản của Vinalines ở mức 30.966 tỷ đồng, suy giảm 3,1% so với đầu năm. Tổng vay nợ tài chính là 16.590 tỷ đồng, trong đó 6.392 tỷ đồng là nợ phải trả trong 12 tháng tới.

 

Tác giả bài viết: Nghi Điền

Nguồn tin: antt.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây