Ngân sách lo mất nghìn tỷ đồng, thanh tra vẫn cưỡi… mây xem hoa?

Thứ năm - 13/04/2017 03:09
(PL News) - Chỉ 7 doanh nghiệp Kiểm toán Nhà nước “sờ” tới đã phải xác định lại giá trị doanh nghiệp tăng thêm 20.000 tỷ đồng. Trong khi ấy, công tác thanh tra của các bộ, ngành theo lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước nhiều khi vẫn quá sức và thậm chí có tình trạng “cưỡi mây xem hoa.”
Ngân sách lo mất nghìn tỷ đồng, thanh tra vẫn cưỡi… mây xem hoa?
Tiền Nhà nước vào tay tư nhân hợp pháp?

Nhắc tới kết quả ngành kiểm toán trong buổi làm việc với Chủ tịch nước Trần Đại Quang sáng 13/4, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho hay, một số đơn vị có số kiến nghị nộp ngân sách Nhà nước lớn đã thực hiện đầy đủ kết luận của Kiểm toán Nhà nước như: Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã nộp 931 tỷ đồng.

Ngoài ra, sau kiểm toán, Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng đã nộp lại ngân sách 408 tỷ đồng. Đặc biệt, có số nộp lại ngân sách Nhà nước lớn hơn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với 4.178 tỷ đồng và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã nộp 1.938 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, ông nhìn nhận, vấn đề cần quan tâm là bịt kẽ hở chính sách.

Ông nêu thực tế, nhiều thông tư, nghị định hiện vẫn còn sơ hở và nếu không nhanh chóng phát hiện, điều chỉnh, tiền, tài sản Nhà nước có thể lọt vào tay tư nhân một cách hợp pháp.

Tổng Kiểm toán Nhà nước lấy ví dụ về kết quả kiểm toán giá trị doanh nghiệp vừa được cơ quan này thực hiện. Theo ông, kết quả làm việc với 7 doanh nghiệp đã được cơ quan chức năng xác định giá trị tại các đơn vị này tăng thêm tới 20.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước nói về thực tế, nhiều doanh nghiệp thuê kiểm toán độc lập để thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp nhưng khi Kiểm toán Nhà nước xác định lại thì thấy “tăng lớn.” 

Không nói rõ tên nhưng ông Phớc cho biết, một doanh nghiệp ở Bình Dương vừa rồi cũng thuê một đơn vị kiểm toán có uy tín xác định giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng vào kiểm tra thì doanh nghiêp này phải xác định lại thì giá trị tăng tới 1.333 tỷ đồng. 

Từ đó, ông kiến nghị Bộ Tài chính có thể thực hiện thu giấy phép với các đơn vị kiểm toán độc lập năng lực kém.

Thanh tra kiểu “cưỡi mây xem hoa”

Trong khi ngân sách vẫn có nguy cơ mất tiền tỷ thì thực tế, việc thanh kiểm tra của cơ quan quản lý chỗ thì chồng chéo, chỗ lại… quá sức.

Việc trùng lặp các đoàn thanh tra của nhiều cơ quan, bộ, ngành là vấn đề được nhiều đại diện các bên liên quan nêu lên trong buổi làm việc sáng 13/4.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước thường ít trùng lặp với Thanh tra Chính phủ nhưng với các bộ ngành, địa phương thì trùng nhiều.

Ông thẳng thắn, “nhiều thanh tra bộ, ngành làm việc quá sức.” Ông kể câu chuyện có đoàn thanh chỉ 5 người nhưng làm tới 78 dự án trong vòng 45 ngày. Hay lại có đoàn thanh tra chỉ 6 người nhưng làm tới 200 dự án. 

“Đó là cưỡi mây xem hoa chứ không phải cưỡi ngựa xem hoa,” Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc ví von.

Ông nói thêm chuyện, có bộ lấy lý do quản lý chất lượng công trình nên dự án nào cũng làm, từ công nghiệp, thủy lợi tới điện. Việc này theo Tổng Kiểm toán Nhà nước có thể khiến hiệu quả thanh tra không cao hoặc thậm chí không hiệu quả.

Ông cũng bày tỏ, nhiều lúc “thương các doanh nghiệp” vì hết đoàn thanh tra này tới đoàn thanh tra khác tới làm việc. Việc này không những gây khó khăn cho các doanh nghiệp mà còn làm chậm sự phát triển của các đơn vị.

Có ý kiến khác về việc chồng chéo giữa các đoàn thanh tra, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, kế hoạch Kiểm toán Nhà nước vẫn có nhưng một số nội dung chưa cụ thể kiểm toán đơn vị nào. Bởi vậy, theo thứ trưởng, nhiều khi Bộ Tài chính ban hành kế hoạch thanh tra nhưng khi Kiểm toán Nhà nước triển khai kiểm toán cụ thể các đơn vị thì lại trùng lặp. Việc này khiến phía Bộ Tài chính sau đó phải điều chỉnh quyết định thanh tra của mình.

Qua đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, cơ quan này sẽ mời các bộ, ngành tới họp thêm về vấn đề trên. 

Cũng liên quan tới việc phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan, ông Lê Đình Thăng, Giám đốc trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán nêu thêm thực tế, nhiều khi Kiểm toán Nhà nước khó có thông tin để làm việc.

Ông ví dụ việc Chính phủ yêu cầu báo về các dự án không hiệu quả với doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, thông tin về những dự án này theo ông “gần như không có.” Bởi vậy, cơ quan chức năng muốn làm phải “đi xin, mượn.” 

“Hệ thống thông tin của bộ, ngành không kịp thời nên có mâu thuẫn giữa mong muốn và thực tế,” ông nói./.

Tác giả bài viết: XUÂN DŨNG

Nguồn tin: vietnamplus.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây