Mở rộng hạn điền, cuộc cách mạng mới của nông nghiệp VN

Thứ năm - 23/03/2017 05:06
(PL News) - Mở rộng hạn điền cần phải hiểu như thế nào cho đúng? Làm sao để vượt qua rào cản trong tư duy để thực hiện cuộc cách mạng mới cho nông nghiệp Việt Nam? Hãy cùng tham gia bàn tròn về vấn đề này.
Mở rộng hạn điền, cuộc cách mạng mới của nông nghiệp VN

 

"Mở rộng hạn điền, cuộc cách mạng mới của nông nghiệp Việt Nam", đó là chủ đề cuộc bàn tròn diễn ra 18h tối nay, 23/3 tại chuyên mục Góc nhìn thẳng.

Chương trình có sự tham gia của 3 vị khách mời:

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn

Bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên- Môi trường

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường

hạn điền, mở rộng hạn điện, cải cách ruộng đất, tích tụ ruộng đất, tái cơ cấu nông nghiệp, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, GS Đặng Hùng Võ
Từ trái sang phải: Ông  Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục Đất đai, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT
 

Sau hàng chục năm giằng xé trong tư duy, nâng lên, đặt xuống, có lúc tưởng chừng sẽ mở ra, rồi rút lại, vấn đề hạn điền, tích tụ ruộng đất đã có hơi thở mới.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Thủ tướng đã nêu rõ chủ trương phải tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Việc này đã được giao cho 3 Bộ: Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp phải nghiên cứu chính sách, hoàn thành ngay trong quý III tới.

Mới đây, tại hội nghị về lúa gạo ở An Giang, Thủ tướng đã một lần nữa nhấn mạnh chủ trương này như một giải pháp đột phá về thể chế, cứu cánh cho lúa gạo hay nền nông nghiệp Việt Nam đang suy giảm hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều câu hỏi nóng đang được đặt ra: Mở rộng hạn điện cần phải hiểu như thế nào cho đúng? Làm sao để vượt qua nỗi lo cố hữu- rào cản trong tư duy- về việc hình thành "địa chủ mới", làm bần cùng hoá nông dân? Làm sao để tích tụ ruộng đất thực sự mang lại hiệu quả cao nhất: hình thành một nền nông nghiệp hiện đại, có sức cạnh tranh với thế giới? Làm để người nông dân được lợi và thoát nghèo?....

hạn điền, mở rộng hạn điện, cải cách ruộng đất, tích tụ ruộng đất, tái cơ cấu nông nghiệp, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, GS Đặng Hùng Võ
Chủ đề mở rộng hạn điền sẽ thảo luận tại Góc nhìn thẳng

Và hơn hết, chúng ta cần rút ra bài học gì từ quá khứ, ở 2 cuộc cải cách ruộng đất trước đó?

Theo GS Đặng Hùng Võ, hạn điền là một chính sách đất đai có từ thời phong kiến, nhằm hạn chế khả năng chiếm giữ nhiều đất đai của địa chủ, bảo vệ đất đai cho nhà vua.

Giai đoạn năm 1953-1956, Nhà nước đã thực hiện cải cách ruộng đất (tạm gọi là cuộc cải cách ruộng đất lần thứ nhất) với khẩu hiệu "người cày có ruộng", lấy ruộng đất của địa chủ, chia đều cho người nông dân.

Khi Luật Đất đai 1993 ra đời, sau đó là Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27.9.1993, cuộc cải cách ruộng đất lần thứ 2 bắt đầu với một sự thay đổi mới về tư duy. Nhà nước đã phân bổ lại ruộng đất của hợp tác xã, do hoạt động kém hiệu quả ở giai đoạn trước, giao lại cho các hộ nông dân sử dụng.

Tuy nhiên, người dân phải chịu giới hạn về diện tích đất được sử dụng cho nông nghiệp. Ví dụ như: trồng cây hàng năm thì được sử dụng không quá 3 ha tại các tỉnh thuộc Nam bộ và không qua 2 ha tại các nơi khác; với cây trồng lâu năm, không quá 10 ha tại các xã đồng bằng và 30 ha tại các xã trung du, miền núi đối với đất trồng cây lâu năm (điều 5- Nghị định 64/NĐ-CP).

10 năm sau đó, Luật Đất đai 2003 có hiệu lực từ 1/7/2004 được ban hành nhưng chính sách hạn điền- hay chính sách chuyển hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của Nhà nước cho các hộ gia đình, cá nhận đã được Luật quy định do Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định.

4 năm sau, ngày 21/6/2007, Nghị quyết số 1126/2007/NQ-UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này mới được ban hành. Nghị quyết quy định: Mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được sử dụng một diện tích đất gấp đôi so với Luật Đất đai 1993 như không quá 6ha đất cho trồng cây hàng năm, thuỷ sản, muối ở Nam Bộ, ĐBSCL, 4ha khu vực còn lại...

6 năm tiếp sau đó, Luật Đất đai mới nhất ban hành năm 2013, hạn mức giao đất giảm thấp hơn. Điều 129 của Luật này quy định các hộ gia đình, cá nhân được sử dụng không quá 3ha đối với khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL cho trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối; không quá 2 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.

Hệ quả là, ở cuộc cải cách ruộng đất lần thứ 1, Việt Nam đã từng rơi vào tình cảnh thiếu đói lương thực trầm trọng giai đoạn 1982-1988.

Ở cuộc cải cách ruộng đất lần 2, những điều luật được ban hành vẫn chưa có bước tiến đột phá nào về vấn đề hạn điền. Nền nông nghiệp Việt Nam rơi vào tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không có thương hiệu mạnh và ngày càng suy giảm trên thương trường quốc tế. Câu chuyện điển hình nhất là ở ngành lúa gạo hiện nay.

Với một diện tích như vậy, không thể nào áp dụng được công nghệ cao, áp dụng các tiêu chuẩn và kỹ thuật tiên tiến để đưa nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam trở nên sạch, vững mạnh, có thương hiệu và cạnh tranh được với thế giới.

Bởi vậy, tháo gỡ hạn điền, cũng chính là tháo gỡ cho ngành nông nghiệp Việt Nam- một ngành đóng góp từ 18-20% GDP cho quốc gia, tạo công ăn việc làm cho 50% dân số, nhưng lại đang ngày càng thua kém so với Thái Lan, Campuchia...

Sức ép tháo gỡ về hạn điền lớn hơn bao giờ hết!

 

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây