Làm rõ những vấn đề đặt ra liên quan đến bảo vệ bí mật nhà nước

Thứ tư - 11/07/2018 21:25
(Chinhphu.vn) - UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước vào sáng 11/7 tại phiên họp thứ 25.
Làm rõ những vấn đề đặt ra liên quan đến bảo vệ bí mật nhà nước

Báo cáo một số nội dung về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Võ Trọng Việt trình bày tại phiên họp cho biết, về bố cục của dự thảo Luật, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, sử dụng, tiếp cận bí mật nhà nước để quản lý chặt chẽ, hạn chế lộ, mất bí mật nhà nước trong quá trình sử dụng bí mật nhà nước.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho tiếp thu nội dung Điều 37 trong dự thảo Luật Chính phủ trình (Trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác) để thiết kế xây dựng thành 2 điều: Điều 6 về “Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý bí mật nhà nước” và Điều 7 về “Trách nhiệm của người tiếp cận, người trực tiếp quản lý bí mật nhà nước” như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những hình thức chủ yếu để lộ bí mật nhà nước là việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, cuộc họp có bí mật nhà nước chưa chặt chẽ, chưa xác định trách nhiệm của các chủ thể trong việc tổ chức, tham gia hội nghị, hội thảo, cuộc họp, dễ bị lợi dụng để khai thác, tiếp cận thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Do đó, đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn đối với hoạt động này.

Về khái niệm bí mật nhà nước (Điều 2), một số ý kiến cho rằng, Điều 2 dự thảo Luật quy định còn chung chung, chưa bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật; đề nghị làm rõ các dạng tồn tại của bí mật nhà nước, các lĩnh vực có bí mật nhà nước; bổ sung quy định đầy đủ các lĩnh vực có bí mật nhà nước; quy định rõ tiêu chí xác định mức độ nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc và bổ sung, chỉnh sửa một số từ ngữ cho cụ thể, chính xác.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực UBQPAN và Ban Soạn thảo đã chỉnh lý nội dung Điều 2 dự thảo Luật, đồng thời chuyển nội dung khoản 1 Điều 3 (giải thích từ ngữ “thông tin”) về Điều này để xác định rõ hơn các hình thức chứa đựng bí mật nhà nước. Đối với các lĩnh vực có bí mật nhà nước, Thường trực UBQPAN cho rằng không thể hiện bản chất của khái niệm “bí mật nhà nước” nên đề nghị cho chuyển nội dung này sang Điều 10 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý để quy định cụ thể các lĩnh vực và thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

Về phân loại bí mật nhà nước (Điều 8); phạm vi bí mật nhà nước (Điều 9), một số ý kiến đề nghị quy định nguyên tắc phân loại và bổ sung tiêu chí phân loại bí mật nhà nước; đề nghị rà soát, điều chỉnh một số lĩnh vực có thông tin “Tuyệt mật”, “Tối mật”. Một số ý kiến cho rằng phạm vi bí mật nhà nước quy định trong dự thảo Luật quá rộng, đề nghị quy định cụ thể hơn cho phù hợp với tình hình thực tiễn và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Một số ý kiến khác đề nghị bổ sung các lĩnh vực khác để bao quát đầy đủ, bổ sung cơ sở, địa điểm bí mật nhà nước, đồng thời đề nghị chỉnh lý một số nội dung cụ thể.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực UBQPAN và Ban Soạn thảo đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định cụ thể những thông tin trong từng lĩnh vực được xác định thuộc phạm vi bí mật nhà nước như nội dung Điều 10 và Điều 11 dự thảo Luật Tiếp thu, chỉnh lý cho phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành có trách nhiệm xây dựng danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực mình quản lý để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định tại Điều 12 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Về danh mục bí mật nhà nước (Điều 10), một số ý kiến đề nghị cân nhắc về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại khoản 1 Điều này vì cho rằng không đúng với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đề nghị xem xét lại nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 4 vì có xung đột với nhau. Một số ý kiến đề nghị rà soát, quy định đầy đủ các chủ thể lập danh mục bí mật nhà nước; đối với danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh đề nghị giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an lập và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực UBQPAN và Ban soạn thảo đã rà soát, chỉnh sửa nội dung Điều này, quy định rõ trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức; bỏ quy định tại khoản 4 Điều 10 dự thảo Luật Chính phủ trình để thống nhất với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định việc ban hành danh mục bí mật nhà nước. Một số ý kiến đề nghị giao Bộ Công an ban hành danh mục bí mật nhà nước.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, tuyệt mật và tối mật là quy định có liên quan đến quyền con người và quyền công dân. Tuyệt mật và tối mật đã được quy định ngay trong pháp lệnh. Nhưng dự thảo Luật lại quy định tuyệt mật và tối mật lại giao Chính phủ. Như vậy, quy định Chính phủ quy định điều này có đúng với Hiến pháp hay không?.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, cần thể hiện rõ nội dung nào công khai, nội dung nào không được công khai để báo chí không được tham dự. Nếu Luật này làm không rõ chính các cơ quan của Quốc cũng sẽ phải “gánh chịu”. 

Chủ nhiệm Lê Thị Nga cũng thẳng thắn cho rằng, điều 2 của dự thảo Luật cũng còn chung chung. Điều 2 quy định: Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xác định theo quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi: thế nào là là gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc? Nguy hại rất lớn, nhưng đơn vị đo lường như nào?

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, nếu đặt ra yêu cầu Luật này phải quy định chi tiết cơ quan, địa phương, mỗi ngành cái gì là mật, cái gì là tối mật thì khó và như vậy thì phải lâu lắm mới xây dựng được luật này. Do đó vẫn có một mức ủy quyền cho Thủ tướng, cấp có thẩm quyền quy định chi tiết danh mục mật của từng cơ quan, ngành nghề.

Trước thực tế, danh mục mật thì phải đóng dấu mật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, danh mục bí mật nhà nước chỉ là tên gọi như: Thông tin về kinh tế trong kế hoạch 5 năm mà chưa công bố là mật, thông tin về nhân sự của lãnh đạo bộ chuẩn bị bầu cử là tối mật… thì danh sách ấy được hiểu như là một “hàng rào”, mà đã là hàng rào thì phải công khai để người ta biết đó là hàng rào để không vượt qua. Trong khi chúng ta lại thường đóng dấu mật vào danh mục ấy, đây là điều cần phải khắc phục.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, cơ bản các ý kiến của UBTVQH tán thành với nội dung tiếp thu, chỉnh lý đối với dự án Luật.

Về phạm vi bí mật nhà nước (Điều 10), nội dung này được chỉnh lý căn bản so với dự thảo Chính phủ trình, theo đó có 15 nhóm lĩnh vực có chứa các thông tin quan trọng thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Về cơ bản, các ý kiến tán thành và cho rằng việc chỉnh lý là phù hợp, đáp ứng mục tiêu đề ra đó là phạm vi bí mật nhà nước phải rõ, cụ thể, tránh “mật hóa” mọi thông tin và tạo căn cứ để xây dựng danh mục bí mật nhà nước.

Tuy nhiên, cần phải rà soát lại để bảo đảm chặt chẽ, chính xác, đầy đủ, đúng nội hàm của từng lĩnh vực. Về phân loại bí mật nhà nước, dự thảo tiếp tục giữ quy định hiện hành về cấp độ 3 cấp độ: Tuyệt mật, Tối mật, mật nhưng đổi mới về cách phân loại: Căn cứ vào lĩnh vực và hậu quả có thể xảy ra nếu để lộ, lọt. Về cơ bản thì cách thức phân loại này là phù hợp, tuy nhiên, cần phải đánh giá thêm về tính khả thi, đặc biệt là cách thức để xác định thế nào là hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Về lập, ban hành danh mục bí mật nhà nước, so với dự thảo Chính phủ trình, dự thảo mới có nhiều thay đổi cả về quy trình và thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể được làm rõ hơn, việc tiếp thu, chỉnh lý như Dự thảo là phù hợp. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị rà kỹ lại thẩm quyền, cách thức phối hợp giữa các cơ quan trong việc lập danh mục để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, cần đánh giá kỹ việc Thủ tướng ban hành cả danh mục thông tin Mật có cần thiết, khả thi không?

Sau phiên họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Thường trực UBQPAN phối hợp với Ban Soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của UBTVQH, hoàn chỉnh dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH để tiếp tục hoàn chỉnh trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ sáu, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nói.   

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây