Khó tránh tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Thứ hai - 10/07/2017 22:35
(PL News) - Bộ Tài chính cho biết, theo chủ trương nêu tại Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị, định hướng là bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Khó tránh tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, theo pháp luật hiện hành, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) thu vào 8 nhóm sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.

Liên quan đến việc khai thác và sử dụng tài nguyên có 2 nhóm đối tượng là xăng, dầu, mỡ nhờn (gốc hóa thạch) và các loại than đá. Trong đó, xăng (trừ ethanol), nhiên liệu bay có mức thu là 3.000 đồng/lít; dầu diezel 1.500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn là 900 đồng/lít, mỡ nhờn 900 đồng/kg. Than nâu, than mỡ, than đá khác chịu mức thuế BVMT 10.000 đồng/tấn; than antraxit 20.000 đồng/tấn.

Theo đánh giá của Bộ tài chính, chính sách thuế BVMT trong thời gian qua đã góp phần hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích sản xuất và sử dụng các hàng hóa thân thiện với môi trường, giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn, nâng cao ý thức BVMT của toàn xã hội.

Ngoài ra, chính sách thuế BVMT cũng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, góp phần tăng thu NSNN.

Số thu thuế BVMT tăng dần qua các năm.

Theo đó, số thu thuế BVMT đối với xăng dầu, than đá qua các năm đã tăng dần, năm 2012 là 10.323 tỷ đồng; năm 2013 là 11.344 tỷ đồng; năm 2014 là 11.878 tỷ đồng; năm 2015 là 26.949 tỷ đồng và năm 2016 khoảng 41.868 tỷ đồng.

Mới đây, tại dự thảo mới nhất về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế BVMT, Bộ Tài chính tiếp tục giữ nguyên đề xuất nâng khung thuế từ 1.000 - 4.000 đồng/lít lên 3.000 - 8.000 đồng/lít như dự thảo ban đầu.

Theo Bộ Tài chính, việc tính toán điều chỉnh khung thuế không chỉ xem xét đến yếu tố cam kết quốc tế về cắt giảm dần thuế nhập khẩu, mà còn xem xét đến nhiều yếu tố khác như: Xăng dầu là sản phẩm khi sử dụng gây tác động rất xấu đến môi trường cần có chính sách nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng thay thế; giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam so với các nước trên thế giới, tỷ lệ thuế trên giá xăng dầu; và để chủ động ứng phó với tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là tác động do giá dầu thế giới có biến động lớn...

Khung thuế này sẽ áp dụng cho lộ trình dài. Tùy vào điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, khi đề xuất mức thuế BVMT cụ thể đối với xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ phải đánh giá tác động của việc điều chỉnh mức thuế đến nền kinh tế trong nước, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tới giá bán lẻ xăng dầu và đời sống người dân, đảm bảo cùng với các giải pháp cải cách hành chính sẽ không làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Nói về định hướng sửa đổi chính sách thuế, phí đối với tài nguyên, khoáng sản, Bộ Tài chính cho biết, theo Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, định hướng là bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nghị quyết này cũng nêu rõ, tăng tỉ trọng thu nội địa, bảo đảm tỉ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế.

Đến năm 2016, Nghị quyết số 25 của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 cũng đã nêu định hướng về thu NSNN đó là “hạn chế tối đa việc đề ra các chính sách làm giảm thu NSNN”.


 

Tác giả bài viết: Bích Diệp

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây