Nhiều trường hợp kê khai không trung thực
Liên quan đến việc kê khai tài sản, thu nhập, Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, năm 2018 số lượng bản kê khai là rất lớn, nhưng chỉ xác minh đối với 44 người/1.136.902 người đã kê khai. Kết quả xác minh chỉ phát hiện 6 trường hợp vi phạm (tăng 1 trường hợp so với năm 2017). Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định… nhưng chưa bị xử lý hoặc xử lý không nghiêm đã cho thấy việc tổ chức thực hiện còn hình thức, nhiều hạn chế.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, mặc dù Luật PCTN đã quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không được tham gia thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp, không được để người thân thích kinh doanh trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực mình trực tiếp phụ trách...nhưng qua giám sát, phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy, việc thực hiện các quy định này còn chưa nghiêm, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo “sân sau”, “công ty gia đình”, dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công, cho vay sai nguyên tắc, rút tiền của nhà nước…
Uỷ ban thẩm tra viện dẫn, góp ý cho đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: “Thậm chí nhiều lãnh đạo tỉnh có cả DN sân sau đặt trụ sở ngay tại nhà mình, không nghĩ phát triển cho tỉnh mà chỉ nghĩ đi xin Trung ương, được dự án nào thì nghĩ cách tạo lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm, ủng hộ tùy tiện nhà thầu này, nhà thầu kia...”;
Kiến nghị tăng cường chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra
Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, theo báo cáo của Chính phủ, năm 2018 có 29 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý (giảm 10 người so với năm 2017). Uỷ ban Tư pháp cho rằng, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, chưa tương xứng với các vụ việc, vụ án tham nhũng bị phát hiện, xử lý, có dấu hiệu bỏ lọt việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.
Liên quan đến công tác thanh tra, kiểm toán nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, Uỷ ban Tư pháp cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ về những kết quả tích cực trong công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Theo đó, công tác thanh tra, kiểm toán tiếp tục được tăng cường, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng. Thanh tra, kiểm toán nhà nước đã tiến hành thanh tra, kiểm toán các dự án đầu tư lớn tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản; đầu tư theo hình thức BOT, BT; quản lý vốn nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước…
Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra và công khai kết luận thanh tra vụ Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG); kiểm tra và công khai kết luận kiểm tra vụ việc liên quan đến khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm; cơ bản hoàn thành việc thanh tra, kiểm toán kết luận thanh tra, kiểm toán các dự án thua lỗ, thất thoát lớn… đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của dư luận…
Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp hoạt động thanh tra, kiểm toán còn nhiều, chồng chéo, gây khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Qua thanh tra, cơ quan thanh tra kiến nghị xử lý hành chính, kỷ luật nhiều, nhưng kiến nghị xử lý hình sự còn ít.
Đáng lưu ý, qua kết quả kiểm toán, Kiểm toán nhà nước phát hiện sai phạm và kiến nghị xử lý tài chính 97.189,2 tỷ đồng, xử lý hành chính nhiều tập thể và cá nhân có sai phạm nhưng chỉ chuyển 4 vụ việc sang cơ quan điều tra.
Uỷ ban Tư pháp cho rằng, qua công tác kiểm toán việc phát hiện sai phạm nhiều nhưng ít chuyển sang cơ quan điều tra đã tồn tại nhiều năm những chưa được khắc phục và có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm (năm 2016, Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý sai phạm 14.781,9 tỷ đồng nhưng không chuyển vụ việc nào sang cơ quan điều tra; năm 2017 kiến nghị xử lý tài chính 39.738 tỷ đồng nhưng chỉ chuyển 2 vụ việc sang cơ quan điều tra).
Cơ quan thẩm tra đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước đề ra giải pháp để kiểm tra, chống việc bỏ lọt tội phạm thông qua hoạt động kiểm toán; tăng cường chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Nguồn tin: www.tienphong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn