Hệ thống tên lửa răn đe hạt nhân gần 50 năm tuổi của Mỹ

Thứ năm - 31/08/2017 22:10
Tên lửa đạn đạo Minuteman III, một trong ba cột trụ răn đe hạt nhân của Mỹ, đang trở nên già cỗi mà chưa có giải pháp thay thế.

"Mệnh lệnh đầu tiên của tôi với tư cách tổng thống là cải tạo và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân Mỹ. Hy vọng chúng ta không phải sử dụng tới chúng, nhưng Mỹ sẽ luôn là quốc gia mạnh nhất thế giới", Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sau khi nhậm chức. Tuy nhiên, Mỹ đang phải đối mặt với sự lão hóa nhanh chóng của bộ ba răn đe hạt nhân, nghiêm trọng nhất là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trên mặt đất, theo National Interest.

Lực lượng răn đe chiến lược Mỹ được xây dựng trên ba nền tảng, gồm oanh tạc cơ mang vũ khí hạt nhân, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và các bệ phóng ICBM trên mặt đất. Trong số này, ICBM được giấu trong các hầm phóng ngầm bằng bê tông kiên cố, có khả năng mang đầu đạn lớn nhất và có độ chính xác cao, đủ sức hủy diệt kho ICBM của đối phương trong một đợt tấn công phủ đầu.
Mỹ chỉ còn một loại ICBM mặt đất là LMG-30G Minuteman III với số lượng 450 quả, được biên chế từ năm 1970. Dòng LGM-118 Peacekeeper mới hơn được triển khai từ năm 1986 nhưng đã bị loại biên hoàn toàn vào năm 2005.

 

Quá trình phát triển dòng Minuteman bắt đầu vào giữa thập niên 1950, dựa trên hàng loạt tiến bộ về động cơ sử dụng nhiên liệu rắn. Loại vũ khí này có nhiều ưu điểm như khả năng duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu trong thời gian dài mà không cần nhiều công bảo dưỡng, thời gian chuẩn bị phóng rất ngắn. Trong khi đó, những dòng tên lửa dùng nhiên liệu lỏng cần nhiều giờ để nạp nhiên liệu trước khi phóng, khiến chúng dễ bị hủy diệt trong một cuộc tấn công phủ đầu bất ngờ.

Phiên bản Minuteman I được biên chế vào năm 1962 với nhiệm vụ răn đe Liên Xô. Tuy nhiên, sự ra đời của tên lửa đạn đạo Polaris với vai trò tương tự trang bị cho hải quân Mỹ sau đó không lâu đã thúc đẩy không quân Mỹ điều chỉnh dòng Minuteman, tăng độ chính xác và cho phép chúng tấn công mục tiêu quân sự, bao gồm các hầm chứa ICBM Liên Xô.

Biến thể Minuteman II bắt đầu trực chiến từ năm 1965 với hàng loạt nâng cấp lớn để nâng cao độ chính xác, cũng như khả năng sống sót trước lá chắn tên lửa đạn đạo Moscow đang phát triển khi đó. Minuteman III ra đời vào năm 1970, sử dụng nhiều đầu đạn nhỏ thay vì một đầu đạn lớn, khiến nó rất khó bị đánh chặn.

Minuteman III trở thành ICBM đầu tiên trên thế giới được trang bị nhiều đầu đạn hồi quyển độc lập (MIRV). Mỗi tên lửa có tầm bắn trên 13.000 km, mang tối đa ba đầu đạn hạt nhân, mỗi đầu đạn có sức công phá tương đương 32 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima.

Lực lượng ICBM mặt đất của Mỹ đạt đỉnh vào cuối thập niên 1970 với 1.000 quả đạn trực chiến. Con số này giảm dần xuống mức 450 quả ngày nay, được bố trí phân tán tại căn cứ không quân Malmstrom, Minot và F.E. Warren. Tới tháng 2/2018, chúng sẽ bị giảm xuống chỉ còn 400 tên lửa trực chiến và 50 quả niêm cất không có đầu đạn.

Không quân Mỹ vẫn muốn duy trì kho Minuteman III tới năm 2030, nhưng sự xuống cấp có thể buộc họ phải tìm kiếm giải pháp thay thế. Giải pháp khả dĩ nhất hiện nay là Hệ thống Răn đe Chiến lược Mặt đất (GBSD). Theo tập đoàn Northrop Grumman, GBSD sẽ cải tổ toàn bộ hệ thống ICBM hiện nay, bổ sung tên lửa mới, trung tâm kiểm soát phóng hiện đại cùng cơ sở hậu cần hỗ trợ.

Tuy nhiên, đầu đạn nhiệt hạch của GBSD sẽ được tận dụng từ tên lửa Minuteman III, hệ thống hầm phóng cũng được tái sử dụng thay vì xây mới hoàn toàn.

Tên lửa GBSD có thể sở hữu các tính năng giống Minuteman III, nhất là tầm bắn 13.000 km. Điều này đảm bảo Washington có thể tấn công bất kỳ quốc gia đối địch nào ở bắc bán cầu, trong khi phần nam bán cầu nước này không có đối thủ. Bên cạnh đó, hiệp ước kiểm soát số lượng đầu đạn Mỹ ký với Nga khiến tên lửa không cần có kích cỡ lớn hơn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ý nghi ngờ dự án này. Washington không thực sự cần những vũ khí này, nhất là khi tiến bộ trong công nghệ tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm đã giúp chúng có uy lực ngang ICBM mặt đất. Việc đầu tư khoản tiền lớn vào một hệ thống ICBM mới có thể sẽ không mang lại hiệu quả như không quân Mỹ mong đợi, chuyên gia quân sự Kyle Mizokami nhận định.

 

 

Nguồn tin: vnexpress

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây