|
Xe buýt 2 tầng chiếm diện tích lớn khi lưu thông trên 1 số tuyến phố của Hà Nội. |
Theo chiến lược phát triển du lịch của thành phố và chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, xe buýt cũng phải hướng tới phát triển du lịch. Ngoài những quy hoạch phát triển mạng lưới chung, Tổng công ty Vận tải Hà Nội còn có tổ chức những tuyến City tour, một trong những tuyến có lộ trình và cấu hình đặc biệt phục vụ cho khách du lịch, có thể quan sát trực tiếp trên xe, dừng đỗ ở một số điểm nhấn về du lịch, di tích lịch sử của Thủ đô.
Theo đánh giá chung, người dân đón nhận khá tích cực với xe buýt 2 tầng, loại xe thiết kế hiện đại, tiêu chuẩn Châu Âu, có mui hở như xe di lịch của các đô thị hiện đại trên thế giới.
Dẫu vậy, với không gian chật hẹp ở phố cổ Hà Nội, nhiều người dân bày tỏ sự lo lắng xe buýt sẽ gây tắc đường ở những khu phố đông đúc, đặc biệt vào giờ tan tầm.
|
Lo ngại tình trạng tắc đường. |
Sau buổi trải nghiệm, anh Phan Chí Hiếu (Xã Đàn, Hà Nội) cho biết: “Triển khai loại xe này cần tính toán lộ trình hợp lý, tránh những tuyến phố chật hẹp. Ngoài ra, không nên lưu thông vào giờ tan tầm, rất dễ gây tắc đường”.
“Đặc sản” mạng nhện dây điện, cáp viễn thông chằng chịt khắp phố phường Hà Nội cũng là một trong những vấn đề gây lo lắng cho người dân. Không chỉ những du khách đầu tiên được trải nghiệm hơn 1 tiếng trên xe buýt 2 tầng ở Hà Nội, ngay cả những người đón nhận thông tin trên các loại hình truyền thông cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng dây điện có thể gây nguy hiểm cho hành khách trên tầng 2.
Anh Ngô Cường (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “Sau hơn 1 tiếng ngồi trên xe, cảm nhận của tôi là khá thích thú. Phố phường Hà Nội đẹp hơn với góc nhìn trên cao và luôn luôn di chuyển. Tuy nhiên, khi đi qua những hàng cây tôi có chút lo sợ, nếu chẳng may có cành cây khô nào rơi xuống. Tương tự là các tuyến phố có mạng lưới dây điện chằng chịt”.
|
Trong ngày đầu thử nghiệm, xe đi một vòng quanh Hồ Gươm. Ở một số đoạn, do xe cao nên cành cây nằm ngang tầm mặt của du khách. (Ảnh: Vnexpress) |
Về các ý kiến phản hồi của người dân, Lãnh đạo Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cũng đã thấy những khó khăn, thách thức mà tuyến xe buýt 2 tầng sẽ gặp phải.
“Qua khảo sát vẫn còn có những điểm cần phải xem xét kỹ, đặc biệt là lộ trình trong khu phố cổ, hoặc vẫn còn tồn tại những rào cản cho xe buýt như những khu vực có cây xanh, có đường điện cắt ngang, chúng tôi sẽ phải có một thời gian để khảo sát và trải nghiệm thực tiễn”, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc TT Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết.
Bên cạnh đó, ông Hải cũng chia sẻ về trường hợp xe lưu thông khi trời mưa: "Đây là một phương tiện du lịch, không phải thực sự tiện dụng trong mọi hoàn cảnh, cũng giống như nước khác, nếu trời mưa chúng ta có thể sử dụng tầng dưới".
Hy vọng với những phản hồi mang tính xây dựng, đơn vị vận hành xe buýt 2 tầng sẽ có những điều chỉnh hợp lý, tạo ra hình ảnh đẹp, thân thiện và hiệu quả từ phương tiện giao thông du lịch mới này của Hà Nội./.
Trên xe lắp đặt wifi miễn phí, hệ thống màn hình Tivi hướng dẫn điểm dừng và giới thiệu hình ảnh danh lam thắng cảnh, âm thanh kết nối tự động thông báo các điểm dừng tích hợp hệ thống định vị GPS giới thiệu về lịch sử, văn hóa và những nét tiêu biểu các địa danh du lịch tương ứng với từng vị trí phù hợp cho hành khách du lịch bằng nhiều ngôn nữ khác nhau. Ngoài ra, trên xe còn tích hợp một số tiện ích khác như: Camera, tủ lạnh, quầy bar mini,... Chi phí xuất xưởng 1 chiếc xe buýt 2 tầng rơi vào khoảng 5,5 – 6,5 tỷ đồng.
Trong năm 2016 tổng số khách du lịch đến Hà Nội đạt 21,8 triệu lượt, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2015 trong đó: khách du lịch quốc tế đạt 4 triệu lượt, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2015; khách du lịch nội địa đạt 17,8 triệu lượt, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2015.