Mới đây, trong đề thi học sinh giỏi văn của trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng) đã đưa Khá "bảnh" - đối tượng vừa bị bắt giữ vì hành vi đánh bạc - vào đề thi. Cụ thể, đề thi yêu cầu học sinh viết một đoạn văn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về hiện tượng Khá Bảnh.
Ngay lập tức, đề thi vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, việc đưa hình ảnh "giang hồ mạng" Khá Bảnh vào đề thi không khác gì con dao hai lưỡi.
Trước đó, nhiều nhân vật bất hảo khác như Bà Tưng, Lệ Rơi... từng được đưa vào đề thi.
Tiến sĩ (TS) Văn học - Trịnh Thu Tuyết phân tích, tất cả những hiện tượng bên ngoài xã hội và mạng xã hội là một thế giới cực kỳ phức tạp và đa chiều.
Tính mô phạm của nhà trường, tính quy phạm của đề thi phải là một bộ lọc để tạo dựng chân thiện mỹ cho học trò. Những hiện tượng xã hội, khi chính người lớn còn đang có những tranh cãi trái chiều thì không nên để cho những đứa trẻ mang ra bàn luận.
"Trước Khá Bảnh, Ngọc Trinh và Bà Tưng đã từng được đưa vào đề thi. Song, nhà trường không phải mạng xã hội để bất cứ điều gì cũng đưa vào đề thi được.
Việc đưa những hình tượng bất hảo trong thực tế vào đề thi là phép thử mạo hiểm. Tôi không đồng ý với quan điểm ra đề như vậy", TS Thu Tuyết nêu quan điểm.
Ths Trịnh Hồng Thúy - giáo viên Ngữ Văn trường THPT Phan Đình Phùng - cho rằng: Khi đưa những hình mẫu tiêu cực vào đề thi, có thể mang đến những tác động ngược.
"Một nhân vật không chuẩn mực được chú ý đưa vào đề thi. Sự nổi bật đó lại rất lệch chuẩn và ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ" - Ths Hồng Thúy nhấn mạnh.
Tuy vậy, TS Trịnh Thu Tuyết không phủ nhận tính tích cực của việc đưa các hiện tượng xã hội thực tế vào trong đề văn. Cô Tuyết cho rằng, việc này giúp rút ngắn khoảng cách giữa văn chương với cuộc sống, giữa nhà trường với xã hội. Đồng thời, tăng thêm hứng thú cho học trò, tăng sự hấp dẫn và hữu ích cho văn chương.
Tất cả hiện tượng xã hội tiêu cực đều có thể xuất hiện trong bài làm của học trò khi các em liên tưởng, liên hệ và bàn luận. Tuy nhiên, hiện tượng đó không bao giờ trở thành đối tượng chính trong vấn đề nghị luận của đề thi.
Bởi vì nếu mà như thế thì vô hình chung, thầy cô đã cấp một cái tầm vóc quá lớn cho những đối tượng không đạt đến tầm vóc như thế. Khi bản thân những đối tượng xã hội trở thành đối tượng để học trò suy nghĩ xúc cảm thì đó là sự thiếu tôn trọng với học trò.
Theo Ths Trịnh Hồng Thúy, cần có giới hạn khi đưa nhân vật xã hội vào đề thi. Hình tượng trong đề nên có ý nghĩa giáo dục đích thực.
Tác giả bài viết: PHƯƠNG LINH
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn