Cứ 12.000 người kê khai thì... 6 người được xác minh tài sản (!)

Chủ nhật - 19/03/2017 06:17
(PL News) - Thanh tra Chính phủ cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh hiện nay chỉ đạt được 58,11% (58,11/100 điểm) yêu cầu. Điều này cho thấy còn có khoảng cách rất xa để đáp ứng được mục tiêu phi tham nhũng mà Đảng, Chính phủ cũng như người dân đã đề ra.
Cứ 12.000 người kê khai thì... 6 người được xác minh tài sản (!)

Hội nghị tổng kết đánh giá chung về bộ công cụ đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016.

Hôm qua (16/3), Thanh tra Chính phủ phối hợp với Cơ quan Chống tham nhũng và Bảo vệ quyền công dân Hàn Quốc (ACRC) và UNDP tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá chung về bộ công cụ đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016.

Đáng chú ý, theo Thanh tra Chính phủ, điểm trung bình toàn quốc là 58,11/100 điểm cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh hiện nay chỉ đạt được 58,11% yêu cầu. Điều này cho thấy còn có khoảng cách rất xa để đáp ứng được mục tiêu phi tham nhũng mà Đảng, Chính phủ cũng như người dân đã đề ra.

Thanh tra Chính phủ nhận định, điểm công tác phòng chống tham nhũng giữa các địa phương không đồng đều và có khoảng cách khá xa. Mức điểm giao động trung bình giữa các địa phương là 9,48 điểm, tỉnh đạt điểm cao nhất là 77,67 (tỉnh Lào Cai) và tỉnh đạt điểm thấp nhất là 43,53 (tỉnh Vĩnh Long).

“Khoảng cách điểm giữa các tỉnh phân tán cho thấy rằng cần phải có sự quan tâm thực sự tới công tác phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh với chính sách có phân loại và một chương trình hỗ trợ thỏa đáng từ Trung ương”- báo cáo tại hội nghị nêu rõ.

Theo nhóm nghiên cứu, khảo sát của Thanh tra Chính phủ, xác định việc minh bạch tài sản, thu nhập là công cụ quan trọng để phòng ngừa tham nhũng. Từ năm 2007 đến nay có nhiều quy định của pháp luật có liên quan nhằm điều chỉnh vấn đề này. Các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập.

“Tuy nhiên, theo tổng hợp báo cáo từ địa phương về việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng 2016 thì có một số địa phương thực hiện xác minh theo quy định của pháp luật và qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, không phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực”- báo cáo nêu.

Trên cả nước, tỷ lệ xác minh tài sản thu nhập đối với tổng số bản kê khai trong cả nước là 0,057% tức là cứ 12.000 người thực hiện kê khai chỉ có 6 người được xác minh tài sản thu nhập. Việc triển khai, thực hiện xác minh còn bị động, thủ công, thiếu thống nhất, lãng phí nguồn lực cho cả các cơ quan quản lý công tác kê khai cũng như người có nghĩa vụ phải kê khai, trong khi đó việc kê khai tài sản thu nhập chưa giúp cơ quan nhà nước kiểm soát được tính trung thực của bản kê khai.

“Kê khai, minh bạch tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa thực sự là biện pháp hữu hiệu trong công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam”- báo cáo nhận định.

Ngoài ra, số liệu phân tích cũng cho thấy công tác phát hiện tham nhũng giữa các địa phương có sự khác biệt rất lớn, phản ánh quá trình nhận thức, chỉ đạo, thực hiện ở các địa phương là không đồng đều. Việc một số UBND cấp tỉnh không phát hiện tham nhũng thông qua tự kiểm tra, thanh tra, giải quyết tố cáo, điều tra, truy tố, xét xử cho thấy nhiều địa phương thực hiện chưa tốt những chỉ đạo từ cấp trên cũng như các quy định của Luật Chống tham nhũng trong công tác phát hiện tham nhũng.

Ông Nguyễn Văn Thanh- Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá, tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều cấp, ngành với phạm vi rộng, tính chất phức tạp. Để thúc đẩy sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong phòng chống, ngăn chặn đẩy lùi tham nhũng thì phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, đặc biệt là công tác đo lường tham nhũng, đánh giá công tác này là nhu cầu cấp thiết hiện nay.

Trong khi đó, ông Phí Ngọc Tuyển- Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, kết quả đánh giá được nêu tại hội nghị cơ bản đã phản ánh được tình hình công tác phòng chống tham nhũng tại các địa phương. Dự án là tiền đề nhằm xây dựng các bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp huyện, các bộ chỉ số tại các bộ, ngành, cơ quan sự nghiệp công, doanh nghiệp Nhà nước và là bước đầu tiên để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng chống tham nhũng.

Nguồn tin: ANTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây