Chính phủ trình hàng loạt cơ chế đặc thù để phát triển TP HCM

Thứ hai - 13/11/2017 20:06
Đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng phát triển một siêu đô thị hơn 10 triệu dân cần cơ chế mới để tạo lực đẩy kinh tế, xã hội.
Chính phủ trình hàng loạt cơ chế đặc thù để phát triển TP HCM

 

Sáng nay 14/11, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ trình bày với Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. 

Ông Trần Anh Tuấn - Quyền Viện trưởng nghiên cứu phát triển TP HCM cho biết, cơ chế đặc thù mà Chính phủ đề xuất gồm bốn nhóm vấn đề. 

Theo đó, đầu tiên là về công tác quản lý quy hoạch đô thị và đất đai. Chính phủ đề xuất thí điểm phân cấp cho HĐND TP HCM quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung của TP đã được cấp có thẩm quyền quyết định, trừ quy hoạch về quốc phòng an ninh và quy hoạch về bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa quốc gia.

Chính phủ cũng đề xuất phân cấp cho TP HCM chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên, nhưng phải đảm bảo diện tích đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ trong mỗi kỳ kế hoạch sử dụng đất; thí điểm phân cấp cho UBND TP HCM quyết định việc điều chỉnh quy hoạch khu công nghệ cao, các khu chức năng đặc thù khác cấp quốc gia trên địa bàn...

chinh-phu-trinh-hang-loat-co-che-dac-thu-de-phat-trien-tp-hcm

Chính phủ đề xuất bốn nhóm cơ chế đặc thù cho TP HCM. Ảnh: CTV

Nhóm vấn đề thứ hai là về quản lý đầu tư. Chính phủ đề xuất thí điểm phân cấp cho HĐND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của thành phố theo quy định của Luật đầu tư công, trừ một số loại dự án di tích quốc gia đặc biệt, quốc phòng an ninh...

TP HCM cũng dự kiến được thí điểm phân cấp quyết định hình thức và phương án chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đối tác công tư (PPP) trong trường hợp xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư quy định của Luật đấu thầu.

Nhóm vấn đề thứ ba về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước. Chính phủ đề xuất giao HĐND TP HCM báo cáo Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trên địa bàn, và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất: Thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản; thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành, trên cơ sở bảo đảm phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của thành phố, có lộ trình, bước đi phù hợp, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi...

TP HCM cũng dự kiến được thí điểm nội dung khác về phí, lệ phí chưa có trong danh mục Luật phí, lệ phí quy định; tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí so với mức thu trong danh mục Luật phí, lệ phí quy định.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất hàng loạt vấn đề khác liên quan đến ngân sách nhà nước, trái phiếu, cổ phần hoá...

Cuối cùng là nhóm vấn đề về cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP HCM quản lý.

Chủ tịch UBND TP HCM được ủy quyền cho Chủ tịch UBND quận, huyện và Thủ trưởng cơ quan chuyên môn trong phạm vi quyền hạn của Chủ tịch thành phố.

HĐND TP HCM quyết định chi trả mức thu nhập bình quân tăng thêm cho người lao động thuộc thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của thành phố...

chinh-phu-trinh-hang-loat-co-che-dac-thu-de-phat-trien-tp-hcm-1

Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP HCM Trần Anh Tuấn. Ảnh: QH

Trình tự, thủ tục hành chính nhanh gọn

Về nội dung trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện cán bộ TP HCM, cho hay, đề xuất phân cấp cho hội đồng nhân dân thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên rất chính đáng. Hiện TP HCM có diện tích đất nông nghiệp rất lớn, trên 55% với khoảng 100.000 ha. Tuy nhiên, diện tích này sử dụng chưa hợp lý, để lãng phí, thậm chí bị quy hoạch treo, gây ô nhiễm môi trường. Nếu chuyển được nhanh sang xây cơ sở hạ tầng trường học, bệnh viện, khu công nghiệp thì rất thích hợp.

"Trước đây, những dự án nhóm A là Thủ tướng quyết định đầu tư, giờ thành phố xin những dự án nhóm A mà thuộc ngân sách nhà nước thì hội đồng nhân dân quyết định. Điều đó làm cho trình tự, thủ tục hành chính nhanh gọn, những quyết định liên quan đến giao thông, ô nhiễm môi trường sẽ sớm được triển khai", ông Ngân nói.

Bức tranh TP HCM thay đổi sau 3-5 năm

Theo ông Ngân, trước đây, thành phố cũng có những cơ chế đột phá nhưng dư địa của đã hết. Đó là cơ chế dành cho thành phố có 3-4 triệu dân, hiện đã lên tới hơn 13 triệu dân. Xã hội đã thay đổi nhanh chóng, quá trình đô thị hoá, an ninh trật tự, vốn đầu tư phát triển... đã thay đổi. Tất cả nguồn lực xã hội cần huy động tốt hơn. 

"Những cơ chế đột phá trước đây hay hiện hành không còn đủ lực để đẩy kinh tế thành phố phát triển mạnh hơn nữa, nó giống như chiếc áo quá chật cần phải thoát ra. Việc quản lý, phát triển của một siêu đô thị cần cơ chế mới, phát huy hơn nữa, tạo lực đẩy kinh tế, xã hội cho thành phố phát triển", ông Trần Anh Tuấn bổ sung thêm.

Theo ông Tuấn, những đề xuất về cơ chế đặc thù nói trên sẽ hỗ trợ rất nhiều cho cho TP HCM vươn lên. Về mặt chính sách, thành phố có thêm quyền tự chủ, tự quyết định, phát huy tính năng động, sáng tạo của chính quyền, tiềm năng thế mạnh vốn có của thành phố. 

chinh-phu-trinh-hang-loat-co-che-dac-thu-de-phat-trien-tp-hcm-2

Quốc hội sẽ xem xét quyết định các cơ chế đặc thù cho TP HCM. Ảnh: Q.H

Ông Tuấn cũng cho rằng, nếu TP HCM được áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù này thì sẽ mở ra hướng mới trong việc huy động nguồn lực. Cu thể về tài chính, thành phố sẽ xây dựng đề án có liên quan đến việc thí điểm chính sách thuế tài sản, những khoản phí, lệ phí không thuộc danh mục luật phí, lệ phí và những quyết định đầu tư thuộc nhóm A..., phù hợp với điều kiện phát triển của thành phố.

"Những chính sách về tài chính khác có liên quan tới cơ chế tạo nguồn lực, như thành phố được phát hành trái phiếu từ các tổ chức tài chính trong nước, nước ngoài, hay từ nguồn Chính phủ vay của nước ngoài về cho thành phố vay lại sẽ giúp TP HCM chủ động đầu tư phát triển hơn rất nhiều", ông Tuấn nói.

Cơ chế cho phép Chủ tịch UBND thành phố uỷ quyền cho Chủ tịch UBND quận huyện, hoặc thủ trưởng các cơ quan chuyên môn cũng sẽ tạo đột phá mới trong việc làm tốt dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp; khi phân quyền sẽ không còn tình trạng quá nhiều việc dồn lên cấp cao nhất của thành phố...

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, với các cơ chế đặc thù đó, "phải hình dung từ 3 đến 5 năm mới có sự thay đổi, nhưng trước mắt, các thủ tục hành chính sẽ được cắt giảm. Sau khi TP HCM thí điểm thì cơ chế này có thể nhân rộng cho những thành phố có khả năng tự chủ, phát triển để hoàn thiện thể chế chung", ông Ngân nói.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh: "TP HCM không xin miếng bánh to hơn cho mình, mà chỉ xin cơ chế để tạo ra cái bánh to hơn, không chỉ cho TP HCM mà còn cho cả nước". 

 

Tác giả bài viết: Hoàng Thùy

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây