​Chính phủ chưa bàn việc bỏ tết cổ truyền

Thứ sáu - 03/02/2017 09:29
​Chính phủ chưa bàn việc bỏ tết cổ truyền

 

(PL News) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ vừa kết thúc cách đây ít phút.

​Chính phủ chưa bàn việc bỏ tết cổ truyền
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn (trái) và Bộ trưởng Mai Tiến Dũng (phải) tại cuộc Họp báo Chính phủ chiều 3-2 - Ảnh: VIỆT DŨNG

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đánh giá của Chính phủ là Tết cổ truyền vừa qua đã được tổ chức đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, tạo không khí phấn khởi, vui mừng trong cả nước.

Đã chuyển 2 triệu phần quà tết đến các gia đình có công với cách mạng, đối tượng chính sách, cấp phát 14.000 tấn gạo cho người nghèo trước dịp Tết.

Tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bắt tay ngay vào công việc, cấm dùng xe công, giờ hành chính đi lễ hội, đền chùa. Chính phủ cũng đánh giá việc thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư, của Thủ tướng về việc không về Hà Nội chúc Tết, đã diễn ra nghiêm túc.

Dưới đây là phần hỏi đáp giữa phóng viên và những người chủ trì họp báo.

* Được biết tại phiên họp Chính phủ thường kỳ trong hôm nay (3-2), có đánh giá rằng việc các tỉnh về Hà Nội chúc tết đã giảm tới 70% so với năm trước. Xin cho biết căn cứ để đưa ra đánh giá này?

Xin được hỏi riêng Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn là Tết vừa qua ông ăn Tết ở đâu và có được cấp dưới có đến chúc Tết và tặng quà Tết không?

- Ông Trương Minh Tuấn: Tết nào tôi cũng về quê ăn tết với gia đình, chưa bao giờ ăn tết ở Hà Nội. Tết thì về ăn tết với mẹ với cha, tết sum vầy gia đình, tôi nghĩ là chúng ta đi xa thì luôn mong muốn tết đến được về quê ăn tết.

Tết này tôi không nhận bất kỳ quà nào của bất kỳ ai đem đến tặng. Có nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí đến xin gặp tôi trước tết để chúc tết nhưng tôi không tiếp, tôi thực hiện nghiêm chỉ đạo.

- Ông Mai Tiến Dũng: Đưa ra con số 70% và nói 30% con số còn lại là để quyết tâm thực hiện trong năm 2018, điều này muốn nói rằng Chính phủ quyết liệt hành động. Thủ tướng đã có chỉ thị, sau đó các cơ quan đã đưa ra các chỉ đạo là không tiếp khách đến chúc Tết.

Trước Tết tôi cũng đã ký công văn yêu cầu không chúc tết lãnh đạo Văn phòng Chính phủ. Tôi nghĩ rằng nếu mình không ký công văn như vậy thì cũng tạo tâm lý e ngại cho anh em cấp dưới, là truyền thống chúc tết như vậy nên năm nay không chúc cũng khó coi, nhưng khi tôi ký như vậy thì anh em không phải e ngại nữa.

Anh em taxi có nói rằng anh em thất thu vì năm nay người ta ít lên Hà Nội chúc tết. 70% là con số ước lượng, nhưng con số có thể hơn, ví dụ như tại Văn phòng Chính phủ năm nay không có người nào đến chúc tết và tặng quà.

Tôi kể một câu chuyện, đồng chí Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh muốn lên báo cáo về việc Samsung xin mở rộng đầu tư, tôi nói ngay là thôi anh không phải lên vì lên trước tết thì người ta lại nghĩ là anh lên quà cáp gì đấy, còn công việc thì tôi báo cáo Thủ tướng và xử lý ngay.

* Thủ tướng đã đưa ra lời thúc giục các bộ, ngành và các cấp hành chính phải bắt tay ngay vào công việc, không thể để tình trạng “tháng giêng là tháng ăn chơi”. Xin cho biết Chính phủ có những biện pháp nào để tình trạng đủng đỉnh, lơ là công việc không diễn ra sau dịp Tết ?

- Ông Mai Tiến Dũng: Các bạn đã biết là từ mùng 5 tết, Thủ tướng đã ký chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bắt tay ngay vào công việc, không được lơ là công việc, cấm sử dụng xe công, sử dụng giờ hành chính để đi lễ chùa. Chỉ thị của Thủ tướng đã nêu rất rõ ràng và chúng ta cũng đã thấy không khí làm việc, không khí lao động ngay từ đầu năm. 

* Chính phủ đã có quyết định kỷ luật nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, xin cho biết hệ quả của việc kỷ luật này, ví dụ như tiền lương hưu có thay đổi không ?

- Ông Mai Tiến Dũng: Như các bạn đã biết là Ban Bí thư đã có quyết định kỷ luật nguyên Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng, yêu cầu các cơ quan nhà nước thi hành kỷ luật đối với nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.

Trước Tết nguyên đán, Chính phủ đã quyết định xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng. Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất các chế tài tương đương và hiện nay Bộ Công thương đang làm việc này.

* Trước thời điểm Tết, một số chuyên gia kinh tế đề xuất gộp “tết ta” vào “tết tây”, xin hỏi quan điểm của Chính phủ về việc này?

- Ông Mai Tiến Dũng: Chính phủ chưa nhận được báo cáo, kiến nghị của tổ chức, cá nhân nào về việc này. Chúng ta có tết cổ truyền của dân tộc, và một số ngày lễ khác như 30-4, 1-5 chúng ta cũng được nghỉ theo pháp luật lao động.

Tết cổ truyền là nét đẹp văn hóa của dân tộc, tôi cho rằng chúng ta chưa đặt vấn đề bỏ tết này, Chính phủ cũng chưa bàn bạc vấn đề này. Chúng ta cần phải giữ những nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc ta.

* Tháng giêng có nhiều lễ hội, và thực tế đã xuất hiện nhiều tiêu cực, Chính phủ có biện pháp gì để giảm thiểu những hình ảnh xấu trong các lễ hội?

- Ông Mai Tiến Dũng: Theo báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ thì các lễ hội diễn ra khá tốt, giữ đúng các quy định, quy chế và thuần phong mỹ tục của địa phương. Tuy nhiên, ngày 2-2 vừa qua tại lễ hội ở đền Gióng xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, cướp lộc, gây phản cảm. Bí thư thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo xem xét xử lý kỷ luật.

Ngay tại phiên họp, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những sai phạm, hình ảnh phản cảm tại các lễ hội.

 

Tác giả bài viết: LÊ KIÊN lược ghi

Nguồn tin: Theo TTO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây