Các siêu tàu sân bay Mỹ phô diễn sức mạnh, cảnh báo Triều Tiên
Thứ ba - 14/11/2017 02:15
Lần đầu tiên trong 10 năm, 3 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ cùng tập trận ở Tây Thái Bình Dương nhằm phô trương sức mạnh trước những lời đe dọa của Triều Tiên.
Ba nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ lần đầu tiên tập trận cùng nhau ở Tây Thái Bình Dương. Tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76), USS Theodore Roosevelt (CVN-71) và USS Nimitz (CVN-68) cùng một số tàu chiến của Nhật Bản, Hàn Quốc tổ chức tập trận 4 ngày.
Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương nói với CNN: "Cuộc tập trận được tổ chức với nhiều nội dung phức tạp. Cuộc tập trận ở Tây Thái Bình Dương là một minh chứng cho sức mạnh của hạm đội và cam kết mạnh mẽ đối với an ninh cũng như ổn định trong khu vực".
Một quan chức Hải quân Hàn Quốc cho biết cuộc tập trận diễn ra trên vùng biển giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. 3 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ dàn trận theo hàng ngang. Những tàu di chuyển gần bán đảo Triều Tiên sẽ phối hợp với tàu chiến Hàn Quốc. Những tàu di chuyển gần biển Nhật Bản sẽ phối hợp với chiến hạm của Nhật Bản.
Đây là lần đầu tiên từ năm 2007, 3 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tập trận cùng nhau. Cuộc phô diễn sức mạnh khổng lồ này được xem là một tín hiệu gửi đến Triều Tiên rằng Mỹ sẽ không bị đe dọa bởi các hoạt động thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Mỗi siêu hàng không mẫu hạm lớp Nimitz có thể mang theo 90 máy bay các loại. Về mặt lý thuyết, 3 nhóm tác chiến tàu sân bay có thể mang theo tới 270 máy bay. Nòng cốt cho sức mạnh tấn công là các tiêm kích trên hạm F/A-18 E/F Super Hornet.
F/A-18 E cất cánh từ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Chiến đấu cơ còn có tên gọi là Super Hornet này được đánh giá là tiêm kích trên hạm tốt nhất thế giới. Tiêm kích này đã chứng minh sức mạnh tấn công đáng sợ và hiệu quả trong các chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu trong nhiều thập kỷ qua.
Hải quân Mỹ là lực lượng duy nhất trên thế giới có đến 10 siêu hàng không mẫu hạm tạo nên sức mạnh không đối thủ. Mỗi tàu sân bay được hộ tống bởi ít nhất 3-4 tàu khu trục Aegis lớp Arleigh Burke, 2-3 tuần dương hạm Aegis lớp Ticonderoga, 1-2 tàu ngầm tấn công hạt nhân.
Tàu sân bay trực thăng JS Ise, lớp Hyuga của lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF). Chiến hạm này có thể mang theo tối đa 18 trực thăng các loại. Tàu được thiết kế cho nhiệm vụ chính là tác chiến chống ngầm. JMSDF điều động một tàu sân bay trực thăng và hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường tham gia tập trận.
Tàu khu trục JS Makinami (DD-112), lớp Takanami dẫn đầu, tiếp đến là tàu khu trục JS Inazuma, lớp Murasame của JMSDF. Phía sau là tuần dương hạm USS Bunker Hill và tàu khu trục USS Preble của Hải quân Mỹ hộ tống cho các tàu sân bay phía trước.
Hải quân Hàn Quốc điều động 2 tàu khu trục có trang bị hệ thống chiến đấu Aegis cùng 5 tàu chiến khác tham gia cuộc tập trận với 3 tàu sân bay Mỹ. Bình Nhưỡng luôn nhìn nhận các cuộc tập trận của Mỹ và đồng minh là chuẩn bị cho kịch bản xâm lược Triều Tiên và thường có những phản ứng tiêu cực.
Cuộc hội quân của 3 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump có chuyến công du lịch sử qua 5 nước châu Á. Thông tấn xã trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 11/11 tuyên bố sự "hiện diện của 3 tàu sân bay là một phần trong ý định độc ác của Washington để duy trì quyền bá chủ quân sự trong khu vực"