Cảng Quy Nhơn. Ảnh: XH |
Ngày 17/9, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra toàn diện việc cổ phần hoá cảng Quy Nhơn thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) từ giai đoạn cuối năm 2010, đầu năm 2011 đến nay.
Kết luận chỉ rõ, theo quyết định phê duyệt Quy hoạch hệ thống Cảng biển Việt Nam đến năm 2020 định hướng đến 2030, Quy Nhơn là cảng đầu mối khu vực (loại 1), cảng tổng hợp quốc gia, là cảng chính trong hệ thống cảng biển Việt Nam.
Ngày 4/2/2013, Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2012-2015, trong đó cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn, Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ. Thời điểm đó, Công ty Cảng Quy Nhơn cổ phần hóa và có vốn điều lệ 404 tỷ đồng, trong đó Vinalines nắm giữ hơn 303 tỷ đồng chiếm 75%.
Sau hai năm, được sự đồng ý của Chính phủ và Bộ Giao thông, Vinalines đã chuyển nhượng hết 75% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho nhà đầu tư trong nước là Công ty CP Đầu tư và khoáng sản Hợp Thành.
Đoàn thanh tra đã phát hiện trong quá trình cổ phần hoá cảng Quy Nhơn, nhiều đơn vị đã mắc phải vi phạm nghiêm trọng. Trong đó, UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ Giao thông và Thủ tướng cho cổ phần hóa cảng Quy Nhơn theo hướng Nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ, sau đó, tỉnh có văn bản tiếp tục đề nghị bán hết 49% vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn. Việc làm này bị kết luận là "không đúng với đề án tái cơ cấu Vinalines".
"Việc tham gia đề xuất cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không thuộc đối tượng quản lý của mình là không đúng chức năng, nhiệm vụ", kết luận chỉ rõ sai phạm của tỉnh Bình Định.
Bộ Giao Thông đề nghị cấp phép, chuyển nhượng cổ phần trái quy định
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, Bộ Giao thông đã đề nghị Thủ tướng cho phép Nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ tại cảng Quy Nhơn, song sau đó Bộ lại tiếp tục đề nghị Thủ tướng cho phép Vinalines chuyển nhượng hết 49% vốn điều lệ, là không đúng với đề án tái cơ cấu doanh nghiệp.
Trước khi Vinalines chuyển nhượng hết vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Bộ Giao thông bổ sung, giải trình những nội dung mà Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư đã đặt ra về kinh tế, an ninh, quốc phòng, song Bộ Giao thông không xem xét, đánh giá toàn diện các nội dung này.
Ngoài ra, công ty mẹ của cảng Quy Nhơn là Vinalines có kiến nghị Bộ Giao thông không bán hết cổ phần nhà nước tại cảng song Bộ Giao thông vẫn có văn bản đề nghị Thủ tướng cho bán hết phần vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn là thiếu căn cứ về pháp lý và thực tiễn.
Bộ Giao thông đã chỉ đạo Vinalines về phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn không rõ ràng, thiếu nhất quán. Ban đầu, Bộ chỉ đạo đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán, nhưng sau đó lại chỉ đạo bán theo phương thức thỏa thuận trực tiếp, trái thẩm quyền.
Trong kết luận, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ đã tham mưu cho Thủ tướng ban hành văn bản về cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, trong đó tỷ lệ vốn do Nhà nước nắm giữ là 49% vốn điều lệ. Dù Bộ Giao thông đề nghị tiếp tục bán hết 49% vốn nhà nước với những lý do thiếu căn cứ nhưng Văn phòng Chính phủ đã đồng thuận trình Phó thủ tướng cho bán hết 49% vốn nhà nước.
Kết luận cũng chỉ rõ việc thẩm định giá cổ phần để thoái vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn có một số khuyết điểm, vi phạm thuộc về các công ty tư vấn (ATC, CPA), ngoài ra còn có trách nhiệm của Vinalines, Ban chỉ đạo cổ phần hóa trong việc thẩm định, phê duyệt giá trị doanh nghiệp...
Kiến nghị thu hồi hai quyết định trái luật của Bộ Giao thông
Từ những vi phạm được chỉ ra trong kết luận, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể liên quan đến các khuyết điểm trong quá trình cổ phần hóa. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Giao thông thu hồi lại 2 quyết định của Bộ chỉ đạo về việc bán cổ phần nhà nước tại cảng Quy Nhơn vì có nội dung trái thẩm quyền, vi phạm pháp luật.
Thanh tra kiến nghị giao Bộ Giao thông chủ trì, thu hồi 75% cổ phần tại cảng Quy Nhơn đã được Bộ Giao thông cho phép chuyển nhượng cho Công ty Hợp Thành.
Văn phòng Chính phủ, tỉnh Bình Định cũng bị đề nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân thuộc Văn phòng Chính phủ có liên quan đến những vi phạm được nêu...
Cảng Quy Nhơn được thành lập từ đầu năm 1976, do Cục Đường biển trực tiếp quản lý. Cuối năm 2009, Bộ Giao thông chuyển cảng này từ Cục Đường biển về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Vinalines sau đó chuyển cảng Quy Nhơn thành Công ty TNHH MTV, hạch toán độc lập, là công ty con của Vinalines (Vinalines nắm giữ 100 vốn điều lệ).
Năm 2013, doanh nghiệp chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, với tên gọi Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn. Vốn điều lệ hơn 404 tỷ đồng, trong đó Vinalines nắm giữ 75,1%, còn lại các cổ đông nắm giữ 24,9%.
Cảng Quy Nhơn là một trong những cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm cảng biển Nam Trung bộ với hệ thống 20.960 kho, 12.000 m3 bãi, 48.000 m2 bãi chứa container, trên 306.568 m2 mặt bằng. Cảng có 6 cầu tàu với tổng chiều dài 824 m, có thể tiếp nhận tàu trọng tải 30.000 DWT với tần suất bình thường. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng năm 2015 là 7,5 triệu tấn.
Nguồn tin: Theo Vnexpress:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn