'Biệt phủ' án ngữ đê sông Kinh Thầy: Huyện Kinh Môn đã cho thuê đất?

Chủ nhật - 08/07/2018 21:07
Liên quan đến "Biệt phủ án ngữ hàng ngàn m2 đê sông Kinh Thầy" - đại diện Sở NN&PTNT Hải Dương cho biết, hết thời hạn thuê đất, nếu hộ đi thuê không bàn giao sẽ cưỡng chế mà không được đền bù.
'Biệt phủ' án ngữ đê sông Kinh Thầy: Huyện Kinh Môn đã cho thuê đất?

Như đã phản ánh, công trình xây dựng kiên cố trên hành lang đê sông Kinh Thầy tồn tại nhiều năm tại xã Hoành Sơn, huyện Kinh Môn (tỉnh Hải Dương).

Qua tìm hiểu, công trình xây dựng kiên cố trên đất hành lang đê sông Kinh Thầy đã được huyện Kinh Môn chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho hộ dân thuê có thời hạn 25 năm.

Đến nay, công trình là trụ sở hoạt động của công ty cổ phần sản xuất và thương mại Sơn Nga, ngành nghề chính là sản xuất hương. 

'Biệt phủ' án ngữ đê sông Kinh Thầy: Huyện Kinh Môn đã cho thuê đất?
Công trình kiên cố xây dựng trên đất nông nghiệp đã được UBND huyện Kinh Môn cho phép chuyển đổi đất

Huyện chuyển đổi và cho thuê đến năm 2039

Thông tin với VietNamNet, chủ cơ sở nói trên, bà Trần Thị Tuyết Nga cho biết, GĐ công ty cổ phần sản xuất và thương mại Sơn Nga thuê đất để sản xuất kinh doanh từ một hộ dân khác trên địa bàn.

Theo đó, ngày 3/9/2011, UBND huyện Kinh Môn ban hành quyết định 341 về việc chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất nông nghiệp có diện tích hơn 21.800m2 và cho hộ gia đình bà Quách Thị Đượng (xã Hiệp Hòa, huyện Kinh Môn) thuê 11.248,5m2 để đầu tư xây dựng bến bãi, kinh doanh nguyên, nhiên liệu; vật liệu xây dựng. Thời hạn cho thuê đất là 25 năm tính từ thời điểm giao đất.

Phần diện tích còn lại, 10.612,5m2, UBND huyện Kinh Môn giao UBND xã Hoành Sơn quản lý, là hành lang đê, lưu không sông.

Nguồn gốc của toàn bộ khu đất này thuộc nhóm đất nông nghiệp. 

Sau khi được giao đất, bà Quách Thị Đượng (SN 1972) đã thực hiện bồi thường, đền bù đối với phần đất được cho thuê với tổng số tiền 2,373 tỷ đồng. Trước đó, phần diện tích này được giao cho các hộ nhận khoán thầu đất công điền để trồng cây nông nghiệp.

UBND huyện Kinh Môn căn cứ theo các văn bản quy định về khung giá cho thuê đất đã lên phương án định giá đất cho thuê là 3.332 đồng/m2/năm; tổng số tiền cho thuê hơn 11.000 m2 đất bãi nói trên là hơn 37,6 triệu đồng/năm.

Ngày 26/2/2012, UBND huyện Kinh Môn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình bà Quách Thị Đượng và tài sản gắn liền với đất.
 

Văn bản nêu rõ, nguồn gốc sử dụng đất do nhà nước cho thuê đất, trả tiền thuế hàng năm. Thời hạn cho thuê đến ngày 3/9/2039.

Dỡ bỏ công trình khi hết hạn thuê đất

Vẫn theo bà Trần Thị Tuyết Nga, đơn vị đã có hợp đồng thuê lại đất từ hộ gia đình bà Quách Thị Đượng để làm mặt bằng, cơ sở sản xuất hương, thời hạn 25 năm. 

'Biệt phủ' án ngữ đê sông Kinh Thầy: Huyện Kinh Môn đã cho thuê đất?
Chủ công trình xây dựng cho biết, sẽ tự giác tháo dỡ công trình mà không có bồi thường, đền bù nếu hết thời hạn được thuê đất

Theo đó, hợp đồng kinh tế thuê một phần bến bãi của công ty Sơn Nga ký kết với hộ gia đình bà Quách Thị Đượng được ký kết ngày 01/9/2012. Diện tích đất thuê lại là 6.499m2/hơn 11.000m2.

Giá thuê lại là 5.500 đồng/m2/năm, thời hạn thuê lại là 25 năm.

Bà Nga cho hay, do nhu cầu sản xuất, kinh doanh (làm hương), gia đình bà đã xây dựng công trình trên đất thuê lại, hiện trạng là công trình nhà cấp 4 lợp ngói.

“Chúng tôi cam kết thực hiện theo đúng quy định của nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai. Đất thuê lại đã được UBND huyện cho phép chuyển đổi. Chúng tôi cũng cam kết, hết thời hạn thuê đất (25 năm), sẽ bàn giao lại cho hộ bà Đượng để bà Đượng bàn giao lại cho nhà nước”.

Về công trình trên đất nếu như hết thời hạn được thuê, bà Nga khẳng định: “Chúng tôi tự nguyện dỡ bỏ mà không yêu cầu nhà nước bồi thường, đền bù. Đây cũng là quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất”.

Đại diện Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hải Dương) cho biết, đơn vị này quản lý theo lĩnh vực được giao, sẽ có trách nhiệm giám sát việc thực hiện sử dụng đất được nhà nước cho thuê của các hộ dân.

Hết thời hạn thuê đất, nếu hộ đi thuê không bàn giao sẽ tiến hành cưỡng chế mà không được đền bù đối với công trình xây dựng trên đất.

Tác giả bài viết: Thái Bình

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây