APEC 2017: Chung tay để tăng trưởng toàn cầu lan tỏa rộng rãi

Thứ tư - 08/11/2017 20:41
Chiều 8/11, tại Trung tâm hội nghị Ariyana, thành phố Đà Nẵng, Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017 (CEO Summit 2017) được tổ chức với sự tham dự và phát biểu của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC. Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự và phát biểu khai mạc hội nghị.
APEC 2017: Chung tay để tăng trưởng toàn cầu lan tỏa rộng rãi



Tham dự các phiên họp của hội nghị có lãnh đạo các nền kinh tế APEC: Australia, Chile, Trung Quốc, Hong Kong-Trung Quốc, Malaysia, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines và Hoa Kỳ và hơn 2.000 doanh nghiệp hàng đầu khu vực, quốc tế và 800 doanh nghiệp Việt Nam, lãnh đạo các tổ chức quốc tế.

Hợp tác tạo môi trường kiến tạo

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch APEC CEO 2017, tiến sỹ Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh để hướng tới mục tiêu phát triển bao trùm cả về kinh tế, xã hội và tài chính, sẽ cần sự chung tay của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên và doanh nghiệp trong việc tạo ra môi trường và bệ đỡ cho sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững trong nền kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch APEC CEO Summit 2017 Vũ Tiến Lộc tin tưởng rằng toàn cầu hóa tích hợp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những cải cách thể chế mạnh mẽ trong các nền kinh tế nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong các chuỗi giá trị toàn cầu để “mọi người cùng thắng,” để “không ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khát vọng mà sẽ là hiện thực trong kỷ nguyên số. APEC CEO Summit 2017 sẽ đi vào lịch sử như một dấu mốc quan trọng của sự đồng thuận đó.

Theo tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, để đạt được những mục tiêu phát triển bao trùm, các lãnh đạo các nền kinh tế và doanh nghiệp cần hợp tác để tạo ra một môi trường kiến tạo và một bước thúc đẩy cho sự phát triển của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và doanh nghiệp nữ đặc biệt trong sự phát triển bền vững của nông thôn và nông nghiệp.

Đảm bảo sự tăng trưởng toàn cầu

Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung,” ngày đầu tiên của hội nghị đã tập trung thảo luận vào những thách thức đặt ra trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, nói rằng các nền kinh tế cần phải tập trung vào việc truyền năng lượng cho xã hội, phải có một sự chung tay để đảm bảo sự tăng trưởng toàn cầu sẽ được lan tỏa đến cả tầng lớp lao động rộng rãi.

Theo ông Philipp Rosler, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới, việc thay đổi công việc gây ra sự hoang mang cho người dân và thách thức lớn chính là tìm ra giải pháp “đơn giản” và “đúng đắn” cho những việc này.

[Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC]

Bất chấp xu hướng gia tăng chống lại toàn cầu hóa, quốc gia hóa và bảo hộ thương mại, Chủ tịch của Eurasia, ông Ian Bremmer, cảnh báo rằng quá trình toàn cầu hóa đang trở nên rời rạc vì những lợi ích của quá trình toàn cầu hóa đã không lan tỏa đến những người thu nhập vừa, đặc biệt là ở các nước công nghiệp hóa cao, nơi mà rất nhiều người đã mất việc trong quá trình này.

Cần tạo ra lưới an sinh xã hội

Hội nghị cũng đã thảo luận về vai trò của lãnh đạo các nền kinh tế và các công ty trong việc đảm bảo rằng người lao động khỏe mạnh, được đào tạo bài bản và có khả năng đảm nhận công việc trong tương lai.

Ông Masamichi Kono, Tổng Thư ký Thường trực OECD, bày tỏ mối lo ngại về sự tiến bộ nhanh chóng của các phát minh công nghệ và việc sử dụng tự động hóa sẽ mang lại những thách thức lớn cho giới lao động, thay thế một số công việc, đặc biệt là các công việc đòi hỏi kỹ năng thấp.

Tiến sỹ Aran Maree, Giám đốc Y tế Johnson & Johnson Global, khẳng định nếu đầu tư vào sức khỏe thân thể và tâm lý cho nguồn lao động thì lợi tức đầu tư sẽ hiệu quả. Quá nhiều tài nguyên sức khỏe cộng đồng được đổ vào “chữa bệnh” thay vì “phòng bệnh.”

Tiến sỹ Aran Maree kêu gọi hệ thống giáo dục phổ cập cho trẻ về khoa học dinh dưỡng, bên cạnh các giải pháp khả thi khác.

Chia sẻ niềm tin lạc quan rằng nhiều công việc hơn sẽ được tạo ra thay vì gia tăng tình trạng thất nghiệp, Chủ tịch của JPMorgan châu Á -Thái Bình Dương, ông Nicolas Aguzin, đã lấy ví dụ của việc sử dụng máy rút tiền tự động (ATM) trong ngành ngân hàng đã dẫn tới việc giảm số lượng công việc của thu ngân, nhưng ngược lại đã tạo ra rất nhiều công việc khác trong ngành này.

Một số khía cạnh khác được tập trung thảo luận là các giải pháp để vượt qua được các vấn đề liên quan tới việc tự động hóa và đảm bảo việc làm trên toàn thế giới.

Đầu tiên, đào tạo và giáo dục cần phải phản ánh nhu cầu trong nền kinh tế, cần tạo ra lưới an sinh xã hội cho những người thất nghiệp. Cuối cùng, các doanh nghiệp cần được khuyến khích để tạo ra các cuộc cải cách để bảo vệ nhân công trong thời cuộc khi mà quá trình tự động hóa đã dần lấn tới.

Ngày đầu tiên của Hội nghị đã diễn ra tốt đẹp với nhiều nội dung thiết thực về hợp tác khu vực được các đại biểu đánh giá cao. Hội nghị sẽ tiếp tục được diễn ra vào ngày 9/11 với nhiều phiên thảo luận thiết thực với cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực./.

Nguồn tin: www.vietnamplus.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây