“Quy hoạch có tốt nhưng chưa có cơ chế để thực hiện thì cũng không thể phát huy tác dụng” - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh tại Hội nghị về điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, ngày 25-7 tại TP.HCM.
Ai sẽ điều phối?
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong một lần nữa nêu ra một câu chuyện rất cũ: có quy hoạch nhưng tính liên kết, điều phối chưa có quy tắc cụ thể.
Ông cho rằng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mỗi nơi đều phải đặt trong mối quan hệ với quy hoạch phát triển vùng. Do vậy, rất cần vai trò điều phối chung. Ông Phong đề xuất trung ương hỗ trợ các địa phương trong khâu điều phối chung này.
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng nữa là các bộ ngành trung ương cần giúp hành lang pháp lý để hỗ trợ quy hoạch. Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng không phải mỗi địa phương đều phải phát triển đủ các loại ngành nghề, lĩnh vực mà cần ưu tiên nơi nào có tiềm năng, lợi thế phát triển tốt cái gì thì tập trung làm cái đó.
Xét về quy mô nền kinh tế, ông Phong nhấn mạnh mục tiêu của TP.HCM là xây dựng TP thành trung tâm kinh tế, thương mại, giáo dục đào tạo của vùng Đông Nam Á.
“TP.HCM phải gắn hết sức chặt chẽ với các địa phương trong vùng. Phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ, tận dụng lợi thế của từng địa phương để tạo nên sức mạnh chung cho cả vùng” - ông Phong nhấn mạnh.
Chia sẻ vấn đề này, đại diện các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... cũng cho rằng tính điều phối, vì cái chung rất quan trọng với sự liên kết vùng. Đại diện các tỉnh này chỉ ra rằng trong kêu gọi đầu tư đã có tình trạng địa phương nào cũng kêu gọi đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ nên nếu không cẩn thận thì trùng lắp, lãng phí nguồn lực.
Lãnh đạo các tỉnh này cũng thống nhất với lãnh đạo TP.HCM là thực tế tính pháp lý của hội đồng vùng hiện nay chưa có nên rất khó khả thi trong việc điều phối.
Đầu tư cho nơi dùng vốn hiệu quả
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng trong quy hoạch vùng có 4 vấn đề cần chú trọng: Thứ nhất là giao thông, phải đồng bộ hóa kết nối giao thông vùng, cần phải kiểm tra tiến độ đồng bộ đó ở mỗi mức thời gian, mỗi tỉnh phải chịu trách nhiệm về phần của mình.
Thứ hai là quản lý sông và nguồn nước phải chặt chẽ, thận trọng, đây là vấn đề không phối hợp thì không bao giờ làm được. Đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra...
Thứ ba là phối hợp trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực. Thứ tư là làm rõ vấn đề tài chính, huy động vốn trong thực hiện quy hoạch.
“Đây là chuyện rất quan trọng, cần vốn đến đâu, xã hội hóa đến đâu, phải lập thứ tự ưu tiên chứ không phải chờ có vốn rồi mới sắp xếp thì không biết bao giờ cho xong được” - ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Chia sẻ quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng 4 vấn đề mà ông Nguyễn Thiện Nhân nêu càng giúp Bộ Kế hoạch - đầu tư khẳng định quy hoạch đang được điều chỉnh đúng hướng.
“Theo tôi, quy hoạch vùng chỉ nên tập trung cái gì từng địa phương không làm được. Có hai vấn đề quan trọng là giao thông và nguồn nước thì quy hoạch về nguồn nước phải được ưu tiên vì đây là việc phụ thuộc vào tự nhiên nhiều, khó kiểm soát” - ông Đông nói.
Ông Đặng Huy Đông cho rằng với quy mô đóng góp đến gần 42% GDP, vùng TP.HCM cần phải được đầu tư nhiều hơn nữa.
“Nguyên tắc ở đâu tạo ra nhiều GDP thì phải đầu tư nâng cao cho vùng ấy. Phân bổ phải tương xứng, chứ hiện cứ giãn đều. Nơi nào phát triển tốt tức là sử dụng đồng vốn tốt hơn” - ông Đông nói.
|
Nguồn tin: TTO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn