Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Dung, phường Bình An kể lại làm nhiều người trong hội trường Trung tâm học tập chính trị Quận 2, TP HCM vào chiều 9/5 rơi nước mắt. Bà có căn nhà 88,9m2 ở mặt tiền đường Trần Não, có sổ đỏ, nằm ngoài ranh quy hoạch, gía trị đến 30 tỷ đồng nhưng đã bị cưỡng chế vào năm 2012. Bà bị đưa đi tái định cư, già yếu phải đi ăn xin…Liên tục kêu lên “Tôi khổ quá rồi, bà Quyết Tâm ơi”, bà Dung mong sao chính quyền nhanh chóng giải quyết cho bà bởi có lẽ bà không còn trên cõi đời này bao lâu nữa.
Bức xúc không kém, ông Nguyễn Văn Khương cũng nói thẳng: chính UBND Quận 2 đã đẩy gia đình ông và nhiều người khác vào cảnh “cùng trời cuối đất”. Gia đình ông là gia đình liệt sỹ nhưng bị cưỡng chiếm 3 căn nhà chỉ trong vòng một ngày, đuổi cả gia đình ra đường, không biết đi về đâu, đồ đạc phải khuân vác khắp nơi, mẹ ông phát bệnh gần chết…
Người dân trưng ra bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm tại buổi tiếp xúc cử tri. |
Ông Khương chất vấn bà Nguyễn Thị Quyết Tâm “Trước kia bà nói UBND Quận 2 làm đúng trình tự thủ tục để thu hồi đất nên người dân phải chịu hy sinh một tí, giờ bà đã ở nhiệm kỳ thứ 2 rồi, bà thấy rõ hậu quả chưa? Bà có day dứt không?”.
Theo ông Khương, chính những "con sâu" tham nhũng, lợi ích nhóm …với sự bao che của một số người có chức quyền đã làm sai lệch hoàn toàn mục đích tốt đẹp ban đầu của Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dẫn chứng là thủ tục thu hồi đất đã được Thanh tra chính phủ, thanh tra liên ngành thành phố kết luận là UBND Quận 2 không công khai quy hoạch, không có phương án đền bù giải tỏa, không có quyết định thu hồi đất nhưng vẫn cưỡng chiếm đất của dân. Nói thẳng là không còn tin vào những quyết định của UBND Quận 2 và thành phố, ông Khương mong câu chuyện Thủ Thiêm phải được đưa ngay ra nghị trường Quốc hội lần này để được giải quyết thấu đáo.
"Tôi kính mong đoàn ĐBQH sẽ chuyển vụ việc của tôi và Thủ Thiêm lên thẳng Nghị trường Quốc hội trong kỳ họp tới để Quốc hội hiểu bản chất thực sự và làm rõ ai chỉ đạo nhóm lợi ích này, xem người dân như cỏ rác. Tôi vẫn tin tưởng vào chế độ, sự sáng suốt của người lãnh đạo. Những người cầm cương phải nhìn nhận được vấn đề. Tôi mong chính quyền làm sai thì phải sửa sai. Quay đầu là bờ, đừng đẩy người dân vào bước đường cùng" - ông Khương nói.
Bà Nguyễn Thị Hà, Khu phố 1, phường Bình An cũng chất vấn thẳng về vai trò giám sát của HĐND TP HCM: "Trách nhiệm giám sát của HĐND nhự thế nào? HĐND là cơ quan giám sát nhưng HĐND để cho UBND các cấp đập phá, cưỡng đoạt nhà đất của các hộ dân ngoài ranh quy hoạch. Tại sao HĐND không thực hiện quyền và nghĩa vụ giám sát của mình. HĐND đã bao che, dung túng và nuôi dưỡng cho hệ thống UBND làm trái quy định pháp luật về việc sử dụng đất đai ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm".
Ông Nguyễn Hồng Quang, Khu phố 1, phường Bình Khánh khi đến buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ngày 9/5 đã trưng ra một tấm bản đồ 1/10.000 được in khổ lớn để mọi người cùng xem. Theo ông Quang, đây là bản đồ được sao lưu từ bản gốc của Cục Lưu trữ nên tuyệt đối phải có bản đồ, không nên mơ hồ vấn đề này. Trong đó thể hiện rõ ranh quy hoạch của Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo ông Quang, chính quyền thành phố nên nhìn thẳng vào sự thật, phải đối thoại lần cuối cùng với người dân để tìm cách tháo gỡ bởi người dân đã rất mệt mỏi. Người dân không tiếc gì cả cho sự phát triển của đất nước, của thành phố…Nhưng thực tế tại Khu đô thị Thủ Thiêm chưa thấy các công trình phúc lợi xã hội, làm đường thì ì ạch còn lại là phân lô, bán nền. Ông Quang cho rằng, người dân đấu tranh là vì quyền lợi hợp pháp của mình và tất cả không mơ hồ mà đều theo quy định của pháp luật.
"Tuyệt đối chúng tôi không mơ hồ, cảm tính, bức xúc gì cả. Chúng tôi liên tục đấu tranh dựa trên cơ sở pháp lý, chính sách và chúng tôi có đầy đủ bằng chứng. Chúng tôi khẳng định chúng tôi ngoài ranh quy hoạch, không mơ hồ gì cả. Chúng tôi rất tôn trọng chính quyền, chúng tôi không chống đối gì cả, nhưng điều gì pháp luật cho, chính sách rõ ràng thì chúng tôi đấu tranh. Đừng chà đạp người dân, hãy hợp tác với chúng tôi, kể cả nhà đầu tư và chình quyền" - ông Nguyễn Hồng Quang nói.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM cho biết sau khi nghe các ý kiến của người dân ông rất buồn. Ông hiểu rõ vì sao mà người dân phản ứng như vậy. Và với trách nhiệm của mình, ông sẽ cố gắng hết sức để góp phần giải quyết vụ việc nhanh chóng, bởi đây là lúc “không thể nào lảng tránh được”.
"Đâu phải bây giờ mới giám sát, trước đây đã giám sát rồi nhưng mà lúc này là lúc không thể nào lảng tránh mà phải đi vào giải quyết một cách ổn thỏa để giảm đi sự căng thẳng không cần thiết như thế này. Phải có sự trao đổi, phân tích để đi tới tận cùng của vấn đề" - ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết.
Căn cứ pháp lý của Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng là một vấn đề người dân phản ứng và cần phải nghiêm túc xem lại. Được biết, ngày 4/6/1996, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có Quyết định 367 phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Sau đó gần 10 năm, ngày 27/12/2005, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch UBND TP HCM mới ký Quyết định 6565 và 6555 về điều chỉnh quy hoạch chung (tỷ lệ 1/5.000) và quy hoạch chi tiết (1/2.000) của Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm. Trong đó, Quyết định 6565 nói căn cứ vào Quyết định 367 của Thủ tướng rồi tại điều 2 của chính Quyết định 6565 này lại thay thế Quyết định 367. Điều này làm cho nhiều cử tri bức xúc khi cho rằng “ông Đua to hơn Thủ tướng”.
Về vấn đề này, Luật sư Hoàng Thị Thu, thuộc Đoàn Luật sư TP HCM cũng nhận xét “quyết định 6565 không có sự phù hợp” bởi Quyết định 367 do Thủ tướng ban hành thì một quyết định sửa đổi thay đổi phải do cấp tương đương quyết định. Luật sư Hoàng Thị Thu cho rằng bây giờ cứ rà soát lại tất cả quy trình và nếu sai thì xử lý.
"Bây giờ sau khi rà soát lại, xác định được sai phạm thì cứ căn cứ theo quy định của pháp luật để xử lý. Nếu xác định các cá nhân tổ chức thực hiện trái quy định, thậm chí trong lĩnh vực này có dấu hiệu hình sự thì cứ xử lý theo quy định của pháp luật" - Luật sư Hoàng Thị Thu nói.
Rõ ràng, có rất nhiều khía cạnh vấn đề của câu chuyện Khu đô thị mới Thủ Thiêm cần phải giải quyết. Nhiều sai phạm đã dần được chỉ rõ, từ cơ sở pháp lý để giải tỏa, công tác đền bù, giá đền bù…đến quy trình giải tỏa, cưỡng chế.
Câu chuyện Thủ Thiêm đã trải qua hơn 20 năm, quãng thời gian đủ cho một đứa bé sinh ra và trưởng thành, đó cũng là quãng thời gian mà biết bao nhiêu người dân Thủ Thiêm cố cựu, những người nếu theo đúng như tinh thần Quyết định 367 ban đầu là những người hạnh phúc nhất, đã trở nên đau khổ nhất. Đã đến lúc nhìn thẳng vào sự thật và xử lý vụ việc đúng theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”. Đã đến lúc các cấp chính quyền cần phải trả lại công bằng cho người dân, lấy lại niềm tin của nhân dân./.
Nguồn tin: Hà Khánh/VOV-TPHCM
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn