Ai đề xuất 'lấn biển' Nha Trang trở lại?

Chủ nhật - 16/04/2017 04:05
(PL News) - Vì sao dự án lấn biển trong “quy hoạch phá nát biển Nha Trang” trước đây đã bị lên án phải hủy bỏ nay bất ngờ quay lại?
Dự án lấn biển Nha Trang do người của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia thuyết trình
Dự án lấn biển Nha Trang do người của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia thuyết trình

 

Đồng ý vươn ra biển, nhưng phải phục vụ cộng đồng

Theo tôi, ý tưởng vươn ra biển này không phải là không tốt, nhưng cũng còn có vấn đề phải nghiên cứu thêm. Tôi đồng ý mở rộng, đồng ý vươn ra, nhưng phải là một khu vực sinh hoạt cộng đồng thực sự, tự do, thoải mái.

Ông Lê Đức Vinh (chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, phát biểu sau cuộc họp ngày 13-4)


Dự án lấn biển quay lại trong ý tưởng điều chỉnh quy hoạch phân khu (tỉ lệ 1/2.000) ở phía đông đường Trần Phú, vừa được người của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) thuyết trình tại UBND tỉnh Khánh Hòa.

Ý tưởng này đề xuất lấn biển Nha Trang ở nhiều khu vực trên toàn tuyến gần 20km đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng.

Trong đó có ba khu vực đáng quan tâm nhất là đầu cầu Trần Phú (làm cụm công trình lấn biển tạo điểm nhấn), quảng trường trung tâm (biến thành quảng trường đa năng), khu Phù Đổng - Ana Mandara (làm khu tổ hợp chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp cao cấp).

Đề xuất, nhưng... không biết ai!

Ý tưởng trên được thuyết trình tại cuộc họp ở trụ sở UBND tỉnh Khánh Hòa vào chiều 13-4.

Thế nhưng ngay hôm sau, khi được hỏi cơ sở khoa học nào để viện này đề xuất lấn biển, bà Phạm Thị Nhâm - phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (có mặt trong cuộc họp nói trên) - bất ngờ cho hay đơn vị này không tham gia chính thức việc điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2.000 phía đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng (Nha Trang).

Bà Nhâm khẳng định không có phòng ban, đơn vị trực thuộc nào của viện tham gia điều chỉnh quy hoạch này, mà có thể có đơn vị tư vấn nào đó tham gia với tư cách “làm dịch vụ” được địa phương thuê.

Còn ông Ngô Trung Hải - viện trưởng cho biết quan điểm của ông và viện là không hề ủng hộ lấn biển ở phía nam cầu Trần Phú.

Liên quan tới thông tin có một lãnh đạo của viện tham dự buổi báo cáo trên, ông Hải nói chỉ có cán bộ của viện làm chủ nhiệm đề án Nam sông Cái tham dự. Bởi đây là buổi tỉnh tổ chức để ghép các đề án quy hoạch với nhau

“Viện không hề liên quan gì tới điều chỉnh quy hoạch hay lấn biển gì cả” - ông Hải khẳng định.

Vậy chính xác đồ án trên (tài liệu đồ án không ghi tên tác giả và cơ quan lập) do cơ quan nào chịu trách nhiệm? Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa nói là do một cơ quan chức năng thuộc Bộ Xây dựng thực hiện.

Trong khi ông Hải nói: “Theo tôi được biết thì tư vấn địa phương là một trung tâm thuộc Sở Xây dựng Khánh Hòa và chuyên gia của Thụy Sĩ được 
mời vào tư vấn”.

Trước đó tháng 10-2016, người của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cũng thuyết trình cho đại diện các ngành chức năng ở tỉnh Khánh Hòa về ý tưởng quy hoạch dải bờ biển Nha Trang (tỉ lệ 1/2.000) của một chuyên gia người Pháp, trong đó nhấn mạnh nhiều đến việc mở rộng bãi biển.

Điểm chung của hai cuộc trình bày ý tưởng này, theo các thành viên dự họp, là các “chuyên gia quốc tế” không trực tiếp trình bày thông qua phiên dịch như thông lệ, mà chủ yếu do chuyên gia người Việt trực tiếp báo cáo.

“Hai anh em”

So sánh đề xuất điều chỉnh quy hoạch mới đây với “Quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 khu vực phía đông đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng, TP Nha Trang” do Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia lập năm 2014, một chuyên gia xây dựng nói hai bản đồ án này “giống như hai anh em”.

Ông này chỉ ra bốn nội dung “anh em” giữa hai đồ án: Một là, đồ án mới đề xuất tạo kết nối giao thông trên cao ở phía tây đường Trần Phú liên kết tất cả các khách sạn tại một mặt bằng đi bộ, từ đó trực tiếp sang bãi biển phía đông.

Đề xuất này giống ý tưởng “nhà hàng trên ngọn cây” của đề án cũ. Hai là, để mở rộng bãi cát, đồ án mới ra giải pháp “cánh tay đòn” là cấu trúc dựng từ bờ vươn ra ngoài mặt nước, nhằm tạo các bãi cát làm thành những mảng cát bồi để mở rộng bãi tắm.

Đề xuất này tương tự như giải pháp tạo các điểm nhô ra mặt biển hình thành các trung tâm đại dương của quy hoạch cũ.

Ba là, cả hai đồ án đều rất tập trung cho đề xuất lấn biển xây cao ốc ở khu vực đầu cầu Trần Phú. Nội dung này của đồ án cũ bị hủy bỏ, giờ đồ án mới đề xuất thấp tầng hơn. Bốn là, đều cùng đề xuất tăng cường khai thác kinh doanh dịch vụ trên dải công viên công cộng phía đông đường Trần Phú.

Qua nghiên cứu các đồ án quy hoạch bờ biển Nha Trang mấy năm gần đây, ai cũng thấy có sự lòng vòng của nó.

Từ năm 2013, Tập đoàn Dewan - Ấn Độ đưa ra ý tưởng thiết kế dải bờ biển Nha Trang cho UBND tỉnh Khánh Hòa, sau đó hình thành dự án phát triển đa hạng mục phía đông đường Trần Phú.

Đến cuối năm 2013 đầu năm 2014, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia lập “Quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 khu vực phía đông đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng” có nội dung như dự án của Dewan, được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 10-2014.

Quy hoạch này bị gọi là “quy hoạch theo ý nhà đầu tư”, bị dư luận phản đối dữ dội nên phải sửa đổi, phải bỏ hết các cao ốc lấn biển ở phía nam cầu Trần Phú, nhà hàng - khách sạn cao tầng, trung tâm đại dương lấn biển, cà phê trên ngọn cây, hệ thống siêu thị ngầm...

Đất ở phía đông đường Trần Phú được trả lại chủ yếu dành làm công viên và cây xanh, tôn tạo cảnh quan cho người dân thụ hưởng.

“Vậy nhưng đến nay có đề xuất quy hoạch mới lại chẳng khác gì mấy so với quy hoạch của dự án Dewan trước đây. Đó chính là kiểu làm biến đổi giá trị cảnh quan tự nhiên của bãi biển danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang mà bao người ngưỡng mộ là điều không nên làm” - lãnh đạo Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa 
khuyến nghị.

Đề xuất 3 khu lấn biển

Ai đề xuất 'lấn biển' Nha Trang trở lại?
Sơ đồ trung tâm đường Trần Phú, Nha Trang: Phối cảnh khu lấn biển ở khu vực công viên Phù Đổng - Ana Mandara, Khu quảng trường 2-4 lấn ra hướng biển, Phối cảnh khu lấn biển ở đầu cầu Trần Phú - Nguồn: Trích đồ án điều chỉnh quy hoạch, Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia - Ảnh: Nhật Nam

Khu đầu cầu Trần Phú: Hình thành cụm công trình điểm nhấn, lấn thêm ra biển, làm cầu cảng ở khu vực này, hình thức cầu cảng nên thẳng để dẫn nước bẩn ra xa bãi biển.

Khu vực phía biển nên là biểu tượng của Nha Trang thế kỷ tới. Khu vực lấn biển có các khối nhà nhỏ để tạo độ thoáng về phía biển, điểm nhấn chính là tòa tháp cuối cùng, có tác dụng như một hải đăng.

Khu vực quảng trường trung tâm: Làm đường một chiều mới sát mép quảng trường với bãi cát, cốt đường thấp hơn mặt quảng trường để tránh chắn tầm nhìn. Làm quảng trường nước ở khu vực này, kết hợp chiếu sáng laser cho ban đêm.

Thay đổi điểm nhấn tháp Trầm Hương, kết hợp điểm nhấn về cảnh quan với công năng làm một quán cà phê lớn, kết hợp trung tâm thông tin dịch vụ liên thông với khu bốn mùa làm vườn bia ngoài trời phục vụ đám đông.

* Khu Phù Đổng - Ana Mandara: Thay đổi công năng thành một tổ hợp chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp hiện đại và cao cấp.

Phát triển hẳn một tổ hợp trung tâm đô thị mới, có tầng hầm để xe và hạ tầng, phía trên bao gồm: hệ thống công nghệ chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, thẩm mỹ viện với các loại dịch vụ, nghiên cứu, phòng mạch, bệnh viện, phòng họp, hội thảo kiêm hệ thống thương mại cao cấp, tập trung vào các sản phẩm mỹ phẩm, thời trang quốc tế.

(Trích đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu phía đông đường Trần Phú, do cán bộ Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia thuyết trình theo ý tưởng của chuyên gia Thụy Sĩ tại cuộc họp ngày 13-4)

Tác giả bài viết: NHÓM PV

Nguồn tin: TTO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây