104 tỉ đồng kỷ niệm "Danh xưng Thanh Hóa": Có trình tỉnh cũng không đồng ý!

Thứ sáu - 29/06/2018 21:28
Chủ trương của tỉnh Thanh Hóa tổ chức kỷ niệm nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và quảng bá du lịch Thanh Hóa trên tinh thần tiết kiệm, xã hội hóa
104 tỉ đồng kỷ niệm "Danh xưng Thanh Hóa": Có trình tỉnh cũng không đồng ý!

Liên quan đến các hoạt động cho lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa được khái toán lên tới 104 tỉ đồng khiến dự luận cả nước xôn xao, ngày 29-6, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Trên cơ sở là cơ quan tham mưu nên Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa xây dựng kế hoạch, tổng hợp các nguồn chi từ các ngành, cơ sở lên để trình Sở Tài chính thẩm định báo cáo tỉnh. Hiện kế hoạch khung trình lên tỉnh còn chưa phê duyệt".

104 tỉ đồng kỷ niệm Danh xưng Thanh Hóa: Có trình tỉnh cũng không đồng ý! - Ảnh 1.

Thanh Hóa cần "liệu cơm gắp mắm" trong tổ chức lễ hội. Trong ảnh: Thanh Hóa tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2015 Ảnh: TUẤN MINH

Cũng theo ông Quyền, chủ trương tổ chức lễ kỷ niệm là đúng và thiết thực, còn chi phí và quy mô đến bây giờ tỉnh vẫn chưa quyết. "Tinh thần của tỉnh là lễ kỷ niệm phải thiết thực, ý nghĩa và tiết kiệm. Kinh phí chủ yếu là xã hội hóa chứ không phải lấy tiền ngân sách nhiều như vậy đâu, nếu khái toán đó mà trình sang ủy ban cũng không đồng ý. Sau khi trình thì còn phải thẩm định kỹ rồi thông qua hội đồng nữa chứ không phải thích tiêu bao nhiêu thì tiêu" - ông Quyền khẳng định.

Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết việc tổ chức lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa là hoạt động thuộc thẩm quyền của địa phương nhưng thuộc lĩnh vực quản lý của bộ nên bộ đã có trao đổi nhanh với đại diện chính quyền địa phương. "Theo ý kiến của đại diện chính quyền địa phương, hiện nay chưa có quyết định cụ thể về kinh phí tổ chức. Thực tế cho thấy để đưa đến quyết định cuối cùng về các nội dung như trên, các địa phương, cơ quan phải có sự trao đổi, bàn bạc, thống nhất trong tập thể lãnh đạo và đặc biệt là cần tạo được sự đồng thuận của người dân" - ông Bình nói.

Ông Bình cũng cho rằng các địa phương phải thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, nhà nước về tổ chức lễ kỷ niệm, trong đó có Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20-2-2017 về chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm. Ngoài ra phải căn cứ tình hình thực tế của địa phương để xác định quy mô và nội dung phù hợp để lễ kỷ niệm thực sự là hoạt động có ý nghĩa giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào và là động lực phát triển kinh tế - xã hội. 

Nên để tiền xây cầu, làm trường

TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, cho biết ông giật mình khi nghe tin Thanh Hóa đề xuất hơn 100 tỉ đồng để làm lễ kỷ niệm Danh xưng Thanh Hóa. Theo ông Vịnh, Thanh Hóa vẫn còn rất nhiều trường học xuống cấp, những đứa trẻ ăn cơm chan nước lã, vì thế cần "liệu cơm gắp mắm". "Tôi thấy hợp lý hơn nếu lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tổ chức một lễ kỷ niệm trang trọng nhưng ấm cúng, số tiền còn lại, họ nên đề xuất xây trường, làm cầu cho người dân bớt khó khăn" - ông Vịnh đề nghị.

Tác giả bài viết: Thanh Tuấn - Yến Anh

Nguồn tin: nld.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây