TƯ VẤN LUẬT MIỄN PHÍ

https://tuvanluatmienphi.net.vn


Chỉ còn 3 trường hợp viên chức có biên chế suốt đời

(TVLMP) - Kể từ ngày 01/7/2020, nhiều thay đổi lớn liên quan đến tiền lương, việc làm của cán bộ, công chức, viên chức.
Hội nghị công chức viên chức hàng năm

 

Cán bộ, viên chức, công chức

Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Hai quy định về cán bộ, viên chức không có sự thay đổi, nhưng công chức thì có thay đổi.

Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Đối tượng là người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập từ thời điểm 1/7/2020 không còn được xác định là công chức.

Không còn công chức là lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập nói chung

Theo Luật Cán bộ, công chức 2008, người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập được xem là công chức. Tuy nhiên, theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 (có hiệu lực từ 01/7/2020) thì khái niệm công chức không còn đối tượng công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội.

Tốt nghiệp đại học loại xuất sắc có thể được xét tuyển vào công chức: Theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019, việc tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức đối với từng nhóm đối tượng sau đây: Cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; – Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học; Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức 2008, chỉ người có đủ điều kiện cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì mới được tuyển dụng thông qua xét tuyển.

Sẽ có thêm ngạch công chức mới do Chính phủ quy định, bổ sung thêm 01 loại ngạch công chức, ngạch này do Chính phủ quy định bên cạnh các ngạch Chuyên viên chính và tương đương, Chuyên viên và tương đương, Cán sự và tương đương, Nhân viên.

Luật quy định 2 hình thức là thi tuyển, xét tuyển, Thông tư 03/2019/TT-BNV quy định về tiếp nhận đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức. Nhưng từ 1/7/2020, Luật quy định hình thức tiếp nhận không thông qua thi tuyển, xét tuyển, cụ thể đối với: Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập; Cán bộ, công chức cấp xã; Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức; Tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với 1 số chức vụ được quy định chi tiết tại Điều 37 Luật Cán bộ, công chức 2008 (Đã được sửa đổi, bổ sung). Người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.

Thay đổi đối với viên chức

Chỉ còn 3 trường hợp viên chức có biên chế suốt đời: Từ 1/7/2020, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn chỉ còn được áp dụng với 03 trường. Đó là viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020; Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Toàn bộ đội ngũ đã tuyển dụng trước ngày 1/7/2020 vẫn thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Luật cũng có một điều khoản chuyển tiếp, đó là những người đã được tuyển dụng và đang thực hiện hợp đồng xác định thời hạn nhưng hợp đồng đó vắt qua thời điểm 1/7/2020 thì vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng đó cho đến khi kết thúc. Sau đó nếu được đánh giá đủ tiêu chuẩn thì sẽ được ký hợp đồng không xác định thời hạn.

Về ba trường hợp này, có ý kiến bình luận cho rằng với 3 nhóm đối tượng viên chức hưởng chế độ hợp đồng không thời hạn là tạo ra sự khác biệt căn bản với nhóm viên chức hưởng chế độ hợp đồng có thời hạn. Nói cách khác, với quy định mới, vẫn có rất nhiều viên chức “biên chế” suốt đời. Đây là điểm bất ổn của quy định mới.

Nên nghiên cứu xử lý vấn đề theo cách tất cả viên chức bao gồm vào từ trước đây lẫn mới vào đều ký hợp đồng có thời hạn, tức là không nên có sự ưu ái, ngoại lệ cho những viên chức được tuyển trước ngày 1/7. Hoặc là theo cách thức như vừa rồi tăng tuổi nghỉ hưu thì có lộ trình, chẳng hạn trong vòng 15 năm thì hoàn thành. Và điều này cũng áp dụng cho cán bộ, công chức nay chuyển sang làm viên chức, họ cũng phải theo cái chung.

Riêng viên chức làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có thể xem xét ký loại hợp đồng 10 năm nhằm tạo sự an tâm và động viên, chứ không nên duy trì hình thức hợp đồng không thời hạn như theo quy định mới. Trước đây, theo quy định của Luật Viên chức 2010 thì sau khi viên chức đã thực hiện xong hợp đồng xác định thời hạn và tiếp tục ký hợp đồng sẽ được ký hợp đồng không xác định thời hạn (thường gọi là biên chế suốt đời).

Luật mới cũng quy định kéo dài thời hạn tối đa của hợp đồng làm việc xác định thời hạn với viên chức lên 60 tháng: Theo quy định tại Luật Viên chức 2010 thì Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Nhưng kể từ ngày 01/7/2020 thì hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.                          

CS3


Nới lỏng điều kiện xem xét viên chức nghỉ hưu: Về việc xem xét nghỉ hưu của viên chức, Luật viên chức 2010 quy định sẽ không giải quyết nghỉ hưu cho viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì từ 01/7/2020, Luật mới đã loại bỏ nội dung “không giải quyết nghỉ hưu” ra khỏi điều luật.

Khi viên chức bị khiển trách hoặc cảnh cáo vẫn có thể được bổ nhiệm lại nhưng không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng. Trong khi, hiện nay đang quy định “không bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng.

Như vậy, khi đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, viên chức vẫn được xem xét giải quyết nghỉ hưu và trong thời hạn 12 tháng vẫn có thể được bổ nhiệm lại hoặc bố trí chức vụ thấp hơn.

Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức ở nơi làm việc

Đây là một trong những điểm mới của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019. Theo đó, kết quả xếp loại chất lượng cán bộ được lưu vào hồ sơ cán bộ, thông báo đến cán bộ được đánh giá và công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ công tác.

Trong khi theo quy định hiện hành, kết quả chỉ được lưu vào hồ sơ và thông báo đến cán bộ, công chức được đánh giá.

Việc đánh giá viên chức thông qua công việc, sản phẩm cụ thể. Điều 41 Luật Viên chức nêu rõ, việc đánh giá viên chức chỉ được xem xét ở kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết; thái độ phục vụ nhân dân… Từ 01/7/2020, một trong những nội dung đánh giá công chức đó là đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể.

Như vậy, đối với những người không hoàn thành nhiệm vụ, không đủ năng lực, phẩm chất… mà lâu nay vẫn gọi là “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, Luật Cán bộ công chức năm 2008 và Luật Viên chức 2010 đã có cơ chế để đào thải. Xét về mức độ hoàn thành công việc, cứ 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị cho thôi việc. Tuy nhiên, thực hiện còn nhiều vấn đề chưa hiệu quả. Do vậy, một trong những nội dung của bộ luật sửa đổi lần này là giải quyết cho được các yêu cầu của thực tiễn, đưa các nguyên tắc đánh giá bằng định lượng, bằng sản phẩm, kết quả công việc cụ thể. Luật chỉ đưa ra nguyên tắc còn quan trọng là khi hướng dẫn triển khai, Chính phủ, các Bộ quản lý chuyên ngành cũng như các cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng công chức, viên chức đưa ra bộ tiêu chí đánh giá phù hợp với cơ quan, tổ chức mình. Nhưng quan trọng nhất trong của đánh giá cán bộ vẫn là sự công tâm, khách quan của người lãnh đạo quản lý.

 

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/van-de-thoi-su-thoi-su/chi-con-3-truong-hop-vien-chuc-co-bien-che-suot-doi

Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh giới thiệu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây