Từ tháng 10.2018: Nhiều chính sách mới liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp và người lao động

Chủ nhật - 30/09/2018 21:01
(LĐ) - Từ 1.10.2018, hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội có hiệu lực. Trong đó có những chính sách tác động trực tiếp tới doanh nghiệp và người lao động như cấm cán bộ, công chức dùng xe công đi lễ hội; Bổ sung trường hợp tinh giản biên chế; Thay đổi thủ tục đăng ký doanh nghiệp…
Từ tháng 10.2018: Nhiều chính sách mới liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp và người lao động
Xuất khẩu gạo sẽ được cởi trói. Ảnh: PV

Nhiều thay đổi về thủ tục đăng ký doanh nghiệp từ 10.10

Ngày 10.10.2018 là thời điểm Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp sẽ chính thức có hiệu lực.

Từ thời điểm này, sẽ có một số thay đổi:

- Bổ sung quy định: Doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp và trong nghị quyết, quyết định, biên bản họp của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

- Bổ sung quy định: Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

- Bổ sung quy định về đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Theo đó, hồ sơ gồm bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế và các giấy tờ khác tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp.

- Bỏ quy định: Doanh nghiệp chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh.

Đơn giản hóa điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ có hiệu lực từ ngày 1.10.2018.

Theo Nghị định này, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó, thay vì 10% như trước đây.

Ngoài ra, thương nhân nêu trên cần đáp ứng một số điều kiện khác như: Có ít nhất 1 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo; Có ít nhất 1 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo;

Kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân thuê, có hợp đồng thuê tối thiểu 5 năm.

Được dùng Nhân dân tệ để thanh toán ở biên giới Việt - Trung

Việc quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn tại Thông tư 19/2018/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 12.10.2018.

Theo Thông tư này, đồng tiền thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc của thương nhân là ngoại tệ tự do chuyển đổi, đồng Việt Nam (VND) hoặc Nhân dân tệ (CNY).

Phương thức thanh toán bao gồm thanh toán qua ngân hàng, bằng VND hoặc CNY tiền mặt.

Thương nhân Việt Nam được thu VND tiền mặt hoặc CNY tiền mặt từ việc xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới và nộp vào tài khoản thanh toán mở tại chi nhánh ngân hàng biên giới.

Hướng dẫn mới về tính giá điện cho người thuê nhà là sinh viên, người lao động

Theo Thông tư 25/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương, từ ngày 26.10.2018, cách tính giá điện cho sinh viên và người lao động thuê nhà (không phải một gia đình) như sau:

- Nếu thuê nhà có hợp đồng thuê từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện người thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà);

- Nếu thuê nhà có hợp đồng thuê dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 3: Từ 101 - 200kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.

Nếu kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì chủ nhà được cấp định mức sử dụng điện theo nguyên tắc cứ 4 người được tính là 1 hộ sử dụng điện.

Mua thuốc cho con không còn phải khai số CMND

Đây là nội dung nổi bật nhất tại Thông tư 18/2018/TT-BYT sửa đổi Thông tư 52/2017/TT-BYT về đơn thuốc và kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú.

Cụ thể, trước đây, Thông tư 52/2017/TT-BYT yêu cầu khi kê đơn thuốc cho trẻ dưới 72 tháng tuổi phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số CMND hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.

Nay, Thông tư mới đã bỏ quy định trên đơn thuốc phải ghi số CMND hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ mà chỉ yêu cầu ghi số tháng tuổi, cân nặng, tên bố hoặc mẹ hoặc người đưa trẻ đến khám, chữa bệnh.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15.10.2018.

Dùng tay trần bán thức ăn: Phạt đến 1 triệu đồng

Từ ngày 20.10.2018, các quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm sẽ được áp dụng theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Trong đó, Nghị định quy định:

- Phạt 500.000 đồng - 1 triệu đồng với người bán thức ăn đường phố không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, ăn ngay (trước đây chỉ phạt từ 300.000 đồng - 500.000 đồng)…

- Phạt 1 - 3 triệu đồng đối với cửa hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay…

- Phạt 5 - 10 triệu đồng với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20.10.2018.

Giáo sư phải có ít nhất 3 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế

Từ ngày 15.10.2018, Quyết định 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, các tiêu chuẩn đối với chức danh giáo sư, phó giáo sư cũng được quy định theo hướng chặt chẽ, khắt khe hơn.

Cụ thể, để công nhận là giáo sư, ứng viên phải đáp ứng một số tiêu chí như:

- Đã được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư từ đủ 3 năm trở lên;

- Là tác giả chính đã công bố được ít nhất 3 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín; Từ năm 2020, ứng viên chức danh giáo sư phải có ít nhất 5 bài báo khoa học;

- Chủ trì biên soạn giáo trình đại học phù hợp với chuyên ngành xét công nhận chức danh giáo sư;

- Chủ trì thực hiện ít nhất 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ hoặc 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã nghiệm thu kết quả từ đạt yêu cầu trở lên;

- Hướng dẫn chính ít nhất 2 nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ theo quy định…

Bổ sung trường hợp tinh giản biên chế

Thông tin quan trọng này được thể hiện tại Nghị định 113/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế.

Nghị định này bổ sung thêm một số trường hợp bị tinh giản biên chế gồm:

- Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

- Những người đã là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại các hội được giao biên chế và ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương…

Đáng chú ý, Nghị định cũng quy định: Khi thực hiện tinh giản biên chế không đúng đối tượng, người đã hưởng chính sách tinh giản biên chế phải hoàn trả số tiền đã thực nhận. Nếu người đó đã mất thì số kinh phí này sẽ do cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp người đó sử dụng kinh phí thường xuyên để thanh toán, ngân sách Nhà nước không bổ sung kinh phí.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15.10.2018.

Cấm cán bộ, công chức dùng xe công đi lễ hội

Quy định này đã được đưa vào Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 15.10.2018.

Cụ thể, Chính phủ quán triệt cán bộ, công chức, viên chức không được đi lễ hội trong giờ hành chính; không dùng xe công và các phương tiện công để tham gia lễ hội.

Với người dân nói chung, khi tham gia lễ hội phải mặc trang phục, phù hợp với thuần phong mỹ tục, không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh gây ảnh hướng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội.

Ngoài ra, việc thắp hương, đốt vàng mã phải đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường…

Nhiều hỗ trợ cho hộ gia đình sản xuất sản phẩm hữu cơ

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là không sử dụng phân bón, chất diệt cỏ và thuốc trừ sâu hóa học… Hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại sản xuất sản phẩm nông nghiệp này sẽ được hưởng nhiều hỗ trợ - theo Nghị định 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, các đối tượng nêu trên sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ; 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ; Hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ; Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15.10.2018.

Không có tài sản đảm bảo, nông dân vẫn được vay đến 200 triệu

Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ có hiệu lực từ ngày 25.10.2018.

Điểm đáng chú ý của Nghị định này là tăng mức cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể như sau:

- Cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn được vay ngân hàng không cần có tài sản đảm bảo tối đa 200 triệu đồng (trước đây là 100 triệu đồng);

- Cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh về nông nghiệp được vay ngân hàng không cần có tài sản đảm bảo tối đa 100 triệu đồng (trước đây là 50 triệu đồng)…

L.M (T/H)

Tác giả bài viết: L.M (T/H)

Nguồn tin: laodong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây