(TN) - Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính khẳng định, T.Ư yêu cầu thống nhất cao ý chí và hành động nêu cao trách nhiệm nêu gương để phòng chống tham nhũng có hiệu quả.
Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị ẢNH: GIA HÂN
59 cán bộ diện T.Ư quản lý bị kỷ luật
Phát biểu khai mạc hội nghị sáng 23.11, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho biết, Hội nghị T.Ư 8 diễn ra vào giữa nhiệm kỳ khóa XII, là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII và khởi đầu cho việc chuẩn bị Đại hội XIII. Hội nghị T.Ư 8 đã thông qua Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH T.Ư; Nghị quyết về phát triển bền vững kinh tế biển; kết luận về kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác. "Các nghị quyết, quy định, kết luận lần này là những vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và chuẩn bị cho việc tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII", ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.
Sáng 23.11, giới thiệu về Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành (BCH) T.Ư tại Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết T.Ư 8, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc ban hành trách nhiệm nêu gương trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết, đây cũng là mong muốn chính đáng của người dân. Theo ông Chính, trong quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, những năm gần đây Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, quy định về nêu gương, quá trình thực hiện bước đầu cũng đã có những chuyển biến tích cực, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ngăn chặn suy thoái, tham nhũng, tiêu cực...
Tuy nhiên, nhận thức về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên vẫn chưa đạt được như mong muốn. Đội ngũ cán bộ còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, nhất là cấp cơ sở. Nhiều cán bộ đảng viên năng lực, phẩm chất chưa đạt yêu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi của thực tiễn. Đặc biệt, có một bộ phận cán bộ đảng viên cấp chiến lược thiếu học tập và tu dưỡng, tham nhũng, lãng phí, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của nhà nước, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Theo Trưởng ban Tổ chức T.Ư, trong 2 năm trở lại đây, ủy ban kiểm tra các cấp và các cơ quan chức năng đã kỷ luật nhiều tổ chức Đảng và hàng ngàn cán bộ đảng viên vi phạm, trong đó có cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu. Đặc biệt, đã có 59 cán bộ diện T.Ư quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 13 ủy viên T.Ư và Đảng cũng đã kỷ luật khai trừ 1 ủy viên Bộ Chính trị. Từ đó ông Chính khẳng định, quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên có ý nghĩa quan trọng, đồng thời cũng là cam kết chính trị của T.Ư với chính mình và toàn Đảng, toàn dân.
Ngăn chặn tận gốc sai phạm một cách căn cơ, bài bản
Giới thiệu nội dung của quy định, Trưởng ban Tổ chức T.Ư cho biết, quy định nêu gương có 8 điểm xây, 8 điểm chống, được phản ảnh trên các mặt tư tưởng, đạo đức, chính trị, lối sống, tác phong, tự phê bình, phê bình... và chỉ ngắn gọn trong 4 điều. Nhấn mạnh điều 2 của quy định nêu gương về 8 điểm xây mà các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên BCH T.Ư phải gương mẫu đi đầu thực hiện, Trưởng ban Tổ chức T.Ư lưu ý, một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trong đó có một số lãnh đạo cấp cao do thiếu tu dưỡng, rèn luyện đã suy thoái về tư tưởng, chính trị, phai nhạt lý tưởng, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Thậm chí, có người phản bội lại lý tưởng của Đảng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Chính vì vậy, những yêu cầu nêu gương về tư tưởng chính trị, lý tưởng cách mạng của ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư BCH T.Ư phải được đề cao ngang tầm với vai trò, vị trí và trách nhiệm chính trị của từng người.
Phân tích điều 3 của quy định nêu gương về 8 điểm chống, Trưởng ban Tổ chức T.Ư cho rằng, lãnh đạo cấp cao phải nghiêm khắc với bản thân; kiên quyết chống các biểu hiện suy thoái đạo đức, các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; kiểm soát đối với gia đình, người thân; chống tham nhũng, lãng phí, chống lạm dụng quyền lực, lợi dụng chức vụ quyền hạn, chống “chạy chức”, “chạy quyền”. Ông Chính lưu ý tình trạng "chạy" hoặc tiếp tay cho "chạy chức", "chạy quyền", chạy phiếu bầu, tín nhiệm, can thiệp không đúng thẩm quyền, trái quy định vào công tác cán bộ, đề bạt, bổ nhiệm bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhất là đối với người nhà, người thân không đủ điều kiện. “Lãnh đạo cấp cao vừa phải gương mẫu thực hiện nhưng vừa gương mẫu để chống”, ông Chính nhấn mạnh.
Trưởng ban Tổ chức T.Ư cho biết, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, giải pháp, hành động quyết liệt trong phòng chống tham nhũng, lãng phí và đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn phức tạp, tập trung vào cán bộ có chức, có quyền. Ông Chính khẳng định, T.Ư yêu cầu thống nhất cao ý chí và hành động nêu cao trách nhiệm nêu gương để phòng chống tham nhũng có hiệu quả, có sức lan tỏa, sớm khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, chỗ này làm, chỗ kia không làm.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng yêu cầu cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về cách làm mới, kinh nghiệm hay, mô hình tốt trong thực hiện các nghị quyết T.Ư. Các cơ quan báo chí của T.Ư, địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền thực hiện nghị quyết; tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các cấp ủy tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức học tập và thực hiện nghị quyết một cách thường xuyên. Cấp ủy, người đứng đầu các địa phương, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết, biểu dương, khen thưởng những đơn vị làm tốt, nhắc nhở, phê bình, xử lý theo quy định của Đảng đối với các đơn vị, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả.