Không có thẻ BHYT, viện phí có thể tăng gấp 4 lần

Thứ sáu - 21/04/2017 23:31
(PL News) - Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở KCB của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp.
Không có thẻ BHYT, viện phí có thể tăng gấp 4 lần

 

Tăng tiền khám bệnh và giường

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở KCB của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp.

Không có thẻ BHYT, viện phí có thể tăng gấp 4 lần© Infonet Không có thẻ BHYT, viện phí có thể tăng gấp 4 lần


Theo đó, thông tư quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở KCB của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp.

Mức giá hơn 1.900 dịch vụ y tế, bao gồm: Mức giá tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh kiểm tra sức khoẻ; dịch vụ ngày giường điều trị; dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm… được áp dụng tại cơ sở khám chữa bệnh nhà nước, người bệnh chưa tham gia BHYT, người bệnh có thẻ BHYT nhưng đi khám bệnh, chữa bệnh hoặc sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT.

Ông Lê Văn Phúc - Phó trưởng Ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, mức giá tối đa được quy định tại thông tư này cũng tương đương với giá đã ban hành cho nhóm bệnh nhân có BHYT theo các hạng bệnh viện. Việc tăng giá lần này chủ yếu tập trung vào tăng giá khám bệnh và giá giường nằm.

Cụ thể, tiền khám bệnh đã tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở bệnh viện hạng 1 và hạng 2. Theo quy định mới, tiền khám tối đa (bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương) ở BV hạng đặc biệt và BV hạng 1 là 39.000 đồng/lượt; hạng 2 là 35.000 đồng/lượt; hạng 3 là 31.000 đồng/lượt và BV hạng 4/PKĐK khu vực, trạm y tế xã là 29.000 đồng/lượt.

Giá tối đa dịch vụ ngày điều trị hồi sức tích cực tại BV hạng đặc biệt là 677.100 đồng; BV hạng 1 là 632.200 đồng; BV hạng 2 là 568.900 đồng. Đối với ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu, chống độc, các mức tương ứng là: 362.800 đồng/ngày, 335.900 đồng/ngày, 279.100 đồng/ngày; tại BV hạng 3 là 245.700 đồng/ngày và BV hạng 4 là 226.000 đồng/ngày...

Giá ngày giường điều trị chỉ được tính cho 1 người/giường điều trị; trường hợp nằm ghép 2 người/giường thì chỉ được thu tối đa 50%. Trường hợp nằm ghép từ 3 người trở lên, thì chỉ được thu tối đa 30%. Trường hợp người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp thì tạm thời áp dụng mức giá 50% theo từng loại chuyên khoa đã được quy định tại Thông tư…

Ngoài ra một số thủ thuật, phẫu thuật cũng được điều chỉnh tăng giá khoảng 20- 30% so với mức giá hiện hành và tương đương giữa nhóm có BHYT và không có BHYT. Trong đó, có những dịch vụ có chi phí rất cao. Ví dụ với chụp PET/CT chi phí tối đa lên tới hơn 20 triệu đồng; chi phí PET/CT mô phỏng xạ trị gần 21 triệu đồng.

Không có BHYT sẽ rất tốn kém

Theo ông Lê Văn Phúc, trước khi Bộ Y tế ban hành Thông tư 02/2017/TT-BYT, còn khoảng 20% người chưa có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh vẫn được thanh toán theo Thông tư 04/2012/TTLT-BYT-BTC của lên Bộ Tài chính – Y tế.

So với giá dịch vụ y tế cũ chỉ cấu thành trên 3 yếu tố nên người dân khi bị bệnh sẵn sàng chi trả theo giá dịch vụ mà không cần tham gia BHYT nhưng lần áp giá trần này chi phí tăng rất lớn.

Ông Lê Văn Phúc đưa ra ví dụ, khi người dân đi khám bệnh ở phòng khám đa khoa, giá là 29.000 còn giá cũ là 7.000. Khi người dân đi khám mà có BHYT sẽ được BHYT thanh toán 80%, còn người dân đồng chi trả hơn 4.000. Nếu theo giá cũ người dân cũng chỉ phải thanh toán 7.000 nên nhiều người suy nghĩ không cần tham gia BHYT.

Nếu người dân không may bị bệnh, nhất là bệnh nặng, nhiều dịch vụ y tế, nhất là với những dịch vụ kỹ thuật cao thì chi phí sẽ rất lớn.

Theo quy định tại mức giá mới này, những bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo như điều trị ung thư hay thực hiện các kỹ thuật cao trong điều trị mà không có BHYT thì chi phí rất lớn. Ví dụ như điều trị ung thư tiền liệt tuyến bằng hạt phóng xạ I-125 có chi phí tối đa là 15.090.000 đồng, chụp PET/CT có giá hơn 20 triệu đồng, chi phí xạ phẫu bằng Cyber Knife là hơn 20 triệu đồng, xạ phẫu bằng Gamma Knife là hơn 28 triệu đồng, xạ trị bằng X Knife là hơn 28 triệu đồng….

Thông tư cũng quy định rõ mức giá của phẫu thuật nội soi robot dành cho các bệnh nhân không có BHYT.

Cụ thể, phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý về gan mật: hơn 84 triệu đồng; phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý lồng ngực: hơn 90 triệu đồng; phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý tiết niệu: gần 80 triệu đồng; phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý tiêu hóa, ổ bụng: hơn 96 triệu đồng.

Còn với chi phí giường bệnh, việc nằm hồi sức tích cực cũng là gánh nặng nếu bệnh nhân không có BHYT. Chỉ cần nằm điều trị khoảng mười ngày, chi phí đã lên khoảng gần 10 triệu đồng. Còn khi có thẻ BHYT, người bệnh được thanh toán theo mức mà BHYT quy định.

Theo ông Lê Văn Phúc, việc điều chỉnh giá cho nhóm đối tượng này sẽ tạo công bằng hơn trong việc thực hiện chính sách chung để tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT trong chi trả chi phí cho bệnh viện.

Ông Lê Văn Phúc nhấn mạnh, cùng với các giải pháp khác như tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, hỗ trợ cho người dân mua thẻ BHYT, nâng cao chất lượng KCB,… thì việc tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư 02/2017/TT-BYT sẽ góp phần thúc đẩy người dân tham gia BHYT, tiến tới thực hiện BHYT toàn dân.

Nguồn tin: Theo Infonet:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây