Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng thường xuyên chủ trì các cuộc họp báo định kỳ của Chính phủ - Ảnh : VIỆT DŨNG |
Đó là Nghị định 09/2017/NĐ-CP quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.
Phải cung cấp thông tin định kỳ
Nghị định nêu rõ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí theo định kỳ mỗi tháng một lần về hoạt động và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức họp báo, cung cấp thông cáo báo chí và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.
Cổng thông tin điện tử của Chính phủ có trách nhiệm cập nhật thông tin theo các quy định hiện hành để cung cấp kịp thời, chính xác thông tin chính thống cho các cơ quan báo chí trong cả nước.
Ít nhất 3 tháng một lần tổ chức họp báo để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí. Trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí bằng văn bản hoặc thông tin trực tiếp tại các cuộc giao ban báo chí hàng tuần do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo VN tổ chức; cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho Cổng thông tin điện tử của Chính phủ theo quy định hiện hành...
Cử người phát ngôn cung cấp thông tin tại họp báo của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh khi có yêu cầu; cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh theo quy định hiện hành; trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí bằng văn bản...
Ai có quyền phát ngôn?
Nghị định của Chính phủ nêu rõ người phát ngôn là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nêu trên hoặc người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (người phát ngôn).
Người có trách nhiệm thuộc cơ quan hành chính nhà nước được người đứng đầu ủy quyền thực hiện phát ngôn (người được uỷ quyền phát ngôn) hoặc giao nhiệm vụ phối hợp cùng người phát ngôn thực hiện phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao...
Trường hợp người đứng đầu cơ quan hành chính không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó là người được giao phụ trách cơ quan thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trực tiếp phát ngôn hoặc ủy quyền cho cấp phó thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí...
Sáu hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin
Theo Nghị định, có sáu hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, bao gồm :
1- Tổ chức họp báo;
2- Đăng tải nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc trang mạng xã hội chính thức của cơ quan hành chính nhà nước;
3- Phát ngôn trực tiếp hoặc trả lời phỏng vấn của nhà báo, phóng viên;
4- Gửi thông cáo báo chí, nội dung trả lời cho cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên bằng văn bản hoặc qua thư điện tử;
5- Cung cấp thông tin qua trao đổi trực tiếp hoặc tại các cuộc giao ban báo chí do trung ương, địa phương tổ chức khi được yêu cầu;
6- Ban hành văn bản đề nghị cơ quan báo chí đăng, phát phản hồi, cải chính, xin lỗi nội dung thông tin trên báo chí.
Nguồn tin: Theo TTO:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn