Bộ Công Thương sẽ cắt tiếp những điều kiện kinh doanh “trói” doanh nghiệp

Thứ tư - 18/10/2017 05:19
Bàn về nghi ngại của giới doanh nghiệp khi Bộ Công thương cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) nhưng có thể sẽ có các hình thức khác, thêm những rào cản đối với doanh nghiệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) cho rằng, cần phân biệt rõ điều kiện kinh doanh với các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Bộ sẽ tiếp tục rà soát để cắt bỏ những điều kiện không cần thiết.
Bộ Công Thương sẽ cắt tiếp những điều kiện kinh doanh “trói” doanh nghiệp

 

Tấn công “bức tường” điều kiện kinh doanh

Cởi trói xuất khẩu gạo, chưa xóa hết nhóm lợi ích

Kinh doanh xăng kém chất lượng, một doanh nghiệp bị phạt gần 300 triệu đồng


Bộ Công Thương sẽ cắt tiếp những điều kiện kinh doanh “trói” doanh nghiệp - ảnh 1
'Giấy phép con' được cho là vẫn bủa vây doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh minh họa

Theo kết quả rà soát các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM), hiện có 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (KDCĐK). Tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng với 243 ngành nghề là khoảng 4.284 yêu cầu, điều kiện.
Các điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định ở 237 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm từ Luật (66), Pháp lệnh (3), Nghị định (162), Hiệp định (6). Trong đó, Bộ Công thương có số điều kiện lớn nhất (1.152), Bộ Tư pháp có ít điều kiện nhất (64).

Các quy định về ĐKKD đang gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế như tạo rào cản bất hợp lý đối với các doanh nghiệp (DN) trong việc đầu tư, gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng DN đăng ký mới. Nhiều nhà đầu tư tiềm năng đã phải từ bỏ ý định kinh doanh sau khi tìm hiểu quy định pháp luật về ĐKKD. ĐKKD chính là rào cản làm giảm năng suất, giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của DN và nền kinh tế.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, mới đây một số bộ ngành đã có sự chuyển biến đáng khích lệ. Điển hình là Bộ trưởng Bộ Công thương đã cắt giảm 675 ĐKKD trong tổng số hơn 1.000 điều kiện đầu tư kinh doanh mà Bộ đang quản lý. Bộ Xây dựng đã chủ động rà soát, đề xuất bãi bỏ 5 ngành, nghề không thuộc Danh mục ngành, nghề KDCĐK và đang tiếp tục nghiên cứu, bãi bỏ hoặc thay thế bằng hình thức quản lý khác.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, bãi bỏ ĐKKD là thay đổi tư duy quản lý nhà nước, bãi bỏ tư duy quản lý trực tiếp can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh, để thúc đẩy kinh cạnh tranh, thúc đẩy sự sáng tạo. Đó là thông điệp chính của cuộc cải cách lần này.

"Việc Bộ Công Thương bãi bỏ 675 ĐKKD quyết định của một kết quả rà soát, đã được công bố một cách công khai. Tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Bộ này" - ông Hiếu chia sẻ.

Có nhiều ý kiến nghi ngại liệu sau khi cắt giảm 675 ĐKKD, Bộ Công thương có “đẻ” thêm các hình thức, thủ tục khác để áp đặt cho các DN thực hiện, lại tạo ra nhiều rào cản mới không? Về vấn đề này, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công thương, cho rằng, cần phân biệt rõ ĐKKD với các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo hệ thống quy phạm pháp luật khác nhau.

Theo ông Tân, qua phản ánh của một số cơ quan báo chí về một số lỗi trùng lặp trong các điều kiện đầu tư, kinh doanh được đề xuất cắt giảm theo Phụ lục Quyết định 3610a/QĐ-BCT (liên quan đến lĩnh vực kinh doanh thực phẩm), Bộ Công Thương đã rà soát và phát hiện có 18 ĐKKD cụ thể liên quan thuộc Phụ lục.

Kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương có sự trùng lặp. Theo đó, điều kiện kinh doanh đã bị gạch bỏ vẫn tồn tại ở các dòng ngay trước hoặc sau dòng đã gạch bỏ. Bộ Công Thương khẳng định các điều kiện này đã được đề xuất bãi bỏ và sẽ được bãi bỏ tại văn bản quy phạm pháp luật đang được triển khai xây dựng.

Do đó, theo ông Tân, Bộ Công thương cũng đang rà soát để sắp xếp lại, trả lại cho đúng bản chất ĐKKD và tiêu chuẩn, quy chuẩn, không có chuyện cắt bỏ rồi lại “đẻ” thêm các thủ tục, quy định khác.

Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết thêm: Với lĩnh vực Y tế, mục tiêu đầu tiên sửa đổi Nghị định 38 là tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp. Hiện Bộ Y tế đã và đang cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương trình Chính phủ sửa đổi để tạo thông thoáng cho doanh nghiệp. Chính phủ đã đồng ý cho doanh nghiệp những sản phẩm nhập khẩu không phải công bố, kiểm tra nhà nước và ghi nhãn tiếng Việt. Từ tháng 11/2016 đã bắt đầu thực hiện việc này.

Hiện nay, doanh nghiệp có nhiều ý kiến về công bố sản phẩm, còn nhiều ý kiến trái chiều nhau. Tuy nhiên, một số nhóm sản phẩm cần kiểm soát chặt, doanh nghiệp vẫn phải công bố và chịu sự quản lý của Nhà nước và cơ quan quản lý Nhà nước xác nhận sự công bố đó. Những sản phẩm ít có nguy cơ thì doanh nghiệp được công bố và sau 7 ngày nếu cơ quan quản lý không có ý kiến thì doanh nghiệp được phép kinh doanh. 

Ông Phan Đức Hiếu  đồng ý với quan điểm loại bỏ điều kiện kinh doanh trói doanh nghiệp, chính là thay đổi phương thức quản lý nhà nước.

"Chúng ta phải hình dung hiện nay nước ta có hơn 500.000 doanh nghiệp, nhưng sắp tới có thể là 2 triệu, 3 triệu, như vậy việc kiểm soát 100, cả tiền kiểm và hậu kiểm. Các bộ, ngành buộc phải phân loại được loại doanh nghiệp, sản phẩm dịch vụ, kèm theo đó là các nguy cơ gây rủi ro thấp hay cao" - ông Hiếu phân tích.

Nguồn tin: TPO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây