Từ vụ F88 nhận diện thủ đoạn lách luật trong cho vay và thu hồi nợ kiểu “xã hội đen” của các công ty tài chính trá hình và giải pháp ngăn chặn

Thứ năm - 06/04/2023 00:04
(Phản biện) – Cho vay tiêu dùng qua kênh các tổ chức tài chính phi ngân hàng là nhu cầu tất yếu của xã hội. Tuy nhiên lợi dụng kẽ hở của pháp luật, nhiều đối tượng đã thành lập các công ty tài chính trá hình (trong vỏ bọc các doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề được pháp luật cho phép), thực chất là cho vay nặng lãi và đòi nợ kiểu “xã hội đen”, làm cho kênh cho vay này biến tướng theo hướng tiêu cực. Vụ việc Công ty F88 vừa bị Công an TP.HCM đột nhập khám xét là hồi chuông cảnh báo về sự bất cập đó.
Trong bài viết này, Luật gia Vũ Lê Minh sẽ giúp người vay nhận diện các thủ đoạn lách luật mà các công ty tài chính trá hình đang sử dụng, đồng thời đề xuất giải pháp để đưa loại hình kinh doanh này vào khuôn khổ pháp luật…
Hình minh họa
Hình minh họa
Thủ đoạn cho vay: Che đậy giao dịch thực và khoét sâu vào kẽ hở của pháp luật

1. Thành lập công ty tài chính trá hình

Để đạt được mục đích của mình hướng đến, bước đi đầu tiên là các đối tượng đăng ký thành lập các tổ chức tín dụng phi ngân hàng núp bóng dưới mô hình doanh nghiệp là các Công ty TNHH MTV hoặc Công ty Cổ phần với các tên gọi rất thân thiện để “đánh lừa” người vay, như: Công ty Tài chính Mirae Asset Việt Nam; Công ty CP Dược phẩm Galaxy USA; Công ty TNHH Mua bán nợ DSP; Công ty CP Kinh doanh F88 tại TP. Hồ Chí Minh… nhưng thực chất hoạt động chủ yếu là cho vay nặng lãi và thu hồi nợ.

Cửa ải trên các đối tượng có nhu cầu không khó để vượt qua “cửa ải” đăng ký thành lập doanh nghiệp vì sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp cho phép đăng ký ngành nghề “Cho vay tiền ngoài hệ thống ngân hàng” thuộc mã ngành 6492: Hoạt động cấp tín dụng khác. Đặc biệt là đối với “cửa ải” về quy địnhcó vốn điều lệ, vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định” (đối với Công ty tài chính vốn pháp định là 500 tỷ đồng, theo Điều 2 Nghị định 86/2019/NĐ-CP) – một trong các điều kiện để được cấp giấy phép được cho là khó nhất theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, cũng dễ dàng vượt qua, vì không có điều khoản nào tại Nghị định 86/2019/NĐ-CP quy định bắt buộc phải xác thực vốn pháp định hoặc chịu sự hậu kiểm của bất cứ tổ chức nào.

Thông tư số 18/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 43/2016/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định việc đòi nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, khi đòi nợ không được đe dọa khách hàng; nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày và chỉ được diễn ra từ 7 - 21h, không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ đến gia đình, tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ; ngoài ra phải bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên các Công ty tài chính phi ngân hàng, trong đó có Công ty F88 và chuỗi dịch vụ cầm đồ F88 trên cả nước đã không hoạt động theo giấy phép của Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng mà biến tướng thành các công ty cho vay nặng lãi và đòi nợ theo kiểu xã hội đen. Trước khi lực lượng Cảnh sát điều tra ập vào khám xét trụ sở tại TP.HCM, F88 đã bị nhiều người “tố” về việc cho vay với mức lãi suất cao và đòi nợ kiểu “khủng bố”…
 
2. Che đậy giao dịch vay mượn bằng hợp đồng giả cách

Căn cứ Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định. Như vậy bản chất của việc vay, mượn tiền chính là một giao dịch dân sự. Đây chính là cơ sở pháp lý để các công ty tài chính kiểu F88 khoét sâu vào để làm “bình phong” che chắn cho mục đích cần đạt được. Tuy nhiên để qua mắt người có nhu cầu vay vốn, các đối tượng cho vay thường có thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp, am hiểu về luật pháp. Thậm chí các đối tượng còn được trang bị rất kỹ về tính pháp lý trong trường hợp bị cơ quan tố tụng làm việc.

Đối tượng thường nhắm đến những “con mồi” đang cần gấp một số tiền nhất định, không am hiểu về pháp lý. Khi “con mồi” đã “cắn câu”, đối tượng cho vay ra điều kiện muốn vay được tiền phải đem tài sản của mình để đảm bảo khoản vay. Các tài sản thế chấp thường có giá trị lớn như QSDĐ và tài sản gắn liền với đất sau đó sẽ đến cơ quan công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng cho các đối tượng cho vay để hợp thức hoá hợp đồng. Nhưng thực ra đây chỉ là hợp đồng giả tạo. Những hợp đồng này đa số là hợp đồng chuyển nhượng “giả cách” nhằm che đậy giao dịch vay mượn tài sản. Trong các điều kiện đó có điều kiện người vay tiền vi phạm thỏa thuận về thời gian trả lãi, trả nợ gốc thì mặc định tài sản này được chuyển dịch sang tên người cho vay.

Trong khi đó người đi vay do không am hiểu pháp luật nên suy nghĩ đơn giản và không lường trước hậu quả sau này của giao dịch nên cứ vô tư đặt bút ký. Thực tế cho thấy hầu như không thể xử lý hình sự các đối tượng cho vay được, vì tất cả các hợp đồng đều qua công chứng hợp pháp. Quá trình kiện tụng kéo dài gây tốn kém cũng như mệt mỏi. Có thể đòi lại được quyền lợi nhưng cũng phải bán tài sản để trả nợ. Ngoài nguyên nhân trên, nhìn qua các vụ việc gần đây, có thể thấy còn là do thủ tục thế chấp tài sản vay qua ngân hàng phức tạp, rườm rà, mất nhiều thời gian nên người vay e dè trước việc đưa tài sản của mình thế chấp cho ngân hàng, khiến các đối tượng cho vay có cơ hội lừa đảo. Thêm vào đó là số tiền vay không lớn, nên người vay nghĩ sẽ có cách trả trong thời gian ngắn nhất…

3. Khoét sâu vào quy định thỏa thuận lãi suất

Khoản 2, Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, quy định: “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD theo quy định của pháp luật”; và tại Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định: “Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng…”. Được hiểu là các tổ chức tín dụng không bị khống chế về lãi suất cho vay như theo quy định của pháp luật về dân sự. Cụ thể tại khoản 1 Điều 468 của BLDS năm 2015 quy định: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm, còn nếu trong trường hợp không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp thì lãi suất sẽ được xác định là 10%/năm.

Như vậy, theo quy định của pháp luật về tín dụng, thì lãi suất cho vay phụ thuộc vào các bên thỏa thuận, theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Lạm dụng quy định của pháp luật, các công ty tài chính trá hình đã vô tư đẩy lãi suất thỏa thuận lên rất cao, bình quân phổ biến từ 5-7%/tháng, tương đương với 84%/năm (tức là gấp hơn 4 lần so với quy định tại khoản 1 Điều 468 của BLDS năm 2015), đẩy người vay vào tình trạng mất khả năng trả nợ. Mặc dù vậy vì vượt quá giới hạn nên một số Công ty tài chính đã bị tuýt còi. Vụ án cho vay “cắt cổ” với lãi suất đến hơn 438%/năm xảy ra tại Công ty tài chính 779 đã bị CQĐT Công an TP. Đà Lạt đã khởi tố bắt giam đối với Lê Hải Nam – Giám đốc vào tháng 10/2018 là một ví dụ điển hình.

3. Né lãi suất dân sự bằng chiêu thức “đẻ” phí

Nếu như hình thức cho vay tín dụng không bị điều chỉnh bỡi lãi suất dân sự thì trong lĩnh vực cầm cố tài sản, được điều chỉnh bỡi quy định tại khoản 6 Điều 29 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, tỷ lệ lãi suất cho vay tiền khi nhận cầm cố tài sản không vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự là 20%/năm. Công ty F88 đã lách qua “cửa hẹp” này bằng thủ đoạn rất chuyên nghiệp. Theo đó, mức lãi suất mà hệ thống cầm đồ F88 đưa ra rất hấp dẫn chỉ 1,1%/tháng, tương đương 13,2%/năm (so với ngân hàng, mức lãi suất này không quá cao trong khi thủ tục vay tiền đơn giản, nhanh chóng). Tuy nhiên số tiền mà người cầm cố tài sản phải trả thực tế theo các Hợp đồng thỏa thuận cao hơn rất nhiều lần.

Ngoài khoản lãi suất cố định, F88 đưa ra thêm 2 khoản chi phí, đó là phí thẩm định điều kiện vay 1,4%/tháng và phí quản lý tài sản cầm cố 5,6%/tháng. Cộng gộp lãi suất cho vay và các khoản phí vừa nêu, khách hàng của F88 phải trả mức lãi suất thực tế lên tới 8,1%/tháng, tương ứng 97,2%/năm, cao gấp 9 lần so với lãi suất ngân hàng hiện nay. Ngoài ra, nếu khách hàng chậm trả tiền gốc, tiền lãi và các chi phí liên quan sẽ phải chịu số tiền phạt lên tới 100.000 đồng/ngày (gấp hơn 60 lần so với quy định tại khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 – tức vượt quá giới hạn cho phép) và chỉ được chậm tối đa 3 ngày trên mỗi kỳ thanh toán…

F88 hay các cơ sở cầm đồ nói chung đều đưa ra các loại phí “trên trời” để đối phó với hoạt động thanh tra, kiểm tra. Các cơ sở này sẽ tính toán làm sao cho khoản lãi thực tế thu về rất lớn, nhưng lãi suất trong hợp đồng thì vẫn bảo đảm theo quy định. Tuy nhiên việc “lách” này không phải là an toàn vì các cơ sở cầm đồ không có thẩm quyền trong thu phí thẩm định điều kiện vay và phí quản lý tài sản cầm cố…

F88 bị nhiều người “tố” về cho vay lãi suất cao và đòi nợ kiểu “khủng bố”…

Thủ đoạn đòi nợ: Lách qua “cửa hẹp” dịch vụ pháp lý và mua bán nợ

Mặc dù chủ động áp đặt các điều kiện cho vay và cầm cố tài sản nhưng các công ty tài chính trá hình vẫn đối mặt với rủi ro trùng trùng. Do áp lực đơn giản về thủ tục cho vay để lôi kéo khách hàng về phía mình, các công ty tài chính rất linh hoạt trong các hợp đồng cho vay, không nhất thiết tất cả bằng văn bản mà còn giao kết bằng miệng hoặc bằng hành vi cụ thể. Việc cho vay được thực hiện dưới nhiều cách thức khá đa dạng, phong phú, song chủ yếu là tín chấp. Thông thường yêu cầu người vay cung cấp các giấy tờ, như: CCCD, sổ hộ khẩu, truy cập danh bạ điện thoại… để thu thập thông tin. Thậm chí có nhiều trường hợp bỏ qua việc xác thực thông tin khách hàng cung cấp, không có văn bản xác nhận khoản vay hay chữ ký của các bên.

Lợi dụng sự đơn giản về thủ tục vay, bên vay hoàn toàn có thể sử dụng thông tin giả, sim rác, giấy tờ giả... để vay tiền rồi dễ dàng để bùng nợ. Có nhiều trường hợp vay tiền nhưng không có giấy tờ hay minh chứng xác nhận, nên đến khi không thể liên hệ với khách hàng, khi đến địa chỉ mà khách hàng cung cấp phát hiện ra thông tin giả, các công ty tài chính/bên cho vay cũng khó có thể thu hồi lại được khoản nợ này. Do đó để có cơ sở tố cáo và được cơ quan có thẩm quyền vào cuộc và truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người vay là rất khó. Chưa kể số tiền cho vay thường quá nhỏ nên các cơ quan tố tụng cũng không mặn mà… Chính vì vậy mà bên cho vay thường tìm đến đối tác là các tổ chức thu hồi nợ trá hình.

Để đối phó với quy định của Luật Đầu tư 2020, kể từ ngày 01/01/2021 chính thức cấm tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh ngành nghề “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, các tổ chức kinh doanh dịch vụ này lách luật bằng các thủ đoạn, như sau:

1. Công ty tư vấn luật làm dịch vụ trợ giúp pháp lý

Vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” bắt giữ 13 đối tượng, vừa bị Công an Tiền Giang khởi tố ngày 18/02/2023 xảy ra tại Công ty Luật TNHH Pháp Việt tại tòa nhà “T&T Dancesport”, địa chỉ số 07, đường Lê Văn Huân, phường 13, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình cho hình thức đòi nợ thuê núp bóng trợ giúp pháp lý. Tại Cơ quan điều tra, bước đầu các đối tượng khai nhận đây là tổ chức tội phạm hoạt động “núp bóng” công ty tư vấn luật, có quan hệ hợp tác với một số tổ chức ngân hàng, công ty tài chính dưới danh nghĩa hợp đồng trợ giúp pháp lý, do Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng cầm đầu.

Các đối tượng đều không có văn bằng chuyên ngành luật, mà chỉ thuê một người đứng tên đăng ký pháp nhân công ty. Tổ chức tội phạm này có sự phân công cụ thể từng công việc cho nhân viên công ty thông qua trưởng phòng và các nhóm trưởng. Trung bình mỗi tháng công ty nhận từ các ngân hàng, công ty tài chính 141.000 đến 241.000 hợp đồng vay tiền của các khách hàng chưa trả được để phân chia cho các nhân viên công ty đòi nợ bằng hình thức đe dọa, khủng bố như đã nêu ở trên. Công ty được các ngân hàng và công ty tài chính chi trả quyền lợi từ 25% đến 35% trên tổng số tiền thu được. Do lợi nhuận rất lớn nên các đối tượng này không từ một thủ đoạn nào để buộc nạn nhân phải trả tiền.

2. Ký kết hợp đồng mua bán nợ

Do dịch vụ đòi nợ bị cấm, các tổ chức dùng chiêu thức ký kết hợp đồng mua bán nợ. Tức là, bên đang bị nợ ký kết với bên thứ 3 để bán lại những hợp đồng tín dụng khó thu hồi; bên thứ 3 sẽ thu hồi nợ qua các phương pháp khác nhau. Việc vay nợ, mượn nợ, bán nợ là giao dịch dân sự và không bị cấm. Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an phối hợp Công an TP Hà Nội và các đơn vị nghiệp vụ vừa triệt phá băng nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp (DN) đòi nợ thuê cho ngân hàng, công ty tài chính, xảy ra tại Công ty TNHH Mua bán nợ DSP. Các đối tượng này thành lập 7 công ty đều đặt tại phường 15, quận 11, TP HCM, để thu nợ cho những công ty có nhu cầu.

Công ty DSP đã mua các khoản nợ mà khách hàng đã vay của Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam và một số tổ chức tín dụng khác nhưng không có khả năng trả, với giá bằng 12%-15% tổng số nợ. Bộ phận vận hành tiếp nhận thông tin khách hàng, khoản nợ từ Mirae Asset Việt Nam rồi cập nhật vào hệ thống, phân chia vào từng tài khoản của nhân viên thu nợ. Để thu hồi được nợ, các nhân viên thu hồi nợ không từ mọi thủ đoạn để đạt được mục đích, như: Sử dụng nhiều số điện thoại để liên tục gọi điện, nhắn tin chửi bới, đe dọa người thân của khách hàng; cắt, ghép hình ảnh gắn vào thông tin không đúng sự thật rồi tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, tạo sức ép buộc khách phải trả tiền; ném chất bẩn, chất thải vào nơi ở, nơi làm việc của người vay nợ; thậm chí còn giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật gọi điện, nhắn tin đe dọa người vay…

Một bạn đọc mới đây đã gửi đơn đến báo Công an TP.HCM phản ánh: “Năm 2022 tôi vay của Công ty F88 số tiền 10 triệu đồng, trả góp 6 tháng được 8.820.000 đồng. Do bị mất việc làm không có thu nhập, tôi ngưng đóng tiền thì bị người của công ty đến phòng trọ hăm dọa đánh tôi, đồng thời giữ chiếc xe máy, yêu cầu thanh toán 10.800.000 đồng thì mới trả xe”

Công an khám xét, thu giữ vật chứng tại một công ty tài chính cho vay nặng lãi

Để vô hiệu hóa cho vay nặng lãi và thu hồi nợ kiểu xã hội đen

1. Trước việc các công ty tài chính trá hình “mọc lên như nấm” làm biến tướng dịch vụ cho vay, cầm đồ và thu hồi nợ theo hướng tiêu cực, theo chúng tôi cần phải hoàn thiện pháp luật điều chỉnh theo hướng ngăn chặn từ gốc, đó là gia tăng điều kiện được cấp phép các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Có nghĩa cùng với sửa đổi gia tăng vốn pháp định theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Các tổ chức tín dụng 2010Điều 2 Nghị định 86/2019/NĐ-CP, là bổ sung quy định xác thực về vốn pháp định, coi đó là một trong những điều kiện bắt buộc để cấp phép. Đồng thời để ngăn chặn tình trạng đối phó về đăng ký vốn pháp định, theo đó loại bỏ những công ty tài chính thành lập trá hình, “tay không bắt giặc”, rất cần có quy định hậu kiểm định kỳ sau cấp phép, được thực hiện bỡi một cơ quan có chức năng độc lập với tổ chức tín dụng. Có thể đó là một bộ phận thuộc Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền.

2. Việc các công ty tài chính lách luật cho vay bằng hợp đồng giả cách nhằm che giấu giao dịch khác đã vi phạm điều kiện có hiệu lực của giao dịch hợp pháp, theo quy định tại Điều 124 BLDS 2015. Có nghĩa khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực. Tuy nhiên tại khoản 2 Điều này cũng quy định, nếu có căn cứ chứng minh việc xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự bị che giấu vẫn bị vô hiệu.

Hành vi cho vay tiền nhưng yêu cầu sang tên nhà đất diễn ra khá phổ biến ở các công ty tài chính trá hình cũng có thể coi là giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba. Tuy nhiên vì không hiểu biết pháp luật nên nhiều người không chứng minh được hợp đồng vô hiệu do giả tạo nên không thể khởi kiện ra tòa hoặc đã khởi kiện ra tòa nhưng không chứng minh được yếu tố gian dối dẫn đến hậu quả mất tài sản, thậm chí có trường hợp còn vướng vào vòng lao lý. Do đó để bảo vệ quyền lợi của người vay không chỉ là câu chuyện nâng cao hiểu biết pháp luật cho họ để tăng cường cảnh giác; mà còn là hoàn thiện pháp luật về tố tụng dân sự theo hướng dễ dàng chứng minh yếu tố gian dối trong xác lập giao dịch dân sự giả của bên cho vay; và đơn giản hóa thủ tục khởi kiện yêu cầu tuyên bố vô hiệu các hợp đồng dân sự bị che giấu…
3. Để ngăn chặn thủ đoạn lách luật (quy định tại khoản 6 Điều 29 Nghị định 96/2016/NĐ-CP về tỷ lệ lãi suất cho vay tiền khi nhận cầm cố tài sản không vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự là 20%/năm) của các tổ chức tài chính bằng hình thức  “đẻ” thêm phí trong dịch vụ cho vay; cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp và có liên quan đến hoạt động cho vay cầm cố tài sản. Trong đó một trong những giải pháp mà theo chúng tôi có thể triệt tiêu được mặt trái này, đó là quy định cụ thể mọi chi phí có trong khoản vay cầm đồ đều được tính là lãi suất. Ngoài lãi suất cho vay, các công ty tài chính phi ngân hàng khi cho vay cầm cố tài sản không được “đẻ” thêm bất kỳ một khoản phí nào.

4. Cho dù núp bóng dưới hình thức nào, có tinh vi đến đâu (như dịch vụ hỗ trợ pháp lý hay ký hợp đồng mua bán nợ… ) thì các thủ đoạn đòi nợ theo kiểu xã hội đen như các công ty tài chính đã và đang vận dụng đều là phạm pháp. Do đó để hoạt động thu hồi nợ không dẫn đến vi phạm pháp luật hình sự, các công ty tài chính cần phải trang bị cho nhân viên dưới quyền kiến thức về pháp luật tối thiểu, vay nợ là một giao dịch dân sự. Nếu người vay vi phạm nghĩa vụ thanh toán, hai bên có thể thỏa thuận cách giải quyết. Trường hợp không thương lượng được, chủ nợ có quyền khởi kiện ra tòa án, yêu cầu tòa án kê biên, phong tỏa tài sản của người vay để tránh việc tẩu tán tài sản, đảm bảo thi hành án. Đó là hành lang pháp lý minh bạch và bền vững nhất.
Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật. Hành vi dùng vũ lực, khống chế, đe dọa để lấy tài sản của con nợ hoặc tự ý chiếm giữ, tự ý định đoạt tài sản của người vay để cấn trừ nợ là hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác. Pháp luật hình sự đã quy định rõ, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi “siết nợ” mà chủ nợ hoặc người trực tiếp thực hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội Cướp tài sản” theo Điều 168 BLHS năm 2015 (có khung hình phạt tù giam từ 3 năm đến 10 năm; nếu gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân hoặc tùy vào giá trị tài sản khi chiếm đoạt mà có thể bị phạt đến tù chung thân); hoặc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 170 BLHS (có khung hình phạt từ 1 năm đến 20 năm tù giam)…
 

Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây