Vụ giao dịch đất bất thành ở Bình Định:  Có dấu hiệu cán bộ lừa dân (!?)

Thứ sáu - 14/07/2017 03:35
(Phapluat News) - Thửa đất để giao dịch không phải là của mình nhưng ông Lê Giáo Lễ (một cán bộ công tác lâu năm tại Trung tâm Quy hoạch đo đạc - Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định) đã gợi ý chuyển nhượng cho vợ chồng bà Phạm Thị Hồng (trú tại Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) với giá tiền lên tới gần nửa tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi nhận tiền, ông Lễ không những không thực hiện được cam kết như đã hứa mà để kéo dài gần 5 năm. Bà Hồng khởi kiện ra Tòa đòi trả lại tài sản…
Vụ giao dịch đất bất thành ở Bình Định:  Có dấu hiệu cán bộ lừa dân (!?)


     Khi lòng tốt bị lợi dụng

     Cuối năm 2011, bà Hồng cậy ông Lễ tìm mua một chỗ đất tại thành phố Quy Nhơn, để làm nhà ở. “Gia đình tôi coi ông Lễ như người một nhà. Vì lần nào lên công tác ở Vĩnh Sơn, ông Lễ và một số cán bộ khác ở cơ quan ông đều tìm đến nhà tôi để ngủ nghỉ và cơm nước…” – bà Hồng giải thích lý do nhờ ông Lễ tìm đất với niềm tin tuyệt đối.

     Ngay sau đó, ông Lễ giới thiệu cho bà Hồng một lô đất ở phía sau phường Nhơn Phú (TP. Quy Nhơn) có diện tích 200m2, thuộc số thửa 36, tờ bản đồ số 49, tọa lạc tại tổ 6, loại đất nông nghiệp, khu vực 8, phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn, với giá 450.000.000 đồng. Tại thời điểm giao dịch, ông Lễ chỉ photo Giấy chứng nhận QSDĐ đứng tên bà Trương Thị Thủy Nguyên giao cho bà Hồng. Ông Lễ giải thích, là đất của ông mua lại của người khác nhưng vì ông mới cất nhà nên phải nhờ bà Nguyên đứng tên. Song điều khiến bà Hồng yên tâm là ông Lễ đã cam kết: “…đất đứng tên ai cũng được miễn sao sang được tên cho bà” (trích nhận định của Bản án sơ thẩm).

                        
                                           Giấy nhận tiền lần 1

    
       Theo đó, ngày 22/12/2011, vợ chồng bà Hồng dốc hầu bao giao trước cho ông Lễ số tiền 200 triệu đồng để lo thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng và chuyển nhượng. Hai bên viết giấy nhận tiền để làm bằng chứng và ghi rõ, số tiền còn lại khi giấy tờ hợp lệ, đầy đủ thì bà Hồng phải giao đủ cho ông Lễ. “Lúc đó ông Lễ hứa với vợ chồng tôi trong vòng 1 tháng sẽ lo xong” - bà Hồng cho biết. Thế nhưng kéo dài đến gần 3 năm sau đó, ông Lễ vẫn không giao thủ tục cho bà Hồng.

     Đến ngày 20/4/2014, ông Lễ tiếp tục gọi bà Hồng xuống nhà riêng ở 126 Hoàng Văn Thụ - TP. Quy Nhơn đề nghị giao tiếp số tiền còn lại “nói là để nộp thuế và lệ phí” – bà Hồng kể. Lỡ “phóng lao”… vợ chồng bà Hồng giao tiếp 218.000.000 đồng (hiện vật là 4 cây vàng quy ra tiền và ghi thẳng vào giấy nhận tiền là 174.400.000 đồng và 01 cây vàng SJC). “Tổng cộng ông Lễ đã nhận của bà Hồng 418.000.000 đồng. Các đương sự thừa nhận tài sản mà các bên tiến hành giao nhận…” (theo nhận định Bản án sơ thẩm).
             
 Vi phạm tố tụng nghiêm trọng
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng – Thạc sĩ Luật, giảng viên khoa Luật trường Đại học Luật Huế: “Việc cấp sơ thẩm không đưa bà Nguyên vào tham gia tố tụng với vai trò là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Vì trước tòa, ông Lễ giải thích cho bà Hồng biết chỗ đất cần bán là thuộc quyền sử dụng của ông nhưng vì lý do ông mới làm nhà nên phải nhờ bà Nguyên đứng tên… Lời khai của ông Lễ có căn cứ hay không cần phải được đối chất với bà Nguyên để làm rõ. Đồng thời, phải xác nhận xem hợp đồng ủy quyền sau này của bà Nguyên với ông Lễ có thật hay không. Nếu ông Lễ giả mạo thì có căn cứ kết luận có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
 
     Lần nhận tiền đợt 2, ông Lễ ghi thẳng vào giấy sẽ lo xong việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở và cam kết hoàn thành: “…tôi sẽ cố gắng trong thời gian nhanh nhất”. Tuy nhiên cũng như lần trước, một năm rồi hai năm sau đó, ông Lễ cũng không thực hiện được lời hứa, mặc dù bà Hồng liên tục gọi điện hối thúc. Từ tin tưởng chuyển sang hoài nghi… lo sợ “tiền mất tật mang”, bà Hồng miễn cưỡng “bôi mặt” gửi đơn khởi kiện ra Tòa để yêu cầu ông Lễ trả lại số tiền đã nhận.
                                        
                                  
                                           Giấy nhận tiền lần 2
                                               

     Trong thời gian TAND TP. Quy Nhơn thụ lý theo thủ tục sơ thẩm, ông Lễ đã tự nguyện khắc phục hậu quả trả lại đủ 200 triệu tiền gốc và 5 cây vàng. Tuy nhiên bà Hồng không đồng ý mà yêu cầu ông Lễ phải trả thêm 43,5 triệu đồng tiền chênh lệch do giá vàng giảm. Bỡi theo bà Hồng, khi ông Lễ nhận vàng có ghi quy ra tiền để tính giá trị đất thì bây giờ trả lại cũng phải trả bằng tiền. Ngoài ra bà Hồng còn yêu cầu ông Lễ phải trả gần 90 triệu tiền lãi (trong suốt thời gian gần 5 năm ông Lễ chiếm dụng, tính theo lãi suất cơ bản của NH tại thời điểm). Yêu cầu của bà Hồng không được cấp sơ thẩm chấp nhận.    

     Có dấu hiệu lừa dối

     Chiều (12/6) làm việc với PV, trả lời câu hỏi vì sao lô đất để giao dịch không phải là tài sản của mình sở hữu nhưng từ năm 2011 ông đã giới thiệu để bà Hồng nhận chuyển nhượng, ông Lễ cho biết: Giữa ông và bà Trương Thị Thủy Nguyên có thỏa thuận làm ăn chung nên ông để bà Nguyên đứng tên “sổ đỏ” là bình thường. Tuy nhiên, ông Lễ không cung cấp được giấy tờ gì để chứng minh sự thỏa thuận làm ăn giữa ông với bà Nguyên.

     Trước đó tại phiên tòa sơ thẩm, ông Lễ thừa nhận trong quá trình giao dịch, ông có trấn an bà Hồng, chỗ đất cần bán “là thuộc quyền sử dụng của ông nhưng đứng tên bà Trương Thị Thủy Nguyên, vì ông mới làm nhà nên không đứng tên đất nông nghiệp được”…
 
       “Việc bà Hồng yêu cầu ông Lễ phải trả thêm 43,5 triệu đồng tiền chênh lệch do giá vàng giảm là hợp lý. Vì khi ông Lễ nhận vàng có ghi quy ra tiền để tính giá trị đất thì bây giờ trả lại cũng phải trả bằng tiền. Mặt khác, tại khoản 4 Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định cấm dùng vàng làm phương tiện thanh toán. Do đó, khi ông Lễ trả bằng vàng thì phải quy giá vàng thành giá tiền tại thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm xét xử vụ án là phù hợp” – Thạc sĩ luật Nguyễn Thị Thúy Hằng cho biết.
 
     Đối chiếu với quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm không có điều khoản nào “cấm cửa” cán bộ công chức làm nhà ở rồi không được đứng tên đất nông nghiệp. Mà chính xác là, pháp luật có quy định “Nhà nước thực hiện việc giao đất nông nghiệp cho nhân khẩu có nguồn sống chính bằng sản xuất nông nghiệp hoặc đối với cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và bộ đội nghỉ hưu mất sức hoặc nghỉ việc… về sống thường trú tại địa phương” (Điều 70 Nghị định 181/CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003).

     Như vậy ông Lễ biết trước không thể chuyển dịch quyền sở hữu sang tên bà Hồng. Thế nhưng ông Lễ vẫn mạo hiểm cam kết: “…đất đứng tên ai cũng được miễn sao sang được tên cho bà”, để tạo niềm tin cho bà Hồng giao tiền.

     Một bất thường khác, giao dịch giữa hai bên phát sinh từ cuối năm 2011 nhưng mãi đến ngày 01/7/2014, ông Lễ mới cung cấp cho bà Hồng văn bản Hợp đồng ủy quyền có nội dung bà Nguyên ủy quyền cho ông Lễ được quyền thay mặt bà “liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích sử dụng khác theo quy định của pháp luật”; và được quyền “ký hợp đồng chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất cho người khác…”. Nghĩa là quyền của ông Lễ được chính thức giao dịch tài sản phát sinh sau gần 3 năm, kể từ thời điểm ông nhận tiền của bà Hồng lần thứ nhất.

      Giao dịch sẽ vô hiệu

      Rõ ràng là hành vi pháp lý làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự giữa ông Lễ và bà Hồng đã vi phạm các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại Điều 122 và 124 của Bộ luật Dân sự 2005. Do đó, giao dịch dân sự chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Lễ và bà Hồng được xác lập kể từ 12/2011 bị vô hiệu theo quy định tại Điều 127, 128 và 132 Bộ luật Dân sự 2005.
 
     Điều 137 Bộ luật Dân sự còn quy định: “Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự bị vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Theo đó, các bên phải có trách nhiệm khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”.

     Đối chiếu với quy định của pháp luật, theo Luật sư Võ Thị Tiết (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định), ông Lễ phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho bà Hồng đủ số tiền 418.000.000 đồng đã nhận. Bỡi khi viết Giấy nhận tiền lần 2, ông Lễ đã ghi rõ nhận 4 cây vàng quy ra thành tiền 174.400.000 đồng và 01 cây vàng SJC. Bản án sơ thẩm cũng xác nhận: “Tổng cộng ông Lễ đã nhận của bà Hồng 418.000.000 đồng. Các đương sự thừa nhận tài sản mà các bên tiến hành giao nhận…”. 

     Cũng tại Điều 137 Bộ luật Dân sự còn quy định: “…Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”. “Nghĩa là ông Lễ còn phải có trách nhiệm trả tiền lãi hay nói cách khác là bồi thường thiệt hại cho bà Hồng trong suốt thời gian bị ông chiếm dụng số tiền 418.000.000 đồng” – Luật sư Tiết phân tích.

Tác giả bài viết:    TỔ PHÓNG VIÊN MT &TN

Nguồn tin: Pháp lý

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây