Đúng quy định của Luật Tố tụng
TAND Cấp cao tại Hà Nội đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh về tội Tham ô tài sản tại dự án Thanh Hà – Cienco 5 Land.
Trước đó, hồi tháng 9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) đã khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh để điều tra về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong việc thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng tại PVC thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Trịnh Xuân Thanh được xác định đã trốn ra nước ngoài và bị truy nã quốc tế. Tuy nhiên tính đến thời điểm 9h ngày 20/3, trên 12 trang danh sách truy nã trên hệ thống mạng Interpol (tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế) chưa có tên Trịnh Xuân Thanh.
“Bị can đang bỏ trốn ở nước ngoài và cơ quan chức năng đang xử lý vụ án liên quan đến sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh. TAND cấp cao thực hiện theo đúng quy định của Luật Tố tụng. Còn sai phạm ở mức độ nào thì chưa ai có thể khẳng định được việc này. Chúng ta cần phải bắt được ông Trịnh Xuân Thanh rồi sau đó khởi tố vụ án, khởi tố bị can, điều tra mới ra kết luận cụ thể và mới chính xác được”, ông Xuyền nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Bá Sơn (ĐBQH Đà Nẵng) cũng khẳng định không bất ngờ trước quyết định của TAND tối cao tại Hà Nội hôm 15/3. Theo ông Sơn, đây là 2 quyết định của 2 vụ án khác nhau.
“Một con người có thể vi phạm phát luật nhiều lần và khi phát hiện thì các cơ quan sẽ khởi tố theo các trình tự khác nhau. Trong trường hợp TAND tối cao quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh về tội Tham ô tài sản thì có thể khởi tố vụ án tham ô riêng để điều tra hoặc có thể chuyển cơ quan điều tra đang xử lý tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tạ PVC để sát nhập lại vào trong một vụ án”, ông Sơn khẳng định.
Vị ĐBQH chia sẻ, trình tự thủ tục để thực hiện truy nã quốc tế đối với trường hợp Trịnh Xuân Thanh ông không nắm cụ thể. Tuy nhiên khi Việt Nam đã là một thành viên của tổ chức Interpol thì việc truy nã sẽ được phối hợp thực hiện để tìm kiếm, truy bắt tội phạm.
“Việc này cần phải hỏi văn phòng Interpol tại Việt Nam. Tôi cũng mong muốn thông qua Interpol, Việt Nam sẽ sớm truy tìm và bắt giữ được ông Thanh chuyển cơ quan điều tra để xử lý đúng quy định của pháp luật”, ông Sơn nhấn mạnh.
Truy nã thêm tội danh khác
Phân tích cụ thể hơn, LS Lê Cao, Đoàn LS TP Đà Nẵng cho biết, theo trình tự thủ tục, ban đầu phía cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam sẽ gửi lệnh truy nã đến Interpol (thông qua Văn phòng Interpol Việt Nam). Sau đó Interpol sẽ thẩm định và xem xét thông qua các chuyên gia và Tổng thư ký Interpol. Việc xem xét theo thông lệ được thực hiện kỹ càng và Tổng Thư ký Tổ chức Interpol sẽ ký lệnh truy nã.
“Thường sau khi có lệnh truy nã thì thông tin cá nhân bị truy nã quốc tế sẽ được cập nhật trên hệ thống thông tin website của Interpol. Tuy nhiên, cũng có thể do những yêu cầu cụ thể của quốc gia phát lệnh truy nã có những thỏa thuận riêng, hoặc vì một lý do nào đó hiện chưa rõ nguyên nhân, chưa rõ do đâu thông tin truy nã ông Trịnh Xuân Thanh chưa được cập nhật.
Về mặt pháp lý, câu chuyện trình tự thủ tục đăng tin truy nã lên website của tổ chức Interpol không đơn giản bằng một điều ước quốc tế cụ thể, do đó vấn đề này có thể thuộc về ý chí của các bên liên quan và chỉ họ mới có thể biết được”, LS Lê Cao khẳng định.
Trong khi đó theo quan điểm của TS Ngô Hữu Phước – Phó Trưởng khoa Luật Quốc tế, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, Đại học Luật TP.HCM, quyết định khởi tố mới đối với Trịnh Xuân Thanh được TAND Cấp cao tại Hà Nội công bố hôm 15/3 sẽ dẫn đến những hệ quả pháp lý mới.
Cụ thể, tháng 9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh để điều tra về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đến ngày 15/3/2017, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục khởi tố vụ án hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh về tội Tham ô tài sản.
Quyết định này đồng nghĩa với việc ông Trịnh Xuân Thanh sẽ bị truy nã tiếp với tội danh khác là Tham ô tài sản.
“Theo tôi có 2 cách. Thứ nhất, chúng ta điều chỉnh lại thông tin ban đầu. Chẳng hạn tên tuổi, địa chỉ của Trịnh Xuân Thanh giữ nguyên nhưng tội danh thì chúng ta thêm vào. Trước đây chúng ta truy nã ông Thanh về tội cố ý làm trái các quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, giờ bổ sung thêm tội Tham ô tài sản. Nghĩa là trong trường hợp này chúng ta sát nhập 2 lệnh truy nã vào để thành một lệnh truy nã với 2 tội danh như trên. Hoặc cũng có thể để riêng truy nã từng tội danh như cáo buộc”, TS Phước nhấn mạnh.
Yêu cầu Interpol công khai việc truy nã
Tiếp tục phân tích, LS Lê Cao khẳng định, do Việt Nam là thành viên chính thức của Interpol nên việc truy nã quốc tế các bị can bỏ trốn khỏi quốc gia là điều cần thiết.
Do vậy, thông tin truy nã nghi can cần được đăng tải và công bố rộng rãi. Nếu như Interpol thực sự chưa đăng tải và công bố thông tin truy nã ông Trịnh Xuân Thanh thì hiệu quả của việc phát hiện và bắt giữ nghi can sẽ bị hạn chế.
“Chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra các yêu cầu cụ thể cho tổ chức Interpol thực hiện việc công khai thông tin truy nã trên hệ thống truyền tải thông tin của tố chức này nếu thực sự chúng ta đã tiến hành việc truy nã nghi can.
Còn trường hợp khác, do một vấn đề nào đó mà việc truy nã nghi can chưa được thông tin công khai trên website của Interpol mà có chủ đích từ Interpol hoặc của Việt Nam, thì chúng ta hoàn toàn chưa nắm được thông tin để đánh giá về trường hợp này”, LS Lê Cao nhận định.
Bổ sung thêm, TS Ngô Hữu Phước cho rằng khi không có tên ông Trịnh Xuân Thanh trên trang Interpol, chúng ta cần phải liên lạc với văn phòng Interpol tại Việt Nam để có câu trả lời.
“Chúng ta phải liên lạc xem hồ sơ gửi Văn phòng quốc tế Interpol đã đầy đủ chưa? Vì sao chưa đăng tải những thông tin liên quan đến Trịnh Xuân Thanh hay có ẩn khuất gì đằng sau”, TS Phước nêu quan điểm.
Nguồn tin: Báo Dân Việt:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn