Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc có thể khiến tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên phức tạp hơn. Tổng thống Trump đe dọa “hủy diệt toàn bộ Triều Tiên” nếu phải tự vệ, hoặc để bảo vệ các đồng minh.
Phát biểu của Tổng thống Trump dường như cụ thể hóa hơn những tuyên bố của cố vấn an ninh quốc gia Herbert R. McMaster về giải pháp quân sự đối với vấn đề Triều Tiên. Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình MSNBC, cố vấn an ninh quốc gia McMaster nói rằng Mỹ đã chuẩn bị cho kế hoạch “tấn công phòng ngừa” chống lại Triều Tiên.
“Một cuộc chiến phòng ngừa có thể ngăn chặn Triều Tiên đe dọa Mỹ bằng vũ khí hạt nhân và tổng thống đã rất rõ ràng về vấn đề này. Tổng thống nói sẽ không khoan dung với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân có thể đe dọa Mỹ”, cố vấn McMaster nói.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng kế hoạch của Tổng thống Trump và cố vấn an ninh quốc gia McMaster sẽ đẩy bán đảo Triều Tiên tới thảm kịch. Bình Nhưỡng có trong tay nhiều lựa chọn để biến cuộc tấn công của Mỹ thành “tấn bi kịch” đối với Hàn Quốc và Nhật Bản, thậm chí đe dọa cả an ninh nước Mỹ.
Daniel L. Davis, trung tá quân đội Mỹ về hưu, từng là thành viên ban cố vấn Trung tâm Thông tin Quốc phòng và hiện là một nhà phân tích uy tín về an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại. Ông chia sẻ quan điểm với tạp chí National Interest về kế hoạch tấn công phòng ngừa vào Triều Tiên sẽ dẫn đến thảm họa.
Pháo binh, vũ khí đáp trả hiệu quả đợt tấn công phòng ngừa của Mỹ vào Triều Tiên. Ảnh: KCNA. |
Ông Davis từng chiến đấu bên cạnh cố vấn McMaster vào tháng 2/1991 trong chiến dịch Bão táp Sa mạc chống lại Iraq. Trước khi tiến hành tấn công trên mặt đất, các chiến đấu cơ của Mỹ và liên quân liên tiếp không kích vào các vị trí đóng quân của Iraq trung bình khoảng 10 giờ mỗi ngày, trong 42 ngày liên tiếp.
Lực lượng tăng thiết giáp Iraq là mục tiêu chính. Các xe tăng Iraq không có nơi nào để ẩn nấp giữa sa mạc trống trải trở thành “mồi ngon” cho các máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, khi phát động chiến dịch tấn công trên mặt đất, quân đội Mỹ phát hiện rằng 80% lực lượng tăng thiết giáp Iraq vẫn sống sót sau đợt không kích liên tục trong điều kiện sa mạc.
Trong tháng 9/2011, khi đó ông Davis đang làm việc ở căn cứ vận hành chuyển tiếp của quân đội Mỹ ở tỉnh Kunar, miền Đông Afghanistan. Khi căn cứ bị các thành viên Taliban tấn công từ phía trên một ngọn núi, trong khi căn cứ của Mỹ nằm phía dưới.
Lính Mỹ đáp trả cuộc tấn công bằng súng máy hạng nặng và pháo 105 mm trong vòng 30 phút nhưng không thể tiêu diệt những kẻ tấn công. Chỉ khi một chiến đấu cơ của Mỹ ném bom vào vị trí của các tay súng, cuộc tấn công của Taliban mới bị chặn đứng.
Những ngọn núi gồ ghề ở Afghanistan giúp các tay súng Taliban sống sót trong những đợt tấn công bằng vũ khí hạng nặng của Mỹ.
Những tay súng với trang bị thô sơ có thể sống sót nhờ dựa vào địa hình gồ ghề, thì hàng nghìn khẩu pháo, rocket phóng loạt của Triều Tiên bố trí trong các hầm trú ẩn dọc biên giới có thể chịu đựng ngay cả cuộc tấn công kéo dài và nặng nề nhất, ông Davis cho biết.
Năm 1991, Saddam Hussein đã mắc sai lầm chiến lược khi im lặng để mặc Không quân Mỹ hoành hành trong hơn một tháng. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chắc chắn sẽ không lặp lại sai lầm tương tự. Ông Kim có thể phát động nhiều đợt phản công để gây áp lực trở lại trước cuộc tấn công của Mỹ.
Ông Kim có thể phát động đợt pháo kích hạn chế vào thủ đô Seoul của Hàn Quốc, gây thiệt hại to lớn về người và tài sản. Sau đó, Bình Nhưỡng sẽ ngừng tấn công và cảnh báo Mỹ nếu không rút quân sẽ phá hủy phần còn lại của Seoul.
Nguy hiểm hơn, Triều Tiên có thể cho nổ bom hạt nhân ở Seoul, hoặc phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tấn công Nhật Bản và đe dọa phóng thêm tên lửa nếu Mỹ không ngừng bắn.
Tổng thống Trump khi đó sẽ phải đối mặt với lựa chọn không thể tưởng được, tiếp tục tấn công và chứng kiến hàng triệu người chết, dừng tấn công và lợi ích của Mỹ sẽ bị tổn hại nặng nề.
Trong nhiều thập kỷ, Triều Tiên đã chứng kiến sức mạnh hủy diệt của Không quân Mỹ, do đó họ đã tìm cách che giấu phần lớn pháo binh vào trong lòng núi. Các khẩu pháo có thể kéo ra vị trí bắn và sau đó kéo trở lại vào trong hầm để nạp đạn.
Ngoài ra, Triều Tiên có thể giấu tên lửa trong các silo ẩn trong lòng núi, những nơi mà tình báo Mỹ không thể xác định được. Ông Davis cho biết đã đóng quân ở Hàn Quốc những năm 1990 và đã quan sát trực tiếp những ngọn núi đáng sợ ở Triều Tiên.
Triều Tiên sở hữu hàng nghìn xe phóng rocket phóng loạt có thể hủy diệt Seoul mà không cần đến vũ khí hạt nhân. Ảnh: KCNA. |
Ông cũng có thời gian sống trong những căn cứ ngầm trong lòng đất của Hàn Quốc và biết rằng chúng hầu như không thể bị tấn công từ bên ngoài. Ngoài ra, Bình Nhưỡng có thể giấu các xe phóng tên lửa di động trong lòng đất cho đến khi có đủ thời gian di chuyển ra ngoài và phóng tên lửa.
Nhà phân tích Davis lưu ý rằng hàng nghìn máy bay chiến đấu liên minh đã không thể ngăn chặn Saddam Hussein phóng 39 tên lửa đạn đạo tầm ngắn Scud từ các xe phóng di động trong suốt chiến dịch Bão táp Sa mạc. Trong khi Iraq không có điều kiện để che giấu thiết bị tốt như Triều Tiên.
Không có giải pháp quân sự nào với Triều Tiên thực sự hiệu quả, trừ khi ai đó chấp nhận số thương vong của thường dân lên đến hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người. Giải pháp tấn công phòng ngừa sẽ là thảm họa.
Tuy nhiên chính quyền Tổng thống Trump cũng cần duy trì cam kết, nếu Triều Tiên tấn công vào nước Mỹ hay các quốc gia đồng minh, hoặc nếu Mỹ phát hiện Bình Nhưỡng sắp thực hiện cuộc tấn công như vậy. Washington cần triển khai lực lượng phản ứng nhanh để vô hiệu hóa nó. Đó là cách để Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự một cách có hiệu quả.
Mục tiêu chính là ngăn ngừa chiến tranh, đảm bảo cuộc sống của công dân Mỹ và đồng minh, duy trì áp lực kinh tế và ngoại giao kéo dài để cuối cùng loại bỏ vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên. Sự cam kết ngoại giao kết hợp với kế hoạch ngăn chặn quân sự đáng tin cậy là giải pháp hợp lý để hoàn thành kế hoạch đó.
Nguồn tin: Theo Zing.vn:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn