Tòa cấp cao khởi tố vụ án “Tham ô tài sản” đối với Trịnh Xuân Thanh: Quyền khởi tố vụ án của Tòa án được pháp luật quy định và thực hiện thế nào?

Thứ sáu - 17/03/2017 09:56
(PL News) - Ngày 15.3 vừa qua, sau khi ra phán quyết về vụ án Lê Hoà Bình – cựu chủ tịch công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5 về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, TAND cấp cao tại Hà Nội đã công bố quyết định khởi tố vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong cùng một số đồng phạm về hành vi tham ô tài sản, theo Điều 278 BLHS.
Chủ tọa phiên tòa tuyên khởi tố vụ án hình sự Tham ô tài sản đối với Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm
Chủ tọa phiên tòa tuyên khởi tố vụ án hình sự Tham ô tài sản đối với Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm

 

Trước đến nay thường thì chúng ta thấy quyền khởi tố vụ án đều do cơ quan công an hoặc VKS thực hiện mà hiếm khi thấy Tòa án thực hiện quyền này. Nhiều độc giả muốn tìm hiểu các qui định pháp luật về thẩm quyền khởi tố vụ án của Tòa án được quy định và thực hiện như thế nào? Pháp lý sẽ giúp bạn đọc hiểu tường tận hơn vấn đề này.

TAND cấp cao tại Hà Nội khởi tố vụ án “Tham ô tài sản” đối với Trịnh Xuân Thanh và một số đồng phạm

Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Dự án Thanh Hà – Cieanco 5 đã được khởi tố từ năm 2010, nhiều lần được đưa ra xét xử và đã có bản án sơ thẩm với 2 án chung thân được tuyên. Tuy nhiên vào tháng 9/2014 Tòa phúc thẩm tại Hà Nội đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại.

Đến ngày 21/6/2016, vụ án đã được TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm lại từ đầu và mới đây, sau khi có kháng cáo, TAND cấp cao đã tiếp tục xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo.

Theo đó, hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của cựu Chủ tịch HĐQT Cty 1/5 Lê Hòa Bình cùng đồng phạm được mô tả như sau: Vào năm 2010, mặc dù Cty 1/5 đã bị Cienco 5 truất quyền hợp tác đầu tư ở dự án khu đô thị Thanh Hà A nhưng Bình và đồng phạm vẫn ỉm chặt thông tin và tiếp tục thực hiện các hoạt động huy động tiền đặt cọc, ký hợp đồng bán đất dưới dạng góp vốn với hàng loạt cá nhân. Tổng cộng, Bình và đồng phạm đã ký tổng cộng hơn 400 hợp đồng bán đất tại dự án Thanh Hà A với tổng diện tích hơn 80.000m2, tương đương gần 800 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền “lừa đảo”, Bình cùng đồng bọn chia nhau. Với hành vi này, Lê Hòa Bình và cấp dưới Nguyễn Thị Kim Thoa bị TAND cấp cao TP. Hà Nội tuyên án tù chung thân.

Đáng chú ý là phần nội dung vụ án liên quan đến Trịnh Xuân Thanh đã được HĐXX xem xét: Cty CP Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương được thành lập vào năm 2007 trong đó Cty CP Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) sở hữu trên 50% cổ phần (PVP Land lại là 1 cty con của Tổng Cty CP xây lắp dầu khí Việt Nam PVC).

Năm 2010, PVP Land chủ trương thoái vốn tại Cty CP Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương. Với sự môi giới của Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, Lê Hòa Bình đã đặt vấn đề mua lại toàn bộ số cổ phần này. Theo chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong cùng Nguyễn Ngọc Sinh đã bán hơn 12 triệu cổ phiếu với giá thấp hơn giá trị thực tế cũng như nghị quyết của HĐQT PVP Land ấn định để hưởng phần chênh lệch lên tới 100 tỷ đồng.

Do đó, kết thúc phiên toà chiều 15/3, Thẩm phán – Chủ toạ phiên toà Nguyễn Văn Sơn đã công bố Quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, Nguyễn Ngọc Sinh – nguyên TGĐ PVP Land, Đào Duy Phong – nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (lao động tự do), Lê Hoà Bình – Chủ tịch HĐQT Cty 1/5, Nguyễn Thị Kim Thoa – Phó TGĐ kiêm Kế toán trưởng Cty1/5, Thái Kiều Hương – Phó TGĐ Cty CP đầu tư Vietsan (một trong các cổ đông sáng lập của Cty CP Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương) về tội Tham ô tài sản theo quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự.

Ngay sau phiên tòa, Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn cho biết, quyết định khởi tố vụ án này sẽ được gửi tới VKSND Cấp cao tại Hà Nội.

Quyền khởi tố vụ án của Tòa án được quy định và thực hiện như thế nào?

Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) trao quyền khởi tố vụ án cho cả ba cơ quan: CQĐT, VKS và Tòa án. Tuy nhiên trên thực tế quyền này ít được Tòa án sử dụng và số lần vụ án được khởi tố bởi Cơ quan xét xử này chiếm tỉ lệ cực kỳ nhỏ so với 2 cơ quan tố tụng còn lại.

Trước đây, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện quyền khởi tố vụ án của mình trong phiên tòa phúc thẩm Phạm Công Danh cùng đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng XDVN. Tuy nhiên quyết định khởi tố này không xuất phát đầu tiên và trực tiếp bởi TAND cấp cao mà trước đó nó đã được công bố bởi TAND. TP. Hồ Chí Minh tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. Đó là quyết định khởi tố thêm ba vụ án liên quan đến hành vi Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các TCTD đối với các đối tượng Phạm Thị Trang, Hứa Thị Phấn, Vũ Thị Như Thảo, Hoàng Văn Toàn và những người liên quan khác.

Như vậy, có thể nói vụ án Tham ô tài sản liên quan đến Trịnh Xuân Thanh cùng một số đồng phạm nói trên là vụ án đầu tiên được khởi tố chính thức bởi TAND cấp cao kể từ khi cấp xét xử mới này đi vào hoạt động từ 1/6/2015 theo Luật Tổ chức TAND 2014.

Trong vài năm trở lại đây, cũng đã có một số lần TAND cấp tỉnh, Tp trực thuộc T.Ư ra quyết định khởi tố vụ án ngay trong phiên tòa. Hẳn chúng ta còn nhớ vào năm 2014, khi xét xử vụ án tổ chức đưa Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải) trốn đi nước ngoài, TAND TP. Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” liên quan đến Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an đương chức khi đó. Tại phiên tòa, Dương Chí Dũng được triệu tập đến với tư cách người làm chứng và Dương Chí Dũng đã khẳng định người mật báo cho mình bỏ trốn là Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, nhờ đó Dương Chí Dũng mới bàn bạc để em trai Dương Tự Trọng và một số người khác giúp đỡ trốn ra nước ngoài. Sau những lời khai chấn động này, HĐXX đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi làm lộ bí mật Nhà nước và giao cho VKSND TP. Hà Nội tổ chức báo cáo với VKSND Tối cao để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên sau đó ông Phạm Quý Ngọ đã qua đời trước khi có quyết định khởi tố bị can, do đó vụ án cũng khép lại.

Cũng năm 2014, sau khi tuyên án đối với Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và các đồng phạm trong vụ án kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; HĐXX TAND TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án “Kinh doanh trái phép tại Ngân hàng ACB và Ngân hàng Vietbank” và khởi tố vụ án “Huỳnh Thị Bảo Ngọc đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với Huỳnh Thị Huyền Như”. (Khi đó Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 718 tỷ đồng của ACB và đã bị tuyên án tù chung thân trong một vụ án khác)”. Quyết định khởi tố đã được gửi đến VKSND TP Hà Nội. Huỳnh Thị Bảo Ngọc tiếp tục bị điều tra, truy tố, đưa ra xét xử và đến ngày 24/9/2016, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Ngọc 12 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò giúp sức cho “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như.

Thời gian vừa qua công luận cũng có nhắc đến vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử đối với bị cáo Ngô Xuân An và Phạm Văn Hải và bị Tòa phúc thẩm – TANDTC xử hủy bản án sơ thẩm. Ngay tại phiên tòa phúc thẩm ngày 21/5/2015, HĐXX đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với bị can Phạm Thu Thủy (vợ của Ngô Xuân An, làm việc tại Cty BĐS Hà Đông)…

Trên đây là những ví dụ điển hình nhất về những vụ án được khởi tố bởi TAND. Con số này chưa thật sự đáng kể khi mà quyền khởi tố vụ án hình sự của Tòa án đã được quy định trong Bộ luật TTHS từ khá lâu, bắt đầu từ Bộ luật TTHS năm 1988 cho đến 2003 và mới nhất là 2015. Khoản 4 Điều 153 Bộ luật TTHS 2015 quy định như sau: HĐXX ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu VKS khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.

Phải nói rằng, quy định nói trên có ý nghĩa rất lớn trong đấu tranh phòng, chống và kịp thời phát hiện tội phạm, nhằm tránh bỏ sót tội phạm. Khi CQĐT, VKS tiến hành hoạt động điều tra, truy tố chưa đầy đủ dẫn đến để lọt tội phạm thì đến giai đoạn xét xử tại Tòa án, thông qua việc xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX phát hiện ra thiếu sót này, sẽ có thẩm quyền quyết định khởi tố thêm vụ án, kịp thời ngăn chặn việc bỏ lọt tội phạm.

Thế nhưng, quyền hạn này lại ít được Tòa án lựa chọn và phát huy, thay vào đó, Tòa án thường sẽ có xu hướng “đẩy” việc khởi tố về cho phía VKS. Chính vì thế, trên thực tế rất ít người dân biết được quyền khởi tố vụ án của Tòa án. Thậm chí trong khoảng 10 năm trước đây, đã có nhiều ý kiến đề nghị bỏ việc giao cho Tòa án thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự bởi trong suốt một thời gian dài, thẩm quyền khởi tố của Tòa chưa phát huy tác dụng trong công cuộc phòng chống tội phạm. Có thể thấy, những vụ án “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”, “Huỳnh Thị Bảo Ngọc đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Phạm Thu Thủy lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”…và “Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm Tham ô tài sản” đã nhắc đến ở trên là những tín hiệu đáng mừng trong nền TTHS nước ta vài năm trở lại đây. Con số này có thể chưa nhiều nhưng nó chứng tỏ Tòa án đã mạnh dạn thực hiện quyền khởi tố vụ án hình sự của mình ngay giữa phiên tòa xét xử khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm mới hoặc có việc bỏ lọt tội phạm xảy ra.

Đặc biệt, quyết định khởi tố vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm về tội Tham ô tài sản của TAND cấp cao tại Hà Nội đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ, đồng tình và hoan nghênh từ dư luận. Nhiều người đánh giá rằng, Tòa án đã không bỏ qua, né tránh những chi tiết mới và quan trọng trong lời khai của các bị cáo và nhân chứng, điều này góp phần khẳng định sự cương quyết trong đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng của Nhà nước ta!

Đôi nét về TAND cấp cao và VKSND cấp cao

Trước đây, hệ thống tòa án chỉ có ba cấp là Tòa án tối cao, Tòa án tỉnh và tòa án huyện. TAND cấp cao là một cấp tòa mới được quy định trong Luật Tổ chức TAND năm 2014 và đã được thành lập tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, các tòa án cấp cao tiếp nhận nhiệm vụ, thẩm quyền của các tòa phúc thẩm và các tòa chuyên trách của TAND Tối cao và Ủy ban Thẩm phán các tòa án cấp tỉnh. Cơ cấu tổ chức của TAND cấp cao gồm: Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao; 5 tòa chuyên trách: Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên; Bộ máy giúp việc.

Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao có nhiệm vụ, quyền hạn: “Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng”. Đây là nhiệm vụ “cũ” của các tòa chuyên trách của TAND Tối cao và của Ủy ban thẩm phán TAND cấp tỉnh.

Còn đối với Tòa chuyên trách TAND cấp cao lại kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của các tòa phúc thẩm TAND Tối cao trong việc: “Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng”.

Như vậy, việc bổ sung TAND cấp cao trong hệ thống Tòa án ở Việt Nam đồng nghĩa với việc trong cơ cấu tổ chức của TAND Tối cao đã không còn các Tòa phúc thẩm và các Tòa chuyên trách nữa. Đồng thời cũng giảm bớt việc cho Ủy ban thẩm phán TAND cấp tỉnh.

Để thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp cao thì ba VKSND cấp cao cũng được thành lập tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Quyền hạn nói trên của VKSND cấp cao cũng được tách ra từ VKSND Tối cao và VKSND cấp tỉnh. Những sự thay đổi và bổ sung này đã được quy định trong Luật Tổ chức VKSND 2014 và cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2015.

Quay lại sự việc TAND cấp cao tại Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án Tham ô tài sản đối với Trịnh Xuân Thanh và một số đồng phạm khác. Chắc hẳn quyết định này đã được gửi tới VKSND cấp cao tại Hà Nội. Bởi theo Điều 154 Bộ luật TTHS 2015 thì “Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Tòa án phải gửi quyết định đó kèm theo tài liệu liên quan đến VKS cùng cấp”.

Từ đây, “số phận” của quyết định khởi tố này phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến mới của vụ án và vào quyền hạn, trách nhiệm của VKSND cấp cao. Đó còn là một chặng đường dài và cần sự vào cuộc tích cực của VKSND cấp cao ngay từ lúc này!

Tác giả bài viết:   Bảo Lâm

Nguồn tin: Pháp lý Online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây