Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu: Những mật lệnh thực thi ngay lập tức và lời đề nghị bất ngờ

Thứ năm - 15/03/2018 03:37
(soha) - Nhân dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng ĐBP, đồng chí Phạm Ngọc Mậu mới nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ý nghĩ của mình: Khi có lệnh kéo pháo ra, đúng là: được lời như cởi tấm lòng!.
Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu: Những mật lệnh thực thi ngay lập tức và lời đề nghị bất ngờ

LTS: Năm 2018 vừa tròn 64 năm ngày Pháo binh Việt Nam mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ (13/03/1954) và 99 năm ngày sinh Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu, nguyên Chính ủy Đại đoàn Công pháo 351, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy kéo pháo chiến dịch ĐBP.

Nhân dịp này, Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những câu chuyện cảm động về vị Chính ủy trẹo chân vẫn hành quân, kéo pháo qua lời kể của anh Nguyễn Phước Thắng - cháu ngoại của Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu.
 

Kỳ cuối: Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu: Những mật lệnh thực thi ngay lập tức và lời đề nghị bất ngờ

Nói đến sự hy sinh dũng cảm của anh em bộ đội trong chiến dịch, không thể không kể đến tinh thần hy sinh gương mẫu của cán bộ. Anh em mệt mỏi một phần nhưng cán bộ thì vất vả gấp đôi. họ vừa chỉ huy, vừa kéo pháo, vặn tời như anh em.

Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu: Những mật lệnh thực thi ngay lập tức và lời đề nghị bất ngờ - Ảnh 1.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Phạm Ngọc Mậu được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng 3. Ảnh tư liệu gia đình cung cấp.

Chính bản thân đồng chí Chính ủy, một đầu gối đã bị trẹo vì leo núi và dốc quá nhiều, thường xuyên phải xoa dầu để hành quân cùng bộ đội kéo pháo. Đồng chí Phạm Kiệt, Cục trưởng Cục bảo vệ chiến dịch, khi đi kiểm tra, qua dòng người kéo pháo cũng không biết ai là chỉ huy, không nhận ra đồng chí Chính ủy trong hàng trăm cán bộ, chiến sỹ.

Mỗi lần muốn gặp một đồng chí cán bộ nào, đồng chí phải gọi: "Đồng chí chỉ huy đơn vị này đâu?" và khi có người bước ra khỏi đội ngũ kéo pháo, báo cáo: Có tôi; lúc đó mới biết là người chỉ huy của họ.

Ban đêm cán bộ chỉ huy cùng anh em vật lộn với pháo, nhưng ban ngày thì lại phải họp hành rút kinh nghiệm, kiểm tra nơi ăn chốn nghỉ của đơn vị. Có lúc các vừa nằm xuống, chưa hợp mắt thì máy bay địch đã đến lại phải vùng dậy quan sát, xử trí...

Chính ủy "Bảy tời"

Trong hành trình kéo pháo gian khổ, bên cạnh "Vực sâu Vườn chuối" thì đến ngay dốc bảy tời là chỗ gay go nhất. Dốc vừa cao, vừa đứng, lại vừa quanh co, khúc khuỷu.

Hàng trăm người kéo một khẩu pháo nếu không có chỉ huy chặt chẽ, phân công không rành mạch thì chỉ chen nhau tìm chỗ đứng đã hết buổi chứ chưa nói đến chuyện kéo. Đồng chí Chính ủy nói với đồng chí Mạc Ninh đang đi tới:

- Giao cho cậu ra làm chính uỷ bảy tời đấy. Cậu có là chính uỷ trung đoàn giỏi thì phải hoàn thành tốt nhiệm vụ chính uỷ bảy tời. Phải phân công chỗ đứng cho từng dây kéo cho hợp lý, miệng phải động viên, tay áo phải xắn cao để cùng anh em kéo pháo, vặn tời, cậu thấy thế nào?

- Báo cáo, tôi xin nhận!

Thế là đồng chí Mạc Ninh cười, ra đi và xông ngay vào đội ngũ dây tời. Mấy khẩu pháo đang lên dốc, từ đấy cứ nối tiếp nhau chuyển bốc lên và cũng từ đấy đồng chí Mạc Ninh đã được anh em bộ đội gọi thân mật là "chính uỷ bảy tời".

Thậm chí có lần hai đồng chí đang đứng nói chuyện mà mệt đến nỗi cùng ngủ gật cho đến lúc đầu cụng vào nhau mới sực tỉnh.

Được lời như cởi tấm lòng

Qua bảy ngày đêm! Giờ phút chiến đấu đã sắp tới. Hai đại đội lựu pháo của Đại đoàn 351 đã vào hầm. Đài quan sát của các đơn vị đã ngự trị trên các đỉnh cao ở phía bắc Điện Biên Phủ. Phần tử đầu tiên của những "họng pháo" 105 mm đã ngắm sẵn vào sở chỉ huy Đờ Cát và Sân bay Mường Thanh.

Nhưng không hiểu sao trong lòng đồng chí Chính ủy pháo binh vẫn có điều gì đó bâng khuâng, suy nghĩ...

Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu: Những mật lệnh thực thi ngay lập tức và lời đề nghị bất ngờ - Ảnh 2.

Đồng chí Phạm Ngọc Mậu báo cáo công việc với Bác Hồ. Ảnh: Tư liệu gia đình cung cấp.

Trên cánh đồng Nà Hi, Bản Tố, đại đội cao xạ 828 và đại đội cao xạ liên thanh đã thu mình "rình" sẵn trong các cụm rơm khổng lồ. Những trắc viễn kính, những ống nhòm của các người chỉ huy cao pháo đã ngước cao, lấp lánh dưới những tia nắng nhạt của trời chiều.

Trên đường Điện Biên - Lai Châu và đường kéo pháo, chỉ còn mấy đại đội đang nhích gấp vào trận địa. Lúc này bộ binh, súng cối đang nườm nượp đang đổ ra phía cửa rừng. Từng đoàn dân công, vai vác nặng cũng đang ào ào theo sát bộ đội tiến ra hoả tuyến.

Trong dòng người ấy, đồng chí thầm cảm phục những cô gái thân hình bé nhỏ, hai vai vác hai hộp đạn đại bác, bước đi thoăn thoắt.

Qua điện thoại với Bộ chỉ huy Mặt trận, đồng chí biết rằng xung kích của các đại đoàn bộ binh đã triển khai xong đội hình chiến đấu. Họ chỉ còn chờ từng loạt đạn pháo hoả chuẩn bị của chúng tôi vút ra khỏi nòng, tới tấp bổ vào đồn thù là họ lập tức xung phong vào đồn giặc.

17 giờ. Trong một hầm đạn của dân công ở phía bắc Điện-biên-phủ, Đảng uỷ đại đoàn pháo binh đã bàn xong công tác lãnh đạo trận chiến đấu tới và phân công về các vị trí chỉ huy; truyền quyết tâm chiến đấu xuống các đơn vị.

Bỗng chuông điện thoại réo lên đổ hồi. Đồng chí Chính ủy vội cầm lấy máy. Bên kia đầu dây có tiếng nói quen thuộc của đồng chí Đại tướng Tổng tư lệnh:

- Có phải đồng chí Mậu không?

- Báo cáo anh, tôi, Mậu đây!

- Đồng chí lấy giấy ghi mệnh lệnh!

Vội giở sổ tay đồng chí Chính ủy ghi chép từng lời:

Để tăng cường công tác chuẩn bị bảo đảm chắc thắng cho chiến dịch, mệnh lệnh: Ngay từ tối hôm nay, bắt đầu chuyển pháo ra khỏi trận địa lâm thời, đến những vị trí an toàn. Mệnh lệnh này cần được chấp hành triệt để, nhiệm vụ chuyển pháo coi như nhiệm vụ chiến đấu.

Cuối cùng, vẫn cẩn thận như thường lệ, đồng chí Văn còn hỏi:

- Rõ chưa?

Đồng chí Chính ủy đáp:

- Rõ!

Đồng chí Văn lại dặn:

-Rõ rồi thì chấp hành ngay nhé!

- Vâng !....

Mười năm sau, nhân dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng chí Chính ủy Phạm Ngọc Mậu mới nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ý nghĩ của mình: "Khi có lệnh kéo pháo ra, đúng là: được lời như cởi tấm lòng!".

Bản thân đồng chí đã nhận thấy, pháo binh ta đặt trên một địa hình quá trống trải, nếu địch phản pháo thì không có cách gì chống đỡ được, thiệt hại sẽ vô cùng to lớn.

Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn nói: "Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ".

Đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ nói: Tôi nghĩ nếu lần đó cứ "đánh nhanh giải quyết nhanh" thì cuộc kháng chiến có thể phải lui lại mười năm!".

Đó là một bài học sâu sắc về dân chủ nội bộ, bài học sâu sắc của mỗi một người Chính ủy trong Quân đội.

Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu: Những mật lệnh thực thi ngay lập tức và lời đề nghị bất ngờ - Ảnh 3.
Tượng đài kéo pháo Điện Biên Phủ.

Ăn Tết ngọt như đường phèn

Vào một ngày cuối năm, một trung đội của tiểu đoàn 542 mừng xuân bằng một trận chiến đấu phòng ngự rất oanh liệt. Trung đội ấy đã anh dũng đập tan bảy đợt xung phong của hai tiểu đoàn địch đánh ra đồi 75 (gần đầu đường kéo pháo bên phía Bản Tố), giữ vững trận địa, bảo vệ đường kéo pháo được an toàn.

Lập tức tin đó được truyền đi khắp các khẩu đội làm mọi người càng phấn khởi ra sức hoàn thành mau chóng nhiệm vụ. Đêm hôm đó, đồng chí Lê Trọng Tấn – Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy kéo pháo chiến dịch vừa chỉ huy cuộc chiến đấu ở phía đồi 75 về, ngoài việc báo tin chiến thắng, đồng chí còn thông báo với đồng chí Chính ủy đêm nay đã là đêm 30 Tết.

Đồng chí Tấn cười hỏi:

- Thế Tết đến mà chính uỷ không chú ý đến tinh thần cho anh em à?

Các đồng chí trong bộ chỉ huy nhìn nhau cười rộ. Đồng chí Kiệt đưa ra ý kiến độc đáo:

- Nào! Các cậu còn "dự trữ" được thứ gì thì bỏ cả ra đây làm bữa tất niên rồi cho gọi Mạc Ninh, Nam Thắng (chính uỷ một trung đoàn pháo) lên họp bàn lãnh đạo cho bộ đội ăn Tết theo kiểu vua Quang Trung mới được.

Tất cả đều đồng ý. Đồng chí Tấn còn được ít đỏ xanh, đồng chí Chính ủy có mấy thanh đường phèn, đồng chí Kiệt còn mấy điếu thuốc lá. Và cái Tết 1954 đó tại Điện Biên là một cái tết đặc biệt, mỗi đồng chí được lưng bát chè và nửa điếu thuốc lá.

Đối với đồng chí Chính ủy và đồng đội, đây là một cái Tết hiếm có và không bao giờ quên được cái Tết chiến thắng trên đồi 75 và cũng là cái Tết sắp hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kéo pháo.

Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu: Những mật lệnh thực thi ngay lập tức và lời đề nghị bất ngờ - Ảnh 4.

Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu và người bạn đời hồi mới cưới nhau. Ảnh: Tư liệu gia đình cung cấp.

Đề nghị đặc biệt đối với Bộ Tư lệnh chiến dịch

Hôm sau đồng chí Chính ủy được điện của Bộ gọi về báo cáo tình hình. Vừa gặp, đồng chí Đại tướng đã nhắc lại lời động viên hôm nọ:

- Này ! Kéo pháo ra thành công, Bộ coi như các đồng chí đã tiêu diệt được hai tiểu đoàn địch rồi đấy.

Đồng chí Chủ nhiệm chính trị chiến dịch giục:

- Đi cắt tóc và tắm rửa đi, có nước nóng đấy!

Đồng chí Chính ủy đáp:

- Thôi! Đề nghị cho tôi hút một "tua" thuốc lào và đánh một giấc ngủ đã.

Bộ Tư lệnh đồng ý và đồng chí Chính ủy đã ngủ một giấc ngon tuyệt trần đời.

Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu: Những mật lệnh thực thi ngay lập tức và lời đề nghị bất ngờ - Ảnh 5.

Bác Hồ chủ trì liên hoan mừng chiến thắng sau chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu gia đình cung cấp.

Thay cho lời kết: Mệnh lệnh từ trái tim

Chính ủy là một vị trí đặc biệt trong Quân đội ta, đó là vị trí nắm phần hồn của người chiến sỹ. Điều gì đã khiến cho những cánh tay, đôi vai bằng xương, bằng thịt của bộ đội ta biến thành "Chân đồng, vai sắt" để đưa cả những khẩu đại pháo vào trận địa.

Đó không phải là những mệnh lệnh khô cứng, vô cảm, bất chấp xương máu từ người chỉ huy, mà là những mệnh lệnh xuất phát từ sự đồng cảm , tình yêu thương sâu sắc giữa con người với con người, giữa người Chính ủy và người chiến sỹ.

Không có một mệnh lệnh, nghị quyết nào có thể bắt người chiến sỹ phải đặt tên người Chính ủy của mình cho đỉnh núi cheo leo kia, chỉ có một mệnh lệnh duy nhất, đó là MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM...

Nguồn tin: Thời Đại /Soha.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây