“Nghi vấn khuất tất cấp GCNQSD 8.000m2 đất ở Quảng Ngãi”: Luật gia phản bác căn cứ pháp lý UBND tỉnh viện dẫn

Thứ hai - 13/03/2017 05:20
(PL News) – Sau khi Pháp lý đăng bài “Sơn Tịnh – Quảng Ngãi: Nghi vấn khuất tất trong việc cấp GCNQSD 8.000m2 đất thổ cư ?”, ngày 19/8/2016, VPĐD Tạp chí Pháp lý tại khu vực MT&TN đã nhận được Văn bản số 4555/UBND-TCD của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi .
“Nghi vấn khuất tất cấp GCNQSD 8.000m2 đất ở Quảng Ngãi”: Luật gia phản bác căn cứ pháp lý UBND tỉnh viện dẫn

 

>> Nghi vấn khuất tất trong việc cấp GCNQSD 8.000m2 đất thổ cư ở huyện Sơn Tịnh: Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi phản hồi về kết quả giải quyết vụ việc có liên quan đến bài viết, xác nhận thông tin đăng tải trên Pháp lý là chính xác ( thông tin UBND huyện Sơn Tịnh cấp GCNQSDĐ cho hộ ông Nguyễn Ngọc Dương theo Thông tư 302/TT-ĐKTK đã hết hiệu lực hơn 4 tháng) và thừa nhận trình tự thủ tục cấp GCNQSD đất có nhiều sai sót…

Luật gia Trương Việt Kon Tum tìm hiểu và tư vấn luật cho các đồng thừa kế tộc họ Lâm tại nhà thờ cúng tộc họ.
Luật gia Trương Việt Kon Tum tìm hiểu và tư vấn luật
cho các đồng thừa kế tộc họ Lâm tại nhà thờ cúng tộc họ.

Tuy nhiên, thay vì chỉ đạo thu hồi “sổ đỏ” đã cấp không đúng pháp luật để chấm dứt khiếu kiện kéo dài thì UBND tỉnh Quảng Ngãi lại căn cứ vào quy định khác tiếp tục đẩy sự việc đi xa hơn…
Xung quanh vụ việc này, để rộng đường dư luận, PV Pháp lý đã trao đổi với Luật gia Trương Việt Kon Tum – nguyên Trưởng phòng Giám đốc kiểm tra TAND tỉnh Bình Định nhằm làm sáng tỏ thêm các căn cứ pháp lý mà UBND tỉnh Quảng Ngãi đã viện dẫn.

Phóng viên: Tại Văn bản số 4555/UBND-TCD về việc phúc đáp kết quả giải quyết đối với việc cấp Giấy CNQSDĐ cho hộ ông Nguyễn Ngọc Dương gửi cho Văn phòng đại diện Tạp chí Pháp lý tại MT&TN mới đây, mặc dù thừa nhận thông tin phản ánh của bài báo là chính xác (vì đã chỉ ra việc cấp GCNQSD thửa số 409 cho hộ ông Nguyễn Ngọc Dương được thực hiện theo Thông tư 302/TT-ĐKTK đã hết hiệu lực 4 tháng và thực hiện theo Nghị định 64/CP là không đúng), thế nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, dù là nguồn gốc đất của ông bà lưu hạ hay khai hoang thì hộ ông Dương cũng đủ điều kiện được xem xét và cấp GCNQSD theo quy định tại Điều 2 Luật Đất đai năm 1993. Giải thích của UBND tỉnh Quảng Ngãi, theo ông có căn cứ pháp luật?

Luật gia Trương Việt Kon Tum: Vận dụng theo Điều 2 Luật Đất đai năm 1993 tức là UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng ông Dương là chủ thể sử dụng đất ổn định. Tuy nhiên diễn biến của quá trình quản lý sử dụng thửa đất 409 cho thấy người sử dụng đất ổn định là các đồng thừa kế của tộc họ Lâm. Thể hiện rõ nhất là tại Văn bản số 1571/UBNDNC ngày 27/8/2014, UBND huyện Sơn Tịnh cho biết, nguồn gốc thửa đất số 409 là “do ông, bà dòng họ Lâm tạo lập và làm nhà ở, sản xuất hoa màu cho đại gia đình sinh sống từ năm 1942… Đến năm 1975, ông Lâm Ngọc Châu (cha vợ ông Nguyễn Ngọc Dương) là con trai trưởng… về làm nhà sinh sống trên thửa đất này. Năm 1978, ông Nguyễn Ngọc Dương kết hôn với bà Lâm Thị Son (con gái ông Châu – PV) rồi làm nhà”.

 Lâm tự đường được xây dựng lại vào năm 1999
Lâm tự đường được xây dựng lại vào năm 1999

Việc ông Châu về định cư trên thửa đất 409 là phù hợp với nội dung Bảng phân thư năm 1949 do bà Nguyễn Thị Viên (chánh thất quả phụ của ông Lâm Dung – người tạo lập di sản) đã chỉ định trông coi quản lý “để phụng thờ gia tiên đời đời”. Cùng thời gian sau năm 1975, còn có bà Lâm Thị Quất và ông Lâm Sơn Tuế – là các đồng thừa kế cũng đã quay về định cư sinh sống trên thửa đất. Đến năm 1999 tộc họ Lâm đã xây dựng lại nhà thờ tộc họ trên thửa đất… Mãi đến 8/2000, ông Dương mới đứng tên đăng ký kê khai QSD đối với thửa đất và cũng thừa nhận riêng thửa số 409 có nguồn gốc đất của ông bà để lại. Trong trường hợp này, nếu ông Lâm Ngọc Châu qua đời thì tộc họ Lâm có trách nhiệm cử các đồng thừa kế khác ra tiếp tục trông coi quản lý di sản và kê khai đăng ký quyền sử dụng đất với cơ quan có thẩm quyền là phù hợp với quy định của pháp luật thừa kế tại thời điểm. Chỉ khi nào những người thừa kế đều đã chết thì di sản mới thuộc về người đang quản lý di sản.

Như vậy thửa đất số thửa 409 (một phần của thửa số 1066 của tộc họ Lâm) vẫn được các đồng thừa kế tiếp tục quản lý sử dụng ổn định từ sau ngày giải phóng. Do đó không thể nói là hộ gia đình ông Dương sử dụng ổn định (trong hồ sơ xét cấp cũng không có thể hiện UBND xã Tịnh Đông xác nhận có nội dung này), để theo đó có căn cứ để xét cấp QSD theo Điều 2 Luật Đất đai năm 1993 như UBND tỉnh Quảng Ngãi viện dẫn.

Liên quan đến diện tích của thửa đất 409/8.042m2 (tăng bất thường hơn 1.600m2) so với diện tích thực có của 2 thửa (435/3.140m2 và 415/3.300m2) trước khi sáp nhập (mà trong bài báo trước, tác giả đã chỉ ra đó là do ông Dương đã kê khai chồng lấn lên thửa của bà Quất và thửa đất được liệt vào diện khai hoang mà có nhưng UBND huyện Sơn Tịnh không làm rõ), UBND tỉnh Quảng Ngãi giải thích đó là “kết quả đo đạc thực tế khi thực hiện Nghị định 64/CP chứ không phải thực hiện thủ tục hợp thửa nên có sự chênh lệch so với cộng số học tổng diện tích trên bản đồ của hai thửa”. Ông nghĩ sao về lý giải này ?

Văn bản phản hồi của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi
Văn bản phản hồi của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi

Giải thích của UBND tỉnh Quảng Ngãi là không thuyết phục vì các văn bản trả lời cho đương sự (đặc biệt là Văn bản số 105/TNMT của Phòng TNMT huyện – cơ quan chuyên môn trực tiếp kiểm tra quy trình cấp GCNQSD đất cho hộ ông Dương gửi Chủ tịch UBND xã Tịnh Đông về việc xử lý đơn khiếu nại của ông Lâm Phú Hải), UBND huyện Sơn Tịnh đều xác nhận là do 2 thửa nhập lại. Nếu cho rằng đó là kết quả đo đạc thực tế mà không bao gồm thửa đất số 436 (của bà Quốc đứng tên kê khai theo 299/TTg) thì càng không có cơ sở, vì sau khi tách thành 3 thửa đo đạc thực tế theo Nghị định 64/CP thửa đất này “bốc hơi” mất 1.305m2. Trong khi đó ranh giới thửa đất số 1066 của tộc họ Lâm được lập năm 1935 (theo Trung tâm Công nghệ thông tin TN&MT trích lục vào ngày 18/11/2013) qua các thời kỳ không thay đổi.

Thừa nhận sử dụng số liệu đo đạc khi thực hiện Nghị định 64/CP nhưng lại phủ nhận không thực hiện theo Nghị định 64/CP là bất thường. UBND tỉnh Quảng Ngãi không thể không biết Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ quy định về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp là căn cứ để ban hành Thông tư 346. Chính vì vậy trong Đơn xin đăng ký QSD đất, ông Dương đã liệt kê ngoài thửa 409 có nguồn gốc đất của ông bà để lại còn có 5 thửa khác được chia theo Nghị định 64/CP. Điều này phù hợp với kết quả xác minh của Phòng TNMT huyện Sơn Tịnh tại Văn bản số 105/TNMT ban hành ngày 12/8/2011, khi cho rằng việc hợp nhất thửa 409 được thực hiện theo Nghị định 64/CP.
Như vậy, việc cấp GCNQSD đất cho hộ ông Dương theo Thông tư 346 như UBND tỉnh Quảng Ngãi “đính chính” dùm UBND huyện Sơn Tịnh chỉ là thủ tục để hợp thức hóa quyền sử dụng đất 10.425m2 (trong đó có thửa 409) đã được cân đối giao quyền trước đó cho hộ ông Dương theo Nghị định 64/CP, do đó không thể nói là không thực hiện theo Nghị định 64/CP.

Phóng viên: Đến Văn bản số 4555, bất ngờ UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng ông Lâm Hiệp Phước không có căn cứ pháp lý để yêu cầu người có thẩm quyền phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại (trong khi trước đó đã thụ lý giải quyết) theo quy định của pháp luật về khiếu nại, vì ông Phước không có căn cứ để chứng minh từ sau năm 1975 là người quản lý sử dụng thửa đất 409. Theo ông, việc từ chối giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có phù hợp với quy định của pháp luật ?

Luật gia Trương Việt Kon Tum: Xét về quan hệ tộc họ, ông Lâm Hiệp Phước là con trai của ông Lâm Tờn (ông Tờn là con trai thứ 2 của bà Nguyễn Thị Viên và ông Lâm Dung – người tạo lập di sản). Trong khi đó ông Lâm Ngọc Châu – con trai trưởng (người được chỉ định trông coi quản lý di sản đã qua đời) chỉ sinh hạ duy nhất một đứa con gái là bà Lâm Thị Son (tức vợ ông Nguyễn Ngọc Dương). Theo quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự 2003, thì ông Phước là hàng thừa kế thứ hai theo pháp luật vì là “cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội”.

Như vậy, ông Lâm Hiệp Phước đương nhiên có quyền đại diện hợp pháp của những người thừa kế tộc họ Lâm gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyền lợi của tộc họ bị xâm hại là phù hợp với khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011 và khoản 1 Điều 670 Bộ luật Dân sự. Mặt khác, vì có căn cứ thụ lý nên Văn phòng Trung ương Đảng đã chuyển đơn khiếu nại của ông Lâm Hiệp Phước đến Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Thường trực Tỉnh ủy đã có Văn bản số 311-CV/TU ngày 05/02/2016 giao cho UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo giải quyết vụ việc. Do đó việc Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi từ chối ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo đơn khiếu nại của ông Phước là không phù hợp với luật định.

Phóng viên: Vậy theo ông có hay không căn cứ để thu hồi Giấy CNQSD đất đã cấp cho hộ ông Nguyễn Ngọc Dương ?

Luật gia Trương Việt Kon Tum: Điểm d, khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai năm 2013 quy định Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trong trường hợp: “Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp người được cấp GCN đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất…”; và điểm d, khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai: “Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho”.

Đối chiếu các quy định trên, thì thửa đất 409 có diện tích hơn 8.000m2 đã được cấp GCNQSD cho hộ ông Nguyễn Ngọc Dương là trái với quy định của pháp luật, theo đó có căn cứ để UBND huyện Sơn Tịnh ban hành quyết định thu hồi. Bởi, ông Dương và các thành viên trong hộ gia đình không phải là đối tượng để được xét cấp tại thời điểm mà phải là người đại diện của tộc họ Lâm và tộc họ Lâm cũng không có văn bản chuyển nhượng hoặc tặng cho ông Dương.

Lẽ ra trong trường hợp này, sau khi xem xét Đơn xin đăng ký QSD đất của ông Dương khai có nguồn gốc đất ông bà để lại, Hội đồng đăng ký đất của xã Tịnh Đông lúc bấy giờ và sau đó là Phòng Địa chính huyện Sơn Tịnh cẩn trọng xem xét, làm rõ hộ gia đình ông Dương có hay không có đủ điều kiện để được thừa kế đất ông bà để lại trước khi thông qua và đề nghị cấp sổ; xem xét làm rõ nguyên nhân và xử lý triệt để diện tích của thửa đất 409 được cấp cho hộ ông Dương (sau khi sáp nhập từ hai thửa 435 và 415) tăng lên bất thường hơn 1.600m2… thì chắc chắn sẽ không có hậu quả pháp lý xảy ra như ngày hôm nay.

Xin trân trọng cảm ơn Luật gia !

Tác giả bài viết: TỔ PV MIỀN TRUNG (thực hiện)

Nguồn tin: Pháp lý Online:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây