Bình luận kỳ án ở Thái Nguyên

Thứ hai - 17/04/2017 23:40
(PL News) -  Sau 10 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, 10 phiên tòa được mở với 5 bản án, ngoại trừ thẩm phán xét xử sơ thẩm lần đầu còn các thẩm phán khác đều không đồng tình với nội dung truy tố, bảo lưu ý kiến trả tự do cho bị cáo tại tòa, nhưng đến nay bị cáo trong vụ án “Cố ý gây thương tích” ở Thái Nguyên vẫn bị giam giữ suốt 5 năm - bằng mức án do tòa sơ thẩm lần đầu tuyên.
Hồ sơ vụ án
Hồ sơ vụ án

TÓM TẮT NỘI DUNG VỤ ÁN
 
      Tối 09/4/2008, Đào Xuân Phương (sinh năm 1981, thường trú tại tổ 15, phường Phú Xá, TP. Thái Nguyên) đang ngồi uống nước chè ở quán nước gần nhà, thấy có tiếng ồn ào ở gần đó nên tò mò đi xe máy đến xem. Khi Phương vừa đi xe máy đến ngõ lên nhà Nguyễn Công Lương, thấy Lương cởi trần mặc quần đùi hai tay cầm hai con dao chạy về phía mình tưởng Lương chém nên Phương vội bỏ xe máy lại và chạy. Một lát sau, nghe có người nói xe máy của Phương bị Lương đập phá, Phương liền quay trở lại lấy xe máy của mình. Đến nơi, Phương đi quanh xe máy nói: “Tao không làm gì mà mày đập xe của tao…”, sau đó đi về nhà.

       Hơn một năm sau, ngày 31/8/2009, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Nguyên ra Quyết định khởi tố bị can số 383 đối với Đào Xuân Phương về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 Bộ luật Hình sự. Mười ngày sau, ngày 10/9/2009, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Nguyên lại có Quyết định số 09 thay đổi Quyết định khởi tố bị can Phương từ tội “Gây rối trật tự công cộng” sang tội ‘Cố ý gây thương tích” theo Điều 104 Bộ luật Hình sự. Ngày 11/9/2009, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) TP. Thái Nguyên có Quyết định số 672 phê chuẩn Quyết định thay đổi Quyết định khởi tố bị can số 09 ngày 10/9/2009 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Nguyên. Ngày 10/9/2009, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Nguyên ra lệnh bắt để tạm giam đối với Phương về tội “Cố ý gây thương tích” và ngày 11/9/2009 VKSND TP. Thái Nguyên có Quyết định số 888 phê chuẩn Lệnh bắt bị can để tạm giam số 149 ngày 10/9/2009 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Nguyên. Từ ngày 16/9/2009, Đào Xuân Phương bị bắt tạm giam liên tục cho đến nay.

       Sau nhiều lần trì hoãn do không đủ chứng cứ buộc tội, ngày 10/12/2010, TAND TP. Thái Nguyên xét xử sơ thẩm tuyên Đào Xuân Phương 5 năm tù về tội cố ý gây thương tích. Ngày 09-10/3/2011, TAND tỉnh Thái Nguyên mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, tuyên hủy trả lại hồ sơ cho VKSND TP. Thái Nguyên để tiến hành điều tra lại vụ án. Tiếp đó, ngày 24/10/2011 TAND TP. Thái Nguyên mở phiên sơ thẩm lần 2 đối với bị cáo Phương. Tháng 12/2013 TAND tỉnh Thái Nguyên mở phiên tòa phúc thẩm lần 2 và thêm một lần tuyên hủy trả lại hồ sơ để tiến hành điều tra lại vụ án. Gần đây nhất, ngày 28-29/4/2014 và ngày 05-07/5/2014, TAND TP. Thái Nguyên tiếp tục mở lại phiên tòa sơ thẩm lần 3 và vẫn tuyên mức án 5 năm tù với Phương theo tội danh như những lần trước. Như vậy, tính đến nay, TAND TP. Thái Nguyên đã 3 lần xét xử, 2 lần TAND tỉnh tuyên hủy án và điều tra bổ sung gần 10 lần (Phương đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm ngày 07/5/2014 và chờ TAND tỉnh Thái Nguyên mở phiên tòa phúc thẩm lần 3) (*).

     Trước khi bị vướng vào vòng lao lý, Đào Xuân Phương là một công nhân hiền lành, chủ gia đình có 2 con nhỏ, hoàn cảnh rất khó khăn. 5 năm bị giam giữ, Phương liên tục kêu oan, cam đoan trước đó không có mâu thuẫn gì với Lương và không gây ra thương tích cho Lương. Điều đáng nói ở đây là, không kể 02 phiên phúc thẩm do TAND tỉnh Thái Nguyên đều tuyên trả hồ sơ điều tra lại thì tại 02 trong số 03 phiên tòa do TAND TP. Thái Nguyên xét xử sơ thẩm, các thẩm phán chủ tọa phiên tòa đều khẳng định không đủ cơ sở kết luận bị cáo Đào Xuân Phương phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự, nhưng các bản án sơ thẩm vẫn tuyên Phương phạm tội và xử phạt 5 năm tù giam do kết quả biểu quyết chiếm đa số của các hội thẩm nhân dân.
 
BÌNH LUẬN
 
* Lúng túng trong quyết định khởi tố bị can
 
        Theo hồ sơ vụ án, vụ việc mâu thuẫn tại tổ 14, phường Phú Xá, TP. Thái Nguyên diễn ra vào tối ngày 09/4/2008, nhưng đến ngày 31/8/2009 - tức là hơn một năm sau - Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Nguyên mới có Quyết định số 383 khởi tố đối với Đào Xuân Phương về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo yêu cầu của người bị hại. Đặc biệt, chỉ 10 ngày sau khi Quyết định số 383 chưa ráo mực, cơ quan này lại có Quyết định khởi tố bị can số 09 thay đổi tội danh, chuyển Đào Xuân Phương từ tội “Gây rối trật tự công cộng” sang tội “Cố ý gây thương tích”, đồng thời ra lệnh bắt để tạm giam ngay sau đó (ngày 16/9/2009).

       Điều đáng nói là, tất cả nội dung trong hồ sơ vụ án không hề có tình tiết nào cho thấy Phương có hành vi gây rối hoặc mâu thuẫn gì với những người khác, ngoại trừ câu nói "Tao không làm gì mà đập xe của tao,…". Hơn nữa, khi chuyển sang tội danh “Cố ý gây thương tích" đối với Phương, cơ quan điều tra cũng không làm rõ được mục đích, động cơ phạm tội, rồi các cơ chế hình thành các vết thương của nạn nhân và không tìm được vật chứng. Tại bút lục 817, hai hội thẩm nhân dân là DVX và TTH khẳng định "vật chứng vụ án không thu thập được, Viện kiểm sát nêu trong cáo trạng viên gạch võ có kích thước 10x7x7cm là không có căn cứ". Còn bị cáo Đào Xuân Phương, trong suốt thời gian 5 năm, tuy bị cách ly hoàn toàn với bên ngoài nhưng luôn khẳng định anh ta bị oan và không hề có hành vi ném Lương. Thậm chí, với suy nghĩ “cây ngay không sợ chết đứng” nên ở giai đoạn đầu Phương còn từ chối việc gia đình mời luật sư bào chữa cho mình. Còn các luật sư bào chữa cho bị cáo, trước sau đều khẳng định đã có nhiều sai phạm trong quá trình tố tụng, trong các lời khai của nhân chứng, nạn nhân mâu thuẫn với nhau, không đủ căn cứ buộc tội và đòi trả tự do lập tức cho bị cáo.
 
* Thu thập và đánh giá chứng cứ theo hướng kết tội
 
     Trong thời gian 5 năm, 10 lần trả hồ sơ với 10 phiên tòa được mở, với 3 bản án sơ thẩm, 2 bản án phúc thẩm, nhưng cơ quan điều tra vẫn không có thêm được chứng cứ mới, ngoại trừ các Biên bản khám nghiệm hiện trường. Những Biên bản này cũng bị luật sư bào chữa cho bị cáo khẳng định “vi phạm nghiêm trọng pháp luật hình sự cả về hình thức lẫn nội dung” và được chính Thẩm phán Lê Thị Hồng Phương nhận định tại bút lục 814-815: “Trong hồ sơ có 4 biên bản xác định hiện trường, trong đó biên bản xác định hiện trường được lập sớm nhất vào ngày 10/6/2009 sau sự việc xảy ra gần 15 tháng. Cả 4 biên bản đều không xác định rõ chiếc xe máy của bị cáo Phương dựng ở đâu? Vị trí của những người làm chứng không thống nhất, mâu thuẫn nhau…”. Cũng theo hồ sơ vụ án thì trong số 15 người làm chứng của vụ án, các lời khai đều không rõ ràng, mâu thuẫn với nhau và căn cứ chính mà các cơ quan tiến hành tố tụng của TP. Thái Nguyên dùng để khép tội Phương là lời khai của hai mẹ con bị hại (Nguyễn Công Lương và bà Vũ Thị Lâm). Trong các bản luận cứ và tại các phiên tòa, các luật sư bào chữa cho Đào Xuân Phương nhiều lần khẳng định quá trình điều tra và truy tố có những biểu hiện làm sai lệch hồ sơ, một số bút lục đã bị tẩy xóa. Thế nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng ở TP. Thái Nguyên vẫn một mực cho rằng mình đã đúng và thế là 5 năm qua, cứ “đến hẹn lại lên”, người ta tiếp tục đưa bị cáo Đào Xuân Phương ra công đường luận tội.

       Căn nguyên để Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Nguyên khởi tố bị can đối với Đào Xuân Phương được cho rằng, tối 09/4/2008 Phương đã có hành vi đáp (ném) đá (gạch) dính cung mày mắt phải Nguyễn Công Lương khiến Lương bị thương tích, nhưng 5 năm qua vật chứng là gì, hình thù ra sao thì không ai biết. Nói cách khác, đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng TP. Thái Nguyên vẫn cho rằng Phương đã dùng viên gạch vỡ (khi khác nói là nửa viên gạch hoặc đá…) ném vào cung lông mày phải Lương để buộc tội, nhưng lại không thu giữ được viên gạch (đá) này. Không có vật chứng nhưng lại “đo” được “kích thước khoảng 10x7x7cm” - đây là sự tưởng tượng mà chỉ các cơ quan tiến hành tố tụng TP. Thái Nguyên mới nghĩ ra.

       Liên quan đến điều này, còn phải lưu ý, tại 3 nơi nạn nhân đến khám và điều trị, bệnh án ghi lý do dẫn đến thương tích, lúc thì bị ngã xe đạp, khi khác lại là đánh nhau, rồi bị ném đá. Đặc biệt, theo kết quả khám thì thân thể nạn nhân khi đó có đến 3 thương tích khác nhau: cung mắt phải, gáy, bụng. Thậm chí, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 24/10/2011, Lương khai vết thương ở bụng bị ném “hằn rõ hình viên gạch”. Vậy chỉ một viên gạch (đá) do các cơ quan tiến hành tố tụng TP. Thái Nguyên tưởng tượng do Phương gây ra lẽ nào lại có thể làm nạn nhân bị thương tích ở các vị trí khác nhau?

        Thực tế, trước khi Phương có mặt tại hiện trường, Nguyễn Công Lương đã đánh nhau với Đỗ Ngọc Tuấn, thậm chí Lương còn túm cổ áo và đấm Tuấn chảy máu mũi. Sau đó Lương cầm 2 con dao đuổi đánh Tuấn và 2 người bạn của Tuấn khi họ tìm đến nhà Lương để “nói chuyện” với bà Lâm (mẹ Lương, do Tuấn làm cùng xí nghiệp với bà Lâm).
Về động cơ, mục đích phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng TP. Thái Nguyên cũng không chứng minh được ở vụ án này. Vì trước khi bị bắt vào ngày 16/9/2014, Phương là công nhân, nhà bị cáo và nạn nhân gần nhau, cả hai không có mâu thuẫn gì. Việc cơ quan điều tra, VKSND TP. Thái Nguyên cho rằng Phương ném Lương là do Phương tưởng Lương “đập nát xe máy” của mình là không thuyết phục. Bởi, khi trở lại lấy xe máy, Phương còn đi quanh chiếc xe ở ngõ lên nhà Lương và thực tế chiếc xe vẫn nguyên vẹn. Lúc này ở cổng nhà Lương còn có bà Lâm (mẹ Lương), Lương vẫn cầm theo 2 con dao, giải thích với Phương rồi đi trở vào trong nhà. Đặt giả thiết nếu lúc này Phương ném đá (gạch) “trúng vào vị trí cung mày, bị ném Lương quay người đi về nhà” (Bản án số 307/2014/HSST) ở khoảng cách 3 mét, theo lẽ thường Lương không thể "cứ yên lặng" quay về nhà mà phải là “chạy” để tránh hoặc với sự hung hãn sẵn có Lương sẽ xông vào đối phương. Xin lưu ý, vào thời điểm xẩy ra vụ án, Lương đang là học sinh lớp 11, trước đó không lâu Lương đã đánh nhau với các thanh niên khác.
 
* Án tuyên theo quyết định của… hội thẩm
 
          3 phiên tòa sơ thẩm của TAND TP. Thái Nguyên, mỗi phiên đều có 1 thẩm phán, 2 hội thẩm nhân dân trong hội đồng xét xử. Nhưng một điều hết sức lạ lùng là ở hai phiên xử sơ thẩm vào tháng 10/2011 và tháng 5/2014 đã có sự mâu thuẫn giữa thẩm phán chủ tọa phiên tòa và hội thẩm nhân dân trong việc nhận định, kết luận về vụ án. Tại Biên bản nghị án TAND TP. Thái Nguyên ngày 6-7/5/2014 mà chúng tôi có trong tay thì mặc dù Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa Hoàng Văn Giang kết luận: “không có đủ cơ sở để kết tội bị cáo Đào Xuân Phương phạm tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 3 Điều 104 của Bộ luật Hình sự” và “trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa”, nhưng hai hội thẩm T và L lại nhất quyết cho rằng “cáo trạng” đã đúng và kết quả biểu quyết 2/3. Còn trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 diễn ra vào tháng 10/2011, Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa Lê Thị Hồng Phương đã đưa ra quan điểm và bảo lưu nhận định: bị cáo không có tội (Biên bản nghị án và Biên bản giữ nguyên quan điểm), nhưng đã vấp phải ý kiến trái chiều của các hội thẩm, do đó cả 2 bản án sơ thẩm lần 2 và lần 3 đã được tuyên “theo ý” trái với ý kiến của thẩm phán chủ tọa. 

         Việc để người dân tham gia công tác xét xử của tòa án đến nay không chỉ có ở Việt Nam mà vẫn tồn tại ở nhiều quốc gia. Ở các nước theo hệ thống thông luật (án lệ) có chế định về bồi thẩm đoàn; ở một số nước theo hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa, hội đồng xét xử có thể bao gồm thẩm phán chuyên nghiệp và thẩm phán không chuyên nghiệp hoặc thẩm phán và hội thẩm nhân dân. Tuy nhiên, cho dù ở đâu thì bồi thẩm đoàn, thẩm phán không chuyên nghiệp hay hội thẩm nhân dân cũng phải là người hiểu biết pháp luật, có vốn sống phong phú và sự công tâm. Ở đây, chưa bàn đến sự đúng, sai trong việc phân tích, đánh giá và các quyết định của các hội thẩm nhân dân, nhưng không lẽ việc quyết định hủy trả hồ sơ điều tra lại của tòa cấp phúc thẩm và 2/3 phiên sơ thẩm, cả hai thẩm phán chủ tọa phiên tòa đều sai? Câu trả lời ra sao hẳn đã rõ, còn thực tế vẫn là thực tế khi nguyên tắc “Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số” và “Khi xét xử hội thẩm ngang quyền với thẩm phán” vẫn tồn tại nên cuối cùng ở các bản án đó thẩm phán - chủ tọa phiên tòa dù không muốn vẫn phải tuyên theo quyết định của… hội thẩm.
 
           Đến nay, vụ án “Cố ý gây thương tích” ở Thái Nguyên vẫn chưa dừng lại. 5 năm qua, Phương vẫn tiếp tục kêu oan và mong các cơ quan chức năng vào cuộc để tìm ra sự thật. Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, rõ hơn cả là các thẩm phán ở các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm đều cố gắng tìm cách giải quyết vụ án sao cho công bằng, đúng pháp luật. Có vậy mới có chuyện họ luôn kết luận không đủ căn cứ, hủy án, rồi trả hồ sơ điều tra lại. Một bản án công tâm, đúng pháp luật là điều mong mỏi không riêng gì với những người trong cuộc. Trường hợp Đào Xuân Phương thực sự có tội, đương nhiên bị cáo sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật tương xứng với hành vi phạm tội do mình gây ra. Để làm được điều này, “trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng” (Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự), nhưng với những gì đã diễn ra suốt 5 năm qua thì liệu đến bao giờ vụ án này mới đến hồi kết?

        Trường hợp Đào Xuân Phương không phạm tội, khi đó những hậu quả do quá trình tố tụng gây ra sẽ phải tính ra sao? Rồi hệ lụy từ việc làm này đối với những người liên can và xã hội sẽ như thế nào? Ai là người đã tạo nên nỗi oan khiên, công nhiên bắt giữ rồi buộc tội một công nhân hiền lành vào vòng lao lý và chịu cảnh tù tội 5 năm trời? Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 và các văn bản hướng dẫn đã có, nhưng với những gì đã diễn ra trong vụ án này, trách nhiệm sẽ được quy cho ai, bao giờ mới xoa dịu các tổn thương cho những mảnh đời bất hạnh?

          Với trên 1.000 bút lục, vụ án được khởi tố - sau hơn một năm khi sự việc diễn ra - theo yêu cầu của người bị hại, sau 10 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, trải qua 5 phiên tòa xét xử, người bị tình nghi bị giam giữ liên tục đến giữa tháng 9/2014 là đúng 5 năm, kỳ án ở Thái Nguyên bao giờ mới tìm ra công lý?

Tác giả bài viết: Liêu Chí Trung

Nguồn tin: LSVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây