Theo các chuyên gia, chỉ 30 giây sau khi được chuyển giao chiếc cặp hạt nhân, Tổng thống Donald Trump đã hoàn toàn có quyền ấn nút tấn công hạt nhân, bắt đầu chiến tranh thế giới thứ 3, nếu Mỹ bị tấn công.
Trước đây, nhiều người lo ngại rằng nút ấn hạt nhân trong tay ông Donald Trump sẽ nguy hiểm, nhưng sau ngày ông đắc cử tổng thống Mỹ, nhiều người đã phải suy nghĩ lại. Kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 8-11, ông Donald Trump đã có nhiều cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo thế giới và các thành viên nội các để bàn về việc chuyển giao quyền lực, cũng như tăng cường hợp tác, phát triển các mối quan hệ.
Với mối quan hệ căng thẳng Nga - Mỹ, những gì ông Trump đang thể hiện đều cho thấy mối quan hệ này sẽ được cải thiện dưới thời Donald Trump. Ngoài ra, ông Trump trong chiến dịch tranh cử cũng tuyên bố rằng, ông "không ưa chiến tranh hạt nhân". Bruce G. Blair, một học giả nghiên cứu tại Princeton, cho biết tổng thống sẽ tổ chức một cuộc họp với các cố vấn quân sự và dân sự ở Washington trước khi bắt đầu một cuộc tấn công. Nhưng nếu Mỹ bị tấn công, các tư vấn có thể kéo dài ít nhất là 30 giây.
Đối diện quyết định khó khăn
Ông Trump sau khi chính thức bước chân vào Nhà Trắng sẽ ngay lập tức phải đối diện với những quyết định khó khăn về kho vũ khí hạt nhân đang cần được hiện đại hóa của Mỹ.
Những câu hỏi cấp thiết đặt ra lúc này là: Hiện đại hóa bao nhiêu là đủ? Liệu sức mạnh Mỹ có suy yếu không nếu số lượng vũ khí hạt nhân giảm sút? Hay Mỹ nên đối phó ra sao với các mối đe dọa hạt nhân. Trang web chuyển giao quyền lực của tổng thống đắc cử Mỹ cho biết ông "nhận thức rõ những mối nguy hiểm độc nhất vô nhị bắt nguồn từ vũ khí hạt nhân và hành vi tấn công mạng", đồng thời thêm rằng Donald Trump chắc chắn sẽ hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân "để đảm bảo nó tiếp tục đóng vai trò như một biện pháp răn đe hiệu quả".
Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. |
Tuy nhiên, nhà tài phiệt New York đến giờ tiết lộ rất ít chi tiết về các kế hoạch ông dự định thực hiện liên quan đến kho vũ khí hạt nhân Mỹ. Trong thời gian vận động tranh cử, vấn đề hạt nhân chỉ được đưa ra thảo luận một cách chung chung. Ông Trump từng gây hoang mang khi tuyên bố Mỹ nên từ bỏ việc duy trì chiếc ô phòng vệ hạt nhân cho các đồng minh châu Á nếu họ không đóng góp thêm vào chi phí phòng thủ khu vực hoặc họ cũng có thể tự mình chế tạo bom nguyên tử.
Giới quan sát đánh giá tổng thống Mỹ có lẽ cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ làm quen với các vấn đề liên quan đến vũ khí hạt nhân bởi ông sẽ sớm phải quản lý một Lầu Năm Góc đang bất đồng giữa hai luồng ý kiến. Một bên ủng hộ hiện đại hóa những loại vũ khí truyền thống, bên còn lại muốn nâng cấp kho vũ khí hạt nhân.
Michaela Dodge, nhà phân tích chính sách quốc phòng tại Quỹ Heritage, nhận định chính quyền Donald Trump tương lai có thể sẽ đảo ngược những chính sách hạt nhân mà Tổng thống Obama theo đuổi, thứ mà bà cho rằng là "hão huyền", bao gồm việc khuyến khích giảm nhẹ vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh Mỹ. "Mỹ đã lơ là các chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân kể từ thời điểm Chiến tranh Lạnh kết thúc, và khi chúng sắp hết hạn sử dụng, chúng ta cần đi trước một bước và hiện đại hóa những hệ thống hạt nhân", bao gồm cả các nhà máy công nghiệp hay phòng thí nghiệm hỗ trợ kho vũ khí, bà Dodge viết trong một báo cáo.
Tướng James Mattis, ứng viên số một cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong chính quyền ông Trump, hiện tỏ ra hoài nghi về thế cân bằng hạt nhân toàn cầu. "Bạn nên đặt câu hỏi 'đã đến lúc giảm bộ ba hạt nhân thành bộ đôi hạt nhân, loại bỏ tên lửa trên mặt đất, hay chưa?'", Mattis hồi tháng 1 năm ngoái nói trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.
Ông đề xuất xem xét lại những câu hỏi cơ bản nhằm "xác định rõ vai trò của vũ khí hạt nhân Mỹ. Có phải chúng chỉ phục vụ một mục đích duy nhất là ngăn chặn chiến tranh hạt nhân hay không? Nếu vậy, một câu trả lời rõ ràng sẽ giúp xác định số lượng vũ khí hạt nhân mà Mỹ cần".
Nhiều tổ chức phi chính phủ đang nghiên cứu nhu cầu hiện đại hóa cũng như các mối hiểm họa từ kho vũ khí hạt nhân. Tổ chức Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân, trụ sở ở Washington, hiện tập trung nghiên cứu về nguy cơ khủng bố hạt nhân cùng những mối đe dọa trên không gian mạng đối với các hệ thống chỉ huy - điều khiển hạt nhân Mỹ. "Điều gì xảy ra nếu tin tặc can thiệp vào một cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân, kích động một cuộc phản công trả đũa có thể gây ra cái chết của hàng triệu người", nhóm đặt vấn đề trong phần mô tả về dự án nghiên cứu.
Obama lo ngại
Tổng thống Barack Obama vẫn không tin rằng người kế nhiệm Donald Trump có thể sử dụng mã hạt nhân để bảo vệ nước Mỹ khỏi các cuộc tấn công nhưng ông chủ Nhà Trắng không còn muốn nhắc về điều đó.
Trả lời phóng viên sau tuyên bố trên mạng xã hội của ông Donald Trump về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest tái khẳng định, trong suốt năm 2016, Tổng thống Obama nhiều lần bày tỏ quan ngại về vai trò của ông Trump trong vấn đề an ninh hạt nhân. Trước câu hỏi Tổng thống Obama có tin tưởng vào người kế nhiệm Trump với mã phóng hạt nhân, Earnest lảng tránh bằng việc nhấn mạnh vai trò đội ngũ phụ tá của tổng thống tương lai.
Chiếc cặp điều khiển hạt nhân của Tổng thống Mỹ. |
"Tổng thống (Obama) có thể yên tâm bởi những người Mỹ yêu nước sẽ tiếp tục làm tốt vai trò quan trọng của họ. Với kinh nghiệm và chuyên môn dày dạn cùng lòng yêu nước, họ sẽ bảo vệ nước Mỹ", Earnest đề cao vai trò của đội ngũ giúp việc ông Trump trong tương lai.
Trong suốt cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016, Tổng thống Barack Obama luôn cho rằng ông Trump không phù hợp để trở thành tổng thống cũng như không thể nắm trong tay mã phóng hạt nhân của nước Mỹ. Tính khí cùng sự thiếu kinh nghiệm chính trường là điều người ta lo lắng khi trao chìa khóa vũ khí hủy diệt cho vị tỷ phú New York.
10 cựu quan chức giữ trọng trách điều khiển hoạt động tên lửa hạt nhân Mỹ từng viết một bức thư nhấn mạnh rằng tính khí, năng lực phán đoán, kỹ năng ngoại giao của Trump không phù hợp để chịu trách nhiệm về kho vũ khí hạt nhân. Tình trạng kho vũ khí hạt nhân Mỹ là đề tài hiếm khi được thảo luận. Trong phạm vi đó, Trump đã thể hiện một tầm hiểu biết khá mờ nhạt về vũ khí hạt nhân, chuyên gia đánh giá.
Tại một cuộc tranh luận với các đối thủ đảng Cộng hòa trước đây, nhà tài phiệt New York tỏ ra mơ hồ trước khái niệm bộ ba hạt nhân quan trọng, cần cho việc phát động một cuộc tấn công hạt nhân gồm tàu ngầm, tên lửa trên đất liền và máy bay ném bom chiến lược. "Tôi nghĩ hạt nhân đơn thuần đi đôi với sức mạnh, khả năng hủy diệt vô cùng quan trọng đối với tôi", ông Trump nói.
Tuy nhiên, với việc trở thành Tổng thống Mỹ, ông Trump sẽ được trao chiếc vali hạt nhân. Nó sẽ luôn được một sĩ quan cấp cao của quân đội Mỹ mang theo tổng thống mọi lúc, mọi nơi. Sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1, ông Trump sẽ là người duy nhất được quyền sử dụng phương tiện này. Ngoài ra, Mỹ không cam kết không phải quốc gia đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân nên sau khi nhậm chức, ông Trump có thể sử dụng vũ khí hủy diệt để tấn công kẻ thù ngay cả khi nước Mỹ chưa bị tấn công hủy diệt.
Xây dựng hạm đội tàu ngầm hạt nhân 128 tỷ USD
Mỹ thông qua chương trình hiện đại hải quân khủng với dự án trị giá 128 tỷ USD xây dựng hạm đội 12 tàu ngầm hạt nhân.
Tàu ngầm hạt nhân của Hoa Kỳ. |
Theo Bloomberg, ngày 4/1, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm vũ khí Frank Kendall ký văn bản ghi nhớ chính thức cho phép chương trình đóng tàu ngầm hạt nhân của Mỹ tiếp tục. Trong một cuộc phỏng vấn trước đây, ông Kendall đã bày tỏ hy vọng có thể hoàn thành việc này trước khi rời nhiệm sở khi Tổng thống Mỹ Barack Obama hết nhiệm kỳ vào ngày 20/1.
Kế hoạch nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Barack Obama dù động thái này khiến nhiều người ủng hộ kiểm soát vũ khí không hài lòng. Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump trên mạng xã hội Twitter dường như cũng phát đi tín hiệu ủng hộ chiến lược hiện đại hoá hải quân khi đề cập "Mỹ phải tăng cường và mở rộng mạnh mẽ năng lực hạt nhân...".
Tàu ngầm lớp Columbia là một phần trong chương trình nghìn tỷ USD bao gồm chi phí duy tu và bảo dưỡng, nhằm hiện đại hóa bộ ba hạt nhân biển - không - đất của Mỹ trong 30 năm tới.
Theo bản hợp đồng đang được thương thảo giữa hải quân Mỹ và tập đoàn General Dynamics, các tàu ngầm hạt nhân mới sẽ thay thế các tầu ngầm lớp Ohio cũ kĩ; Hungtington Ingalls Industries Inc., đơn vị đóng tàu hàng đầu của Lầu Năm Góc đảm nhận thi công và có doanh thu lớn từ các hợp đồng đóng tàu này, sẽ là nhà thầu phụ.
Dự án 128 tỷ USD đã bao gồm chi phí lạm phát này đưa những chiếc tàu ngầm hạt nhân mới của Mỹ vào nhóm các chương trình quốc phòng đắt đỏ nhất của nước này, chỉ xếp sau hợp đồng máy bay F-35 trị giá 379 tỉ USD và mạng lưới phòng thủ tên lửa đạn đạo trị giá 153 tỷ USD.
Theo bản điều khoản do ông Kendall ký, ước tính chi phí mới nhất của hải quân cho việc đóng tàu ngầm bao gồm 13 tỷ USD dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, 115 tỷ USD dành cho mua sắm trang thiết bị. Theo chỉ đạo của ông Kendall, chi phí mua sắm trung bình của mỗi chiếc tàu ngầm hạt nhân là 8 tỷ USD, không bao gồm trang bị như lò phản ứng hạt nhân để cung cấp năng lượng lẫn các loại vũ khí mang theo trên tàu.
Tác giả bài viết: Văn Nguyễn-S.H. (tổng hợp)
Nguồn tin: Theo Anninhthegioi
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn